Mặt trận Việt Minh với cách mạng Việt Nam
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944. Ảnh TƯ LIỆU
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám họp từ ngày 10-19/5/1941 do chính Người chủ trì.
Theo đề nghị của Người, hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp - Nhật, lấy tên là “Mặt trận độc lập đồng minh”, gọi tắt là Việt Minh.
Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Mặt trận và là cờ Tổ quốc khi giành được chính quyền, thành lập nước Việt Nam độc lập.
Tháng 10/1941, Mặt trận Việt Minh công bố tuyên ngôn, chương trình, điều lệ. Nhờ có chủ trương, chính sách rõ ràng, đúng đắn, Mặt trận Việt Minh phát triển nhanh chóng từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi. Nhiều hội cứu quốc được tổ chức: Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Công nhân cứu quốc... Các hội cứu quốc đều là thành viên của Mặt trận Việt Minh.
Mặt trận Việt Minh tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân, kể cả tư sản, địa chủ, nhân sĩ yêu nước, trí thức, văn nghệ sĩ... không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc nhằm đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Mặt trận Việt Minh thông qua hoạt động cách mạng của mình, đã giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và đoàn kết thống nhất toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông... là bài học kinh nghiệm sáng tạo tuyệt vời về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Tháng 8/1945, Đại hội Quốc dân ở Tân Trào thông qua lệnh khởi nghĩa, lấy cờ đỏ sao vàng - cờ của Việt Minh làm Quốc kỳ, bài hát Tiến quân ca làm Quốc ca; cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Chỉ trong hai tuần, cuộc tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Mặt trận Việt Minh thông qua hoạt động cách mạng của mình, đã giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết thống nhất toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông... là bài học kinh nghiệm sáng tạo tuyệt vời về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam non trẻ vừa ra đời đã phải đứng trước tình thế vô cùng hiểm nghèo như “ngàn cân treo sợi tóc”. Ở miền Nam, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Đồng Minh vào tước vũ khí quân đội Nhật, nổ súng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta từ ngày 23/9/1945. Ở phía Bắc, 18 vạn quân Quốc dân đảng Trung Hoa đem theo bọn phản cách mạng Việt Nam thực hiện âm mưu “diệt Cộng cầm Hồ”... Tình hình nghiêm trọng này đòi hỏi phải tăng cường đoàn kết toàn dân, loại trừ chia rẽ, ngăn chặn sự chống đối quyết liệt của các đảng phái chính trị phản động, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời đề ra các chủ trương sáng suốt như: tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước; thành lập Chính phủ liên hiệp; Đảng Cộng sản rút vào hoạt động bí mật, mặt khác tiếp tục mở rộng hơn nữa Mặt trận dân tộc thống nhất, đưa đến sự ra đời Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt, vào ngày 29/5/1946, với mục đích được ghi trong cương lĩnh: “Đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”.
Việc thành lập Hội Liên Việt là sự phát triển mới của Mặt trận dân tộc thống nhất, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia như: Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam, nhiều nhân sĩ, địa chủ yêu nước, nhiều chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số... mà trước kia vì lẽ này, lẽ khác chưa tham gia Mặt trận Việt Minh.
Thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt sát cánh bên nhau xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng, đẩy mạnh mọi hoạt động nhằm mục tiêu chung là kháng chiến thắng lợi... Đến thời điểm này, việc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt trở thành yêu cầu khách quan của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung nhằm củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc thống nhất hai tổ chức mặt trận: Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành một mặt trận lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Chính cương của Mặt trận Liên Việt nhấn mạnh: Sự đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp trong mặt trận là lâu dài, lấy khối liên minh công - nông làm nền tảng, để vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa cải thiện dân sinh, kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế đúng đắn, gắn cuộc kháng chiến của Việt Nam với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới.
Đánh giá công lao to lớn của Mặt trận Việt Minh, tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt (3/1951) khẳng định: “Việt Minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống quân cướp nước. Công đức ấy tất cả mọi người dân Việt Nam phải ghi nhớ. Lịch sử của Việt Minh 10 năm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc cũng là những trang lịch sử vẻ vang vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam ta”.
Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương (2/1951) tuyên bố ra công khai với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và Mặt trận dân tộc thống nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Liên Việt không ngừng lớn mạnh, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu thuẫn cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, Mặt trận Liên Việt trở thành: “Một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc; là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng”(*).
Học tập kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo và phát huy những thành quả của Mặt trận Việt Minh để tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay là rất cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.
------------------
(*) Văn kiện Đảng về Mặt trận Dân tộc thống nhất - NXB Sự Thật - Hà Nội - 1971 - trang 198.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/255801/mat-tran-viet-minh-voi-cach-mang-viet-nam.html