Máu chảy ruột mềm, nhân tâm thiên lý

'Phải thực hiện tốt nhất, nỗ lực cao nhất, trách nhiệm cao nhất bảo đảm tính mạng, tài sản công dân Việt Nam tại Ukraine, không để người dân nào bị chết, bị thương hay bị đói, rét khi sơ tán' - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine.

Chạy nạn trong giá rét

Thông tin từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng gần 7.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine, tập trung tại một số thành phố lớn như Kiev (khoảng 800 người), Kharkov (khoảng 3.000 người), Odessa (khoảng 3.000 người) và một số thành phố khác như: Kherson, Donetsk, Lvov… Tính đến nay, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận, đón hơn 4.000 người Việt được sơ tán khỏi vùng chiến sự tại Ukraine.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp nghe Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng báo cáo về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, ngày 6/3/2022.

Hiện, tất cả các cơ quan đại diện của Việt Nam đang hoạt động tới 200% công suất để hỗ trợ đón bà con sơ tán từ Ukraine. Những ngày qua, thời tiết ở Ukraine chìm trong giá rét. Nhiệt độ ngoài trời lạnh -3 độ C cùng với tuyết và gió mịt mù. Trong đoàn người Việt chạy nạn chiến tranh, có cả những bà mẹ đang mang bầu và có cả những em bé chưa đầy một tháng tuổi...

Nghe Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng báo cáo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với bà con kiều bào Việt Nam tại nước ngoài và người dân các nước sở tại đã mở rộng vòng tay, tích cực, chủ động hỗ trợ người Việt tại Ukraine trong quá tình sơ tán khỏi vùng chiến sự.

Nguồn: TTXVN

Như tại Romania, cộng đồng người Việt ở Romania liên tục những ngày qua gồng mình hỗ trợ bà con từ Ukraine sang lánh nạn, bởi số lượng người Việt ở Romania ít, trong khi lượng người lánh nạn cần hỗ trợ đông với khoảng hơn 800 người, trải rộng ở nhiều nơi. Nhưng tinh thần hỗ trợ của bà con cộng đồng ở đây thì rất nhiệt tình, chu đáo và luôn cố gắng hết sức mình, làm việc bất kỳ lúc nào, xung kích sẵn sàng tham gia xử lý mọi tình huống bất ngờ, khi có thêm các đoàn lánh nạn đến.

Còn tại Ba Lan, cùng với cộng đồng người Việt ở đây, Chính phủ và người dân Ba Lan đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho gần 2.000 người Việt Nam từ Ukraine sang Ba Lan sơ tán, đồng thời cung cấp chỗ ở, thuốc men, nhu yếu phẩm thiết yếu. Nơi này đang tiếp tục đón thêm gần 1.000 công dân Việt Nam đến từ Ukraine.

Liên miên giải cứu

Từ ngày 24/2/2022, tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine diễn biến phức tạp, nhanh chóng lan rộng trên lãnh thổ Ukraine. Trong tình hình phức tạp hiện nay tại quốc gia này, với mong muốn hòa bình, ổn định và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại tại Ukraine, một trong những quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước là bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan. Ngay trong ngày 24/2, Thường trực Ban Bí thư đã có văn bản chỉ đạo.

Tình người nơi biên giới

“Hình ảnh bà con ở Hungary, Rumania, Ba Lan… trong giá rét đứng chờ ở biên giới đón, hỗ trợ bà con từ Ukraina sang là những hình ảnh rất cảm động. Chúng ta “máu chảy ruột mềm”, kiều bào gặp nạn, không ai có thể yên lòng. Tinh thần trách nhiệm, tinh thần nhân đạo, tận tình cứu trợ cho đồng bào là vấn đề rất cấp thiết hiện nay, không chỉ đảm bảo tính mạng, mà còn cố gắng chăm lo cho đồng bào không phải trong cảnh đói rét”. - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành công điện về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam.

Công điện của Thủ tướng yêu cầu 10 bộ chủ động theo sát diễn biến tình hình, kịp thời kiến nghị biện pháp phù hợp để bảo đảm lợi ích chính đáng của quốc gia và công dân, doanh nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng và các doanh nghiệp Việt Nam, các hội đoàn người Việt tại Ukraine và các nước liên quan, nhất là các nước lân cận phát huy mạnh mẽ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực tự cường, tương thân tương ái "lá lành đùm lá rách" trong hoạn nạn khó khăn.

Khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa qua thì thế giới lại chao đảo bởi xung đột Nga - Ukraine. Trong bão xoáy của đại dịch, gần 600 chuyến bay đã đưa hơn 120.000 đồng bào ta ở nước ngoài trở về, dù cho trong nước còn rất nhiều khó khăn do dịch bệnh đang hoành hành. Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, mọi công việc dẫu còn chưa hoàn hảo, còn thiếu sót, nhưng đó là những nỗ lực “chăm lo”, là “nghĩa đồng bào” của quê hương đất Việt.

Giờ đây, tiếp tục là công cuộc giải cứu người Việt gặp nạn ở Ukraine. Liên miên trong giải cứu, dù vậy, như khẳng định của người đứng đầu Nhà nước: “Càng những lúc như thế này, càng phải thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đúng như Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”.

Quy tụ sức mạnh dốc sức phục vụ nhân dân

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) - một nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, vẫn được ráo riết thúc đẩy dẫu cho bên ngoài, thế giới có nhiều biến động, chịu nhiều thách thức chưa từng có; bên trong, đất nước cũng phải đối mặt với dồn dập khó khăn, thách thức. Nhà nước pháp quyền XHCN là một nhà nước với tinh thần xuyên suốt là bao nhiêu lợi ích đều vì dân, quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, để phụng sự lợi ích của nhân dân.

Vào tháng 5/2021, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được coi là một trong những điểm mới rất đặc sắc của nhiệm kỳ Đại hội XIII, có nhiệm vụ quan trọng ngang tầm với nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo, ra sức quy tụ lực lượng mạnh nhất để hoàn thiện đề án này, sẵn sàng trình Trung ương tại hội nghị diễn ra vào tháng 10 tới. Liên tục trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022, Chủ tịch nước chủ trì các hội thảo cấp quốc gia về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và hàng loạt ủy viên Bộ Chính trị. Các lãnh đạo cao nhất của đất nước đều thể hiện quyết tâm rất cao thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước.

Chỉ nhìn từ gần 600 chuyến bay đã đưa hơn 120.000 đồng bào ta ở nước ngoài trở về trong hai năm qua, hay giờ đây là những khẩn trương, tất bật lo toan cho công việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, cũng đã thấy được rất rõ về Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước pháp quyền XHCN, từ góc độ này, đó chính là “Tổ quốc luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”, như trong Thư chúc tết kiều bào đầu năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ như vậy.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mau-chay-ruot-mem-nhan-tam-thien-ly-101421.html