Tiếng khóc của giảng viên say rượu tông chết người

Lê Minh Giáp gục đầu xuống bàn, khóc nức nở lúc được đưa về cơ quan chức năng, sau khi gây tai nạn ở Dương Nội khiến 1 người chết, 3 người bị thương. Tiếng khóc ấy thực sự thức tỉnh rất nhiều người.

Sau bữa rượu với bạn bè tối 16/7, anh Lê Minh Giáp – giảng viên của một trường cao đẳng ở Hà Nội – lái xe ô tô về nhà. Nhưng anh đã không thể về nhà. Nơi anh phải đến là trụ sở công an.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại Dương Nội (Hà Nội) làm 1 người chết, 3 người bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại Dương Nội (Hà Nội) làm 1 người chết, 3 người bị thương.

Chiều 17/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Minh Giáp (SN 1984, trú phường Yên Nghĩa, Hà Nội). Thời điểm này, tài xế Giáp cũng đã tỉnh hơi men.

"Tôi không thể ngờ rằng mình có ngày hôm nay", tài xế giãi bày và khai, chiều 16/7 anh ta rời nơi làm việc và cùng một số bạn bè đi ăn tối. Trong bữa ăn, họ sử dụng rượu và bia.

Đến khoảng 20h cùng ngày, mọi người tạm biệt nhau để ra về. Lê Minh Giáp mở cửa xe ô tô của mình rồi tự điều khiển theo hướng đi Dương Nội, sau đó gây tai nạn khiến 1 người tử vong, 3 người bị thương.

Một đoạn clip được đưa lên mạng sau khi vụ tai nạn xảy ra ghi lại cảnh Lê Minh Giáp gục đầu xuống bàn, khóc nức nở lúc được đưa về cơ quan chức năng. Tiếng khóc ấy thực sự thức tỉnh những người còn đang giữ suy nghĩ "uống một chút lái xe chắc không sao đâu". Giống như những lời sám hối của tài xế Giáp sau khi gây tai nạn.

Người giảng viên trẻ thất thần. Những người chứng kiến hiện trường cũng thất thần. Ai đọc bản tin tai nạn giao thông đó cũng thất thần và tôi cũng thất thần.

Tôi thất thần vì tôi cũng từng suýt ở hoàn cảnh tương tự, cách đây hơn 10 năm, tại TP.HCM.

Lúc đó, sau khi "chén chú chén anh" ở một nhà hàng, tôi lấy ô tô ra về. Lúc đó chưa có quy định nghiêm ngặt về việc cấm uống rượu bia khi lái xe như hiện nay.

Khoảng 17h – giờ tan tầm – đường Sài Gòn rất đông. Cơn buồn ngủ do rượu bia ập đến, mắt cứ díu lại. Tôi cố tìm một khách sạn trên đường đi nhưng khổ nỗi tuyến đường này không có. Tôi cố nhích từng chút trên đường đông…

Và rồi tôi bỗng nghe những tiếng la hét thất thanh. Choàng tỉnh, tôi thấy xe mình đang trôi qua một ngã 3 không có đèn đỏ người chật như nêm, chạm vào 1-2 chiếc xe máy. May mà tôi không đạp ga hoảng loạn.

Tôi đưa xe từ từ vào vệ đường và trấn tĩnh lại. Trong đầu tôi lúc đó hiện lên câu chuyện bác sĩ T.A.H của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM sau giờ tan ca đã lái xe lao ra đường 3/2, tông chết 2 người, làm bị thương 7 người (năm 2011). Vị bác sĩ này bị kết án 7 năm tù và ra tù năm 2015 nhờ được ân xá. Lúc tôi suýt gây tai nạn thì ông còn đang chấp hành hình phạt ở trại Z30D (Bình Thuận cũ).

Tài xế Lê Minh Giáp đã bị khởi tố.

Tài xế Lê Minh Giáp đã bị khởi tố.

Từ đó, tôi đặt ra cho mình kỷ luật: đã uống một giọt rượu, bia thì không lái xe. Phần lớn trường hợp tôi giữ được kỷ luật này và khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực năm 2020 thì tôi giữ kỷ luật tuyệt đối: Đã uống rượu bia thì không lái xe.

Nếu không giữ được kỷ luật, tôi hay bất kỳ ai cũng có thể rơi vào hoàn cảnh của giảng viên Lê Minh Giáp.

Hoàn cảnh đó là gì? Là gây tai nạn chết người, là phải bồi thường vật chất, là phải có trách nhiệm với những người bị thương tật suốt đời và trước mắt, rất có thể gia đình ly tán, rơi vào cảnh lụn bại và bản thân mình đã hủy hoại chính cuộc đời mình.

Khi uống rượu bia, khi "chén chú chén anh", nhiều người thường ở trạng thái "coi thường tất cả".

Đừng tin vào những lời tán dương của những người trong cuộc nhậu, dù đó là ai. Có thể uống, nhưng hãy uống thông minh, uống chừng mực, uống tử tế; không uống thì càng tốt. Đặc biệt, đã uống thì đừng lái. Đã chi được tiền triệu để ăn nhậu thì đừng tiếc tiền đi taxi, xe ôm hay thuê người lái hộ.

Cho tới nay, sau nhiều năm Nghị định 100 đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, tôi luôn ủng hộ và nhiều người ban đầu phản ứng nay đã chấp hành nghiêm túc.

Đã từng có thời điểm không ít ý kiến kêu ca, phàn nàn về việc tăng mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, song bản thân tôi lại luôn ủng hộ.

Đó không hẳn đơn thuần chỉ là việc phạt hành chính với mức xử phạt rất cao, đó còn là giới hạn cảnh báo để giúp mỗi người nhận thức được và điều chỉnh hành vi của mình.

Hiện nay lực lượng chức năng đã làm rất quyết liệt và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng, cho dù lực lượng chức năng có ứng trực, hoạt động ở mức cao nhất thì cũng không thể phát hiện, ngăn chặn, xử lý hết được người vi phạm.

Vì vậy, làm sao có thể nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen vẫn là điều quan trọng nhất, bền vững nhất. Muốn thay đổi thói quen thì không chỉ có trừng phạt nghiêm khắc, mà việc tuyên truyền giáo dục cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Trong trường hợp cụ thể vụ tai nạn ở Dương Nội kể trên, tiếng khóc và những lời sám hối của người giảng viên chắc chắn là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, là bài học sâu sắc đối với rất nhiều người.

Chỉ cần một cái tặc lưỡi, một thoáng suy nghĩ "chắc không sao đâu", rất có thể những người đã uống rượu bia vẫn lái xe sẽ gây họa không chỉ cho bản thân mà còn mang đến nỗi đau cho nhiều người khác.

Đôi khi, sau khi rời cuộc nhậu, nơi họ về không phải là nhà, mà là trại giam, là một cuộc đời hoàn toàn khác trước khi cầm lái lúc đã say mèm.

Đặng Đại

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tieng-khoc-cua-giang-vien-say-ruou-tong-chet-nguoi-192250718152414568.htm