Mất việc, hoãn việc rồi sao?

Số người lao động đang mất việc, hoãn việc, giãn việc có thể cao hơn so với trong báo cáo. Họ cần được hỗ trợ về tài chính, về việc làm để vượt qua nghịch cảnh.

Nguyễn Văn Thành, một xe ôm công nghệ, bịt kín mặt và tay, khoác lên mình bộ quần áo mùa đông rồi hòa vào dòng người đông nghẹt giữa cái nóng gay gắt, như thiêu như đốt của tháng Sáu. Mỗi ngày, Thành 40 tuổi, làm việc từ 6h sáng đến 10h đêm để có tiền trả tiền trọ, tiền ăn và gửi về quê ở Thanh Hóa nuôi con. Buổi trưa, khi mặt trời lên cao nhất, Thành tìm một gốc cây, hay hàng hiên nào đó để chợp mắt.

Mưu sinh bằng lái xe ôm thật vất vả, nhưng anh không có lựa chọn nào khác vì công việc ở quê đã mất do công ty đóng cửa cuối năm ngoái trong khi thu nhập từ ruộng không đủ sống. “Làm xe ôm là cách cuối cùng rồi, anh ạ”, Thành vừa đi vừa nói. “Nhưng bây giờ phải làm thêm nhiều giờ mới có được thu nhập như trước vì có quá nhiều xe ôm. Anh nhìn xem kìa”, Thành nói, chỉ tay vào hàng trăm bóng áo xanh, áo vàng chen cứng trên hè phố ở bến xe Mỹ Đình.

Câu chuyện của Thành hay những câu chuyện tương tự từ cánh xe ôm tôi được nghe ngày một nhiều hơn gần đây. Không có việc thì đương nhiên họ phải tìm một cách gì đó để sinh sống chứ chả nhẽ lại buông xuôi? Ai cũng phải làm việc gì đó để mưu sinh, để nuôi gia đình.

Đợi nửa ngày trời, ông Tuấn xe ôm (nhân vật trong ảnh) mới được người khách mối gọi nhờ chở về nhà sau buổi chợ trưa. Ảnh: Hà Nguyễn

Đợi nửa ngày trời, ông Tuấn xe ôm (nhân vật trong ảnh) mới được người khách mối gọi nhờ chở về nhà sau buổi chợ trưa. Ảnh: Hà Nguyễn

Những lời tâm sự của họ, dù chỉ mang tính cá nhân, nhưng có thể giúp phác họa bức tranh lao động. Xe ôm là lựa chọn đơn giản nhất, thuận tiện nhất của những công nhân, nhân viên văn phòng, lao động tư do, sinh viên… khi họ mất việc, giảm việc. Kể từ cuối năm ngoái, số lượng đăng ký xe ôm công nghệ ngày càng nhiều lên, văn phòng của họ luôn chật kín người.

Sản xuất, kinh doanh đình đốn ở khu vực doanh nghiệp do mất đơn hàng, do lãi suất cao, do mất điện gần đây và do nhiều lý do khác thì người lao động luôn là những người đầu tiên gánh chịu hậu quả.

Thử nêu vài con số. Trong 5 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 88.000, trung bình mỗi tháng 17.600 doanh nghiệp, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gần bằng 93% số gia nhập thị trường; một tỷ lệ rút khỏi thị trường cao chưa từng có.

Khảo sát mới đây của Ban IV cho thấy có hơn 82% số doanh dự kiến giảm quy mô, tạm dừng kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp dự kiến tiếp tục hoạt động, hơn 71% dự kiến giảm trên 5% số lao động; hơn 22% dự kiến giảm trên 50% lao động.

Mà đó chỉ là những số liệu ở những doanh nghiệp có đăng ký chính thức, có báo cáo và có thể thống kê được.

Cơ quan thống kê công bố, trong quý I năm nay tỷ lệ thất nghiệp là 2,25%. Thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi; lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,2 triệu người, tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, thị trường lao động phục hồi có vẻ chả ăn nhập với tình trạng của khu vực doanh nghiệp như số liệu nêu trên ngay trong báo cáo thống kê.

Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng nửa đầu năm 2023 là gần 510.000 người. Ảnh: Hoàng Hà

Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng nửa đầu năm 2023 là gần 510.000 người. Ảnh: Hoàng Hà

Trong phiên chất vấn tuần trước ở Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, tỷ lệ thất nghiệp 2,25% là đánh giá khách quan, khoa học, theo tiêu chí cụ thể quốc tế đưa ra. Con số là kết quả khảo sát thực hiện trong một tuần trước thời điểm công bố, theo tiêu chí đánh giá thất nghiệp là tình trạng người lao động trong độ tuổi có nhu cầu làm việc, nhưng không có việc làm, thậm chí không làm việc dù chỉ 1 giờ, sẵn sàng làm việc, không có việc làm hoặc đang tìm việc.

Về định nghĩa này, xin trích dẫn tiêu chí người thất nghiệp theo chuẩn quốc tế mà cơ quan thống kê đưa để đảm bảo tính chính xác. Đó là người thất nghiệp đươc xác định là những người từ đủ 15 tuổi trở lên và hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố: hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm, sẵn sàng làm việc.

Xin nhấn mạnh một người phải hội đủ cả ba yếu tố trên cùng thời điểm mới được coi là thất nghiệp, nếu thiếu đi một hoặc hai yếu tố thì không được coi là thất nghiệp.

Từ đây có thể đặt vấn đề, một người hiện không có việc làm nhưng không sẵn sàng làm việc, hay ngược lại, không được tính là thất nghiệp. Hay nói một cách đơn giản, những tiêu chí của quốc tế về thất nghiệp không hề hợp lý, phi khoa học với thực tế ở Việt Nam.

Trong khi đó, chính những tiêu chí này lại có thể phù hợp ở nhiều quốc gia phát triển vì khi người lao động mất việc, thất nghiệp là họ nhận được bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp và họ được xác định danh tính.

Chính tư lệnh ngành lao động việc làm cho biết, trong làn sóng hơn 3 triệu lao động trở về các địa phương vừa qua, phần đông cũng là những người mẹ đem theo con. Không trụ nổi ở thành phố, người lao động mới phải trở về quê.

“Làn sóng hơn 3 triệu lao động” phải trở về quê hương có được tính là thất nghiệp hay không? Họ sinh sống như thế nào ở quê khi nông nghiệp gần như không thể là trụ đỡ nữa vì chỉ chiếm có 12% GDP?

Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội gửi kỳ họp này của Quốc hội cho biết, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng nửa đầu năm 2023 là gần 510.000 người, trong đó số thôi việc, mất việc là 280.000 người.

Trong khi đó, cơ quan thống kê cho biết trong báo cáo 5 tháng đầu năm, số lao động bị mất việc, giảm việc làm tiếp tục gia tăng. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2023 giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này tương ứng với số người thất nghiệp trong báo cáo nêu trên.

Từ đây, nhiều chuyên gia, nhà kinh tế đặt ra vấn đề, số lao động mất việc đó chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI; còn doanh nghiệp trong nước thường sa thải công nhân trong im lặng để tránh các nghĩa vụ, trách nhiệm đối với số lao động bị sa thải. Nếu điều này là đúng thì có thể 10% số lao động trong khu vực FDI đã mất việc, chưa kể số lao động bị sa thải từ khu vực doanh nghiệp trong nước và nhất là từ khu vực phi chính thức.

Xin nhắc lại là số người có việc làm phi chính thức ở nước ta là được tính lên đến 33 triệu người, chiếm gần 65% lực lượng lao động cả nước. Bao nhiêu trong số họ được tính là thất nghiệp khi những cửa hàng, cửa hiệu, sạp bán quần áo ở các trung tâm mua sắm hay các chợ đã đóng cửa?

Giai đoạn 2016-2022, khoảng 4,84 triệu người đã rút bảo hiểm xã hội một lần. Chắc chắn, số lao động này làm việc ở khu vực có đăng ký chính thức nên mới thống kê được. Vậy với những người làm việc ở khu vực không chính thức, không đăng ký thì sao?

Nêu ra mấy con số này để thấy, số người lao động đang mất việc, hoãn việc, giãn việc có thể cao hơn so với trong báo cáo. Họ cần được hỗ trợ, được quan tâm về tài chính, về việc làm để vượt qua nghịch cảnh.

Tư Giang

Tư Giang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mat-viec-hoan-viec-roi-sao-2153928.html