Mắt xích quan trọng trong quan hệ Nga - phương Tây
Trước sự thất vọng của phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tăng cường quan hệ với Nga thông qua các cuộc gặp và điện đàm thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước.
Đôi bên cần nhau
Chỉ chưa đầy một tháng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã gặp nhau 2 lần nhằm thể hiện quyết tâm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, trong đó có mở rộng hợp tác ở lĩnh vực kinh tế và năng lượng.
Theo hãng truyền thông quốc tế của Đức DW, bà Daria Isachenko, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại Viện Quốc tế và an ninh Đức, nhận xét: “Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là một bài toán đối với nhiều người ở phương Tây”. Một số nhà quan sát cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang tìm một động lực để nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phục hồi trước cuộc bầu cử sắp tới. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đang tìm cách để hóa giải các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Cho đến lúc này, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Tuy nhiên, nước này, cũng là một thành viên NATO, đã không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Ông Kerim Has, nhà phân tích chính trị về quan hệ Nga và Á - Âu có trụ sở tại Moscow lý giải: “Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ là kết nối duy nhất còn lại của Nga với phương Tây. Do đó, Ankara rất quan trọng đối với Nga vào lúc này”.
Theo ông Has, các công ty Nga đã tìm cách nối lại kinh doanh với châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ để vượt qua các lệnh trừng phạt. Một số công ty Nga thậm chí đã mở văn phòng tại Thổ Nhĩ Kỳ để nhập khẩu hàng hóa do Moscow mua từ các nước thứ ba để sau đó chuyển đến các cảng của Nga. Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov cho biết, tổng khối lượng sản phẩm Nga nhập khẩu từ nước thứ ba sang ngõ Thổ Nhĩ Kỳ là khoảng 4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022.
Khó gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ
Một số quan chức Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại về những cam kết của Ankara nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với Nga. Theo Financial Times, một quan chức cấp cao EU cho rằng các thành viên EU có thể kêu gọi các công ty và ngân hàng của họ rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo ông Huseyin Bagci, người đứng đầu Viện Chính sách đối ngoại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một thành viên đầy đủ của EU, do đó Thổ Nhĩ Kỳ không có nghĩa vụ phải tuân theo các quyết định của EU. Ông Zaur Gasimov, một chuyên gia về quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga tại Đại học Bonn (Đức) cũng không cho rằng Ankara lo sợ các lệnh trừng phạt của phương Tây trong ngắn hạn. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng vai trò trung gian giữa Kiev - Moscow và vì vậy, phương Tây cần duy trì đối thoại ổn định với Ankara.
Bất chấp sức ép từ phương Tây, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez tuyên bố nước này sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga. Ông Donmez nêu rõ: “Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi đã tuyên bố ngay từ đầu rằng sẽ không tuân thủ quyết định dựa trên các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Chúng tôi có hợp đồng hiện hành với Nga, cũng như Azerbaijan và Iran, về cung cấp khí đốt”. Hơn thế nữa, đã có các cuộc thảo luận về vai trò ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ như một trung tâm năng lượng thay thế sau khi Nga giảm lượng khí đốt chảy qua Nord Stream 1 xuống còn 20% công suất.
Theo các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ thực sự có thể giúp EU trong trung hạn đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt bằng cách trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Azerbaijan và có lẽ là Iran (nếu có một thỏa thuận duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran).
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//mat-xich-quan-trong-trong-quan-he-nga-phuong-tay-834568.html