Cuốn Các hành tinh - Thuyết minh trực quan nhất về hệ Mặt Trời mà bạn chưa từng thấy (Nhà xuất bản Dorling Kindersley - DK) là hành trình khám phá đầy cảm hứng về hệ Mặt Trời và các hành tinh. Với hình ảnh trực quan, cuốn sách cung cấp nhiều thông tin về lịch sử hình thành, thực trạng và tương lai của Mặt Trời cũng như các hành tinh khác. Ảnh: EBM.
Theo cuốn sách, Mặt Trời lúc phôi thai chỉ là một đám khí co sụp lại, nằm khuất trong một tinh vân giàu các hợp chất hóa học (gọi là mây phân tử). Khi co lại, đám khí nóng lên và trở thành một tiền sao. Khi tiền sao dần đủ nóng để kích hoạt phản ứng hạt nhân, Mặt Trời mới bắt đầu tỏa sáng. Ảnh: NASA.
Tinh vân Mặt Trời ban đầu là một đĩa khí và bụi thống nhất. Khi các hạt bụi xô vào nhau trong không gian, chúng tích điện và bắt đầu hút lẫn nhau. Ở gần Mặt Trời, chúng kết hợp với các hạt đá và kim loại để trở thành những hòn đá tảng có thành phần giống các tiểu hành tinh. Ở ngoài giới hạn đông giá, chúng dần lớn lên thành các khối băng. Ảnh: NASA.
Mặt Trời là một ngôi sao điển hình. Nhưng ngôi sao của chúng ta sẽ không tồn tại mãi mãi. Tới bây giờ, nó đã trải qua một nửa vòng đời và trong khoảng 5 tỷ năm nữa, nó sẽ trở thành một sao khổng lồ đỏ, phình rộng và lấn ra các hành tinh. Trái Đất có thể sẽ chịu chung số phận, nhưng kể cả khi không bị nuốt chửng, hành tinh của chúng ta cũng sẽ nóng rực dưới sức nóng khủng khiếp khi Mặt Trời tới gần hơn. Cuối cùng, Mặt Trời sẽ vỡ tung và bung các lớp ngoài ra không gian, để lại một đám mây mờ được gọi là tinh vân hành tinh. Ảnh: NASA.
Bên trong Mặt Trời, mật độ vật chất và nhiệt độ tăng ổn định khi tiến về phía lõi, nơi có áp suất lớn gấp 100 tỷ lần áp suất khí quyển trên bề mặt Trái Đất. Mỗi giây, Mặt Trời chuyển hóa 4 triệu tấn vật chất thành năng lượng tinh khiết. Ảnh: NASA/CXC/M.Weiss.
Là một quả cầu plasma sôi sục, Mặt Trời không có ngày nào nghỉ ngơi. Bề mặt Mặt Trời nằm trong từ trường xáo động liên tục, gây ra các vụ nổ lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Vụ nổ lớn nhất và ấn tượng nhất trong hệ Mặt Trời xảy ra khi Mặt Trời phun ra một lượng plasma cực lớn, gọi là “phun trào vật chất nhật hoa”. Sự dữ dội của vụ nổ có thể tăng tốc các hạt Mặt Trời tới gần vận tốc ánh sáng. Khi vật chất từ một sự kiện “phun trào vật chất nhật hoa” tới Trái Đất, nó có thể gây ra bão địa từ. Ảnh: NASA.
Minh Châu