Mất việc, thu nhập giảm, nhiều công nhân ở TP.HCM muốn bỏ phố về quê
Doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng khiến công nhân mất việc, giảm thu nhập, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, vì thế nhiều người dự định bỏ phố về quê.
Những ngày qua, nhiều khu trọ gần Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) không còn tiếng nói cười của công nhân khi tan ca, thay vào đó là sự im ắng và bầu không khí nặng trĩu vì hơn 2.300 công nhân bị mất việc.
Nhiều phòng trọ đã cửa đóng then cài, đa số các công nhân đều trả phòng, ngậm ngùi về quê ngay sau khi hoàn tất các thủ tục tại công ty. Một số ít vẫn bám trụ lại với thành phố để tìm việc làm mới, nhưng với gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhiều người dự định sẽ về quê lập nghiệp.
Học hết lớp 12, để các em được đi học tiếp, chị Nguyễn Thu Hoài (29 tuổi, quê Vĩnh Long) khăn gói lên TP.HCM làm công nhân. 5 năm sau, chị Hoài gặp anh Nguyễn Đình Tuấn, người cùng quê. Hai người quen nhau chưa đầy 1 năm thì làm đám cưới và sau mấy năm, gia đình nhỏ của họ đã có 4 thành viên.
Căn phòng nhỏ chưa đầy 15m2, được thuê với giá 2,1 triệu đồng/tháng là nơi ở của gia đình chị Hoài. Phòng chật chội nhưng được chủ nhà thiết kế đầy đủ chức năng như khu bếp, nhà vệ sinh, gác lửng… Thuê phòng, vợ chồng chị Hoài không cần phải sửa sang gì thêm, chỉ mua sắm đồ dùng, rồi chuyển vào ở.
Hai vợ chồng làm công nhân, trừ đi các khoản ăn uống, chi tiêu hằng ngày, cũng để dành được chút ít phòng khi ốm đau hay có việc đột xuất.
“Cưới xong, vợ chồng tính ở lại TP.HCM làm công nhân một thời gian, dành dụm ít vốn rồi về quê cất cái nhà. Mấy năm trước, vợ chồng cũng từng bàn nhau về quê, rồi chần chừ ở lại làm công nhân tới bây giờ”, chị Hoài kể.
Dự định là thế, nhưng dịch COVID-19 ập đến, công việc của vợ chồng chị Hoài phải tạm ngưng. Mất đi thu nhập, 4 miệng ăn trong gia đình chị Hoài phải nhờ đến số tiền tiết kiệm bấy lâu nay.
Khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, công việc của vợ chồng chị Hoài dần ổn định trở lại rồi nhà máy ít việc, công nhân bị cắt giảm, giá cả leo thang, trong khi đó thu nhập của vợ chồng lại ngày càng ít đi.
Anh Tuấn kể, những năm đầu vào làm công nhân, lương rất thấp, nhưng lúc ấy chi phí sinh hoạt chưa cao nên cũng đủ trang trải cuộc sống. Sau 13 năm làm việc tại nhà máy, lương của anh nay đã cao hơn trước, tuy nhiên vẫn còn thấp so với chi phí và mức sống tại TP.HCM hiện nay.
8 triệu đồng là thu nhập anh Tuấn nhận được sau khi trừ BHXH, cộng với tiền lương của vợ, mỗi tháng vợ chồng anh có khoảng 14 triệu đồng.
Với thu nhập này, vợ chồng anh không đủ chi tiêu vì tiền học của 2 con đã chiếm gần một nửa, chưa kể tiền trọ và ăn uống, khám chữa bệnh… Gần đây, giá xăng tăng cao, chi phí sinh hoạt và thực phẩm cũng tăng theo, vợ chồng anh Tuấn dự tính bỏ phố về quê.
“Lúc mới cưới, vợ chồng cũng bàn tính với nhau làm vài năm dành dụm mua nền đất, làm cái nhà để định cư ở đây. Nhưng giá đất tăng nhanh, chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ, giờ ý định đó đành gác lại. Ở quê bố mẹ cho một mảnh đất vài trăm mét vuông rồi, sắp tới nếu công việc không ổn định, gia đình tính về quê ở luôn", anh Tuấn nói.
Cùng cảnh tha hương đến TP.HCM làm công nhân, chị Nguyễn Thị Trinh (51 tuổi, quê Sóc Trăng) cho biết, từ trước Tết, tình hình đơn hàng giảm, công nhân cũng lường trước năm nay sẽ khó khăn nhiều, thậm chí là mất việc. Dù vậy, khi bị cắt việc thật, chị cảm thấy rất buồn bởi không nghĩ mình sẽ rời công ty - nơi đã gắn bó hàng chục năm.
“Thời kỳ đơn hàng dồi dào, lương tôi được khoảng 12 triệu đồng/tháng, nhưng từ nhiều tháng nay công ty giảm đơn hàng, thu nhập xuống còn 7-8 triệu đồng. Chồng tôi làm công nhân của 1 công ty khác cũng đang phải nghỉ luân phiên, cắt giảm ngày làm việc thứ 7 vì công ty hết việc", chị Trinh nói.
Hơn 10 năm làm công nhân, chị Trinh đã quen sống cảnh thắt lưng buộc bụng, bởi lẽ hơn ai hết, chị hiểu rõ thu nhập của công nhân thấp, nếu không chi tiêu dè sẻn sẽ thiếu trước hụt sau.
“Ngày thường mua bó rau muống có 5.000 - 8.000 đồng, nay đã tăng lên đến 15.000 đồng. Những bữa ăn hôm trước cả gia đình chi khoảng 70.000 đồng/bữa và một ngày tầm 120.000 đồng nhưng nay 120.000 đồng rất khó để mua đủ thực phẩm cho cả gia đình như trước”, chị Trinh chia sẻ.
Chị Trinh cho hay, ở quê vườn khá rộng nên sắp tới khi con cái kết thúc năm học, cả nhà sẽ rời TP.HCM để về quê.
"Sinh sống ở đây hơn 10 năm rồi, chẳng ai muốn thay đổi, chuyển đi đâu hay về quê sống cả. Nhưng cực chẳng đã, cứ đà làm chỉ đủ chi tiêu, không tiết kiệm được gì thì cả gia đình về quê kiếm việc làm thôi. Ở quê nuôi thêm con gà, con vịt nữa là sống tốt, con cái đi học cũng đỡ tốn hơn. Còn ở trên này hàng tháng ngoài tiền ăn uống cũng mất thêm tiền thuê phòng trọ rồi nhiều khoản khác nữa.", chị Trinh tâm sự.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, ngay khi nắm tình hình của Công ty Pou Yuen, Sở đã tìm kiếm và có khoảng 15 doanh nghiệp có ngành nghề tương đồng với Công ty Pou Yuen, để chuẩn bị giới thiệu việc làm cho người lao động khi có nhu cầu.
Ngoài ra, Sở cũng đã có trao đổi với Trung tâm dịch vụ việc làm tại hai tỉnh Long An và Tiền Giang, để có thể giới thiệu việc làm, giới thiệu chính sách bảo hiểm cho những lao động ngay khi bị cắt giảm tại địa phương.
"Qua đánh giá tình hình lao động hiện nay khá ổn định. Tại các khu công nghệ cao, khu chế xuất, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn bình thường. Dự kiến tháng 6, 7 các doanh nghiệp mới bắt đầu tìm đơn hàng mới, tạo sự ổn định cho người lao động", ông Nguyễn Văn Lâm nói.
Bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết, nếu người lao động có nhu cầu về làm việc ở quê, trung tâm sẽ kết nối với các tỉnh để giới thiệu việc làm. Đối với lao động muốn tiếp tục làm việc tại TP.HCM, trung tâm sẽ kết nối với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng.