Mẫu ADN - trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ chưa xác định được danh tính

Đề án thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ xác định được danh tính do Bộ Công an chủ trì đang được Công an tỉnh Thanh hóa triển khai sâu rộng, quyết liệt trên toàn địa bàn. Thông qua kết quả thu nhận mẫu ADN đợt 1, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính 16 liệt sĩ chưa biết tên, trong đó có 2 liệt sĩ quê ở tỉnh Thanh hóa là xã Nga An và xã Đông Thành. Đây là minh chứng hiệu quả thiết thực của Đề án, là niềm mong mỏi của bao gia đình thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.

Cảm xúc vỡ òa

Nhờ mẫu ADN của chị ruột và em trai do Công an tỉnh Thanh Hóa thu nhận, liệt sĩ Trịnh Văn Hai (sinh năm 1952), đang được an táng tại nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai) đã được cơ quan chức năng xác định chính xác danh tính, quê quán, nơi ở, thân nhân. Những ngày vừa qua, gia đình ông Trịnh Văn Lai (sinh năm 1958, xã Đông Thành, tỉnh Thanh Hóa) tấp nập hàng xóm ra vào, tiếng cười nói rổn rảng, ai nấy đều mừng cho gia đình đã tìm thấy hài cốt thân nhân sau bao năm chờ đợi. Nhận được tin Công an xã đến nhà, ông Lai bỏ dở việc đồng áng, tức tốc chạy về tiếp khách, khi Thiếu tá Vũ Trọng Phúc - Trưởng Công an xã Đông Thành (Thanh Hóa), thông báo cơ quan chức năng đã xác định được hài cốt liệt sĩ Trịnh Văn Hai (anh trai ông Lai - PV), nước mắt ông Lai và người chị gái cứ thế tuôn trào... Chúng tôi hiểu, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của mừng vui, hạnh phúc; nước mắt của niềm tin, hy vọng bao năm đã trở thành hiện thực.

Ông Trịnh Văn Tuấn xúc động khi tìm được hài cốt anh trai là liệt sĩ Trịnh Quang Lâm.

Ông Trịnh Văn Tuấn xúc động khi tìm được hài cốt anh trai là liệt sĩ Trịnh Quang Lâm.

Ông Lai cho hay: “Từ hôm nghe tin báo nhưng chưa có giấy tờ chính thức, bản thân tôi và gia đình vừa mừng vừa lo, mừng là có tin đã tìm thấy anh trai (liệt sĩ Trịnh Văn Hai), lo là nhỡ thông tin không đúng thì cả nhà hụt hẫng lắm. Cả đêm qua tôi không ngủ được, cứ trằn trọc mãi, thấp thỏm chờ đến mai để gặp các anh Công an xã nhận thông báo thì mới an tâm được. Bây giờ thì niềm tin và hy vọng của gia đình tôi đã trở thành hiện thực. Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã quan tâm đến các liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Nói thật, nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì chúng tôi bất lực, không biết đường nào mà tìm, mà đưa anh Hai về quê hương”.

Năm nay đã ngoài 90 tuổi, bà Trịnh Thị Mệch (xã Đông Thành, tỉnh Thanh Hóa) vẫn nhớ như in hình ảnh người em trai (Liệt sĩ Trịnh Văn Hai) từ ngày đầu nhập ngũ. “Nó mới học xong lớp 10 chưa đủ 18 tuổi thì xung phong đi bộ đội. Nó đang còn trẻ lắm, đã biết gì đâu, nghe anh con ông bác họ đi bộ đội, nó thích lắm cũng xung phong đi. Người thấp bé, nhẹ cân, nó phải đi dép độn cao, rồi còn thêm mấy vốc sỏi vào túi áo, túi quần để đủ cân khi khám tuyển. Thời đó bao cấp nghèo đói, khó khăn vô cùng. Đêm trước khi nhập ngũ, Đoàn thanh niên ở xã nấu một nồi cháo lươn liên hoan, mỗi anh lính mới húp mấy bát cháo lỏng để mai lên đường, có được bát cơm nào đâu...”.

Kể đến đây bà Mệch như nghẹn lại, bà lấy tay vỗ vỗ vào ngực mình, mắt ngước nhìn di ảnh người em trai trên bàn thờ, hai hàng nước mắt cứ thế chảy ra… Bà Mệch kể tiếp, liệt sĩ Trịnh Văn Hai vào chiến trường được hơn một năm thì hy sinh. Gia đình càng xót xa hơn khi hai anh em họ cùng đi lính một ngày, một đơn vị nhưng anh con bác tìm được hài cốt đưa về còn liệt sĩ Hai chưa thấy đâu!

“Bố tôi mất sớm, một mình mẹ nuôi 4 đứa con. Khi còn sống, mẹ tôi cứ đau đáu, sầu phiền mãi, thương con hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Trước khi mất, mẹ tôi trăng trối mấy chị em cố gắng đi tìm, đưa em về quê với tiên tổ, với bố mẹ. Gia đình cũng đi tìm nhưng không có kết quả. Biển trời bao la, biết tìm em nơi nào? Không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chưa biết bao giờ gia đình tôi mới tìm được em! Bây giờ, dù khó khăn đến mấy, dù bán cả nhà, chúng tôi cũng quyết tâm đưa bằng được em về với quê hương, với gia đình, tiên tổ như mong ước của mẹ trước khi mất…”, bà Mệch quả quyết.

Bà Trịnh Thị Mệch và ông Trịnh Văn Lai xúc động khi nghe Công an xã thông tin đã xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ Trịnh Văn Hai.

Bà Trịnh Thị Mệch và ông Trịnh Văn Lai xúc động khi nghe Công an xã thông tin đã xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ Trịnh Văn Hai.

Bao nhiêu năm tìm kiếm, chờ đợi trong vô vọng thì nay gia đình thân nhân liệt sĩ Trịnh Quang Lâm (sinh năm 1952, xã Nga An, tỉnh Thanh Hóa) đã may mắn được đón nhận niềm vui khi được cơ quan chức năng xác định chính xác danh tính hài cốt liệt sĩ thông qua mẫu AND em trai và em gái. Bà Trịnh Thị Hồng (sinh năm 1953, xã Nga An, tỉnh Thanh Hóa), em gái liệt sĩ Trịnh Quang Lâm, nhớ lại: “Năm ấy bố mẹ không cho đi, xã cũng không gọi, vì gia đình đã có anh trai là liệt sĩ (liệt sĩ Trịnh Quang Hữu) nhưng anh Lâm vẫn xung phong đi bộ đội. Anh ấy còn động viên bố mẹ và gia đình là chỉ đi lính Hải quân, huấn luyện rồi ở Hải Phòng, chứ không vào Nam chiến đấu nên mọi người cứ yên tâm. Thời gian ở Hải Phòng, anh ấy có về thăm nhà được mấy lần. Thế nhưng sau khi huấn luyện xong một thời gian thì đơn vị chuyển vào Nam và anh ấy đã không còn trở về nữa…”.

Bà Hồng kể: “Anh Hữu hy sinh chưa biết ở đâu thì gia đình lại nhận được giấy báo tử của anh Lâm. Bố mẹ tôi chết lặng, sầu phiền, đổ bệnh rồi mất sớm. Cũng vì anh Lâm hy sinh mà mẹ tôi từ người phụ nữ lạc quan, hay nói cười đã trở nên khó tính, bà phát điên vì thương nhớ con nên toàn bộ những giấy tờ, ảnh liên quan đến anh Lâm bà đốt hết. Thế nên bây giờ anh Lâm không còn ảnh thờ nữa…”.

Thắp nén hương đứng trước bàn thờ tổ tiên, ông Trịnh Văn Tuấn (sinh năm 1958), em trai liệt sĩ Trịnh Quang Lâm cầu khấn: Mong linh hồn các liệt sĩ “sống khôn, thác thiêng” phù hộ độ trì cho các gia đình khác cũng gặp may mắn, sớm xác định được danh tính liệt sĩ để kết nối với gia đình, thân nhân.

Mệnh lệnh từ trái tim

Thượng tá Trần Thái Quang Hoàng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thấu hiểu được niềm mong mỏi của gia đình thân nhân các anh hùng liệt sĩ, Bộ Công an đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu Căn cước có tích hợp dữ liệu thông tin AND, với kho dữ liệu này sẽ mở ra cơ hội mới để hàng trăm nghìn liệt sĩ “chưa biết tên” sớm được “xác thực” đầy đủ, chính xác danh tính. Đồng thời đề xuất Chính phủ thực hiện Đề án thu thập, phân tích mẫu sinh phẩm ADN của thân nhân liệt sĩ để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đề án tập trung vào 3 trụ cột: rà soát hồ sơ, lấy mẫu khoa học và đối khớp - xác minh danh tính.

Trong đó, lực lượng Công an được giao nhiệm vụ đặc biệt là phối hợp cùng các đơn vị y tế, Quân đội, chính quyền địa phương để rà soát, thu nhận, giám định mẫu ADN từ thân nhân liệt sĩ trên phạm vi cả nước để xây dựng ngân hàng gen Quốc gia, làm cơ sở dữ liệu khoa học để đối chiếu và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Việc thu mẫu ADN được thực hiện một cách khoa học, nghiêm ngặt, đúng quy trình và hoàn toàn miễn phí, trong đó ưu tiên lấy mẫu của mẹ đẻ liệt sĩ và người thân bên ngoại của liệt sĩ, bởi đây là gen trực hệ theo huyết thống, cho độ chính xác cao. Đây là bước chuẩn bị đầu tiên cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ.

Theo thống kê, hiện nay trên cả nước còn khoảng 500.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính, trong đó khoảng 200.000 hài cốt chưa quy tập và 300.000 hài cốt đã an táng nhưng thiếu thông tin. Riêng địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có 37.720 liệt sĩ chưa xác định được thông tin với tổng số 39.137 trường hợp thân nhân cần thu nhận mẫu ADN. Để triển khai Đề án, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Nội vụ, các tổ chức chính trị xã hội để rà soát, xác minh, thu thập, làm sạch thông tin thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, cập nhật dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong đợt cao điểm lần thứ nhất diễn ra từ ngày 12/5 đến ngày 16/5, Công an tỉnh Thanh Hóa và các lực lượng chức năng đã thu nhận được 933 mẫu ADN đối với các trường hợp là mẹ đẻ liệt sĩ và 01 trường hợp là thân nhân cận huyết thống bên ngoại của liệt sĩ. Đây là những mẫu ADN vô cùng quý giá nhằm làm phong phú hơn những thông tin, dữ liệu khoa học để đối chiếu, so sánh với dữ liệu ADN liệt sĩ, từ đó tìm ra danh tính của các liệt sĩ, thắp lên niềm hy vọng của các gia đình trong hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Thời điểm này, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục mở đợt cao điểm triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ 2. Chiến dịch triển khai 18 ngày (từ 3/7 đến 20/7), tại 166 xã, phường trên địa bàn tỉnh với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo gia đình các thân nhân liệt sĩ. Đợt cao điểm lần này, Công an tỉnh Thanh Hóa phấn đấu thu nhận thành công 35.626 mẫu ADN để phục vụ cập nhật dữ liệu ngân hàng gen và đối chiếu, so sánh tìm ra danh tính của các liệt sĩ còn chưa biết tên.

Để công tác thu nhận đạt hiệu quả cao, các đơn vị, lực lượng Công an trong tỉnh thành lập các tổ công tác, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các trang thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất để tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát, lập danh sách, thu thập đầy đủ, chính xác thông tin thân nhân liệt sĩ phục vụ xây dựng dữ liệu thông tin, cập nhật thông tin ADN vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Bên cạnh việc trực tiếp đến từng nhà để thu nhận mẫu ADN đối với các trường hợp già yếu, neo đơn, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều tổ công tác, phân chia địa bàn để thu nhận tập trung.

Công an tỉnh Thanh hóa phấn đấu thu nhận thành công 35.626 mẫu ADN đợt 2 phục vụ cập nhật dữ liệu ngân hàng Gen để xác định danh tính liệt sĩ chưa biết tên.

Công an tỉnh Thanh hóa phấn đấu thu nhận thành công 35.626 mẫu ADN đợt 2 phục vụ cập nhật dữ liệu ngân hàng Gen để xác định danh tính liệt sĩ chưa biết tên.

Trực tiếp kiểm tra, đôn đốc và động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ lấy mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ tại xã Hậu Lộc, Thượng tá Trần Thái Quang Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa chia sẻ những mất mát và niềm khát khao, mong chờ của thân nhân các gia đình liệt sĩ, đồng thời yêu cầu cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại trạm thu mẫu phát huy tinh thần trách nhiệm, bảo đảm tiến độ và chất lượng sinh phẩm với phương châm “không để sót một mẫu nào, không để nhầm một thân nhân nào”.

Mỗi mẫu ADN được thu nhận hôm nay không chỉ là dữ liệu phục vụ giám định mà còn là nhịp cầu kết nối quá khứ - hiện tại, là hành trình đưa các anh hùng liệt sĩ trở về với tên tuổi và gia đình của mình. Đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, mỗi việc làm của cán bộ, chiến sĩ trong việc thu nhận mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ không chỉ là mệnh lệnh của trái tim mà còn là vinh dự và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc.

Trần Đức Thắng

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/mau-adn-tra-lai-ten-cho-cac-anh-hung-liet-si-chua-xac-dinh-duoc-danh-tinh-i775193/