Mấu chốt là thể chế và tổ chức thực hiện
Mới đây, giám đốc một bệnh viện thuộc tuyến cuối ở Hà Nội đã thẳng thắn rằng, thực tế người bệnh vẫn phải đi mua thuốc ngoài do thiếu thuốc. Tuy nhiên đây là những loại thuốc không thể thay thế và không mua sắm được vì khi đấu thầu, không có hãng, nhà phân phối nào tham gia nên không mua sắm được, bệnh viện không có thuốc.
Đây là một trong những “lát cắt” cho thấy tình trạng thiếu thuốc, dù đã qua giai đoạn “căng thẳng” nhất, nhưng vẫn đang diễn ra ở một số địa phương, đơn vị trong một số thời điểm nhất định và chỉ thiếu một số loại. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài các yếu tố chủ quan, còn có nguyên nhân khách quan đó là không có đơn vị tham gia đấu thầu.
Thực tế, tình trạng thiếu thuốc không hẳn là do không có mà sâu xa hơn đó chính là do công tác đấu thầu còn có nhiều vấn đề dẫn đến tâm lý sợ sai. Điều này thể hiện rõ nhất qua trả lời ý kiến của cử tri hồi năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đó là một trong các nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, trang thiết bị y tế là do có tâm lý e ngại, sợ sai trong mua sắm, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ chức đấu thầu.
Còn khi trả lời ý kiến của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa qua, một lần nữa Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do vẫn tồn tại một số nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân chủ quan là các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo bảo đảm cung ứng thuốc, thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm...
Như vậy có thể thấy, tình trạng thiếu thuốc nói riêng, thiết bị y tế nói chung về cơ bản đã được khắc phục nhưng chưa triệt để. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024. Các nghị định liên quan đến quản lý trang thiết bị y tế; nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư số 08/2023/TT-BYT bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trong đó có Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị tại các cơ sở y tế công lập…
Đặc biệt, Bộ đã tham gia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, các cơ quan liên quan xây dựng Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, trong đó có một chương quy định về đấu thầu thuốc, thiết bị y tế; bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc, bao quát các tình huống, trường hợp trong thực tiễn…
Và mới đây nhất, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin về 4 điểm mới trong các chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Theo đó, điểm mới đầu tiên là cho sử dụng một giấy báo giá, thay vì ba giấy báo giá như trước hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở y tế và yêu cầu chuyên môn…
Tiếp đó là được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở y tế. Tức là nếu đấu thầu không trúng sẽ được chỉ định thầu. Thứ ba là quy định cụ thể các trường hợp cấp cứu dịch bệnh được áp dụng chỉ định thầu. Và cuối cùng là được tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% khối lượng đã ký hợp đồng trước đó.
Thực tế, khi thực hiện mua sắm thuốc cũng như vật tư y tế tại cơ sở y tế có hai yếu tố đặc biệt quan trọng là thể chế và tổ chức thực hiện. Khi thể chế đã đầy đủ, thì vấn đề còn lại, như ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên là tổ chức thực hiện phải công khai, minh bạch, không có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí.