Máu cô đặc, tràn dịch màng phổi sau 5 ngày sốt
Bệnh nhân 60 tuổi bị sốt cao, đau vùng thượng vị nên đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả cho thấy bà dương tính với sốt xuất huyết, máu cô đặc, có tràn dịch màng phổi.
Năm ngày trước khi đến viện, bà T.T.M. (60 tuổi, quê Nam Định, đang sống ở Hoàng Mai, Hà Nội) xuất hiện dấu hiệu nôn và đau thượng vị, sau đó sốt cao, đau đầu.
Người phụ nữ đến khám và nội soi dạ dày tại Trung tâm Tiêu hóa Gan - mật - tụy, xét nghiệm Dengue dương tính nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Sốt xuất huyết đến sớm
Thời điểm nhập viện, tiểu cầu của bệnh nhân hạ chỉ còn 10 G/L, tình trạng cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương…
Các bác sĩ nhận định may mắn bà M. nhập viện sớm nhờ dấu hiệu cảnh báo nên đã được theo dõi, điều trị kịp thời. Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Bà Đ.T.V. (83 tuổi, địa chỉ Hoàng Mai, Hà Nội) cũng nhập Bệnh viện Bạch Mai cách đây 5 ngày. Ba ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện sốt cao kèm đau đầu nhiều, mệt mỏi. Bà V. có tiền sử tăng huyết áp và ung thư vú đã phẫu thuật 3 năm.
Khi đến khám tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới và được xét nghiệm, bà mới được phát hiện mắc sốt xuất huyết Dengue, kèm theo các biểu hiện như tràn dịch màng phổi, màng bụng.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, năm nay, sốt xuất huyết đến sớm hơn.
Ngay từ đầu tháng 5, 6, đơn vị này đã rải rác tiếp nhận bệnh nhân nhập viện. Trung tâm đang điều trị cho 6 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo.
Triệu chứng dễ nhầm lẫn
PGS Đỗ Duy Cường cho biết nhiều người bị sốt nhầm với mắc Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác. Đến ngày thứ 4-5, bệnh nhân có biểu hiện cô đặc máu, tiểu cầu hạ thấp hoặc các biến chứng khác mới đến viện khám.
Hiện nay, một số bệnh dịch khác vẫn còn (Covid-19, cúm, thủy đậu...) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. Điều này có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm tính mạng. Chuyên gia này nhấn mạnh bác sĩ các tuyến cũng cần cập nhật hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế để xử lý điều trị đúng.
Khi có biến chứng, bệnh nhân phải được truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu.
Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết, mức độ giảm tiểu cầu, PGS Cường cho biết người bệnh cần làm xét nghiệm máu.
Ngoài tiểu cầu giảm, bệnh nhân có các biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh ở nữ giới hay hiện tượng cô đặc máu.
Một số triệu chứng khác là chân tay lạnh, nôn, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng - màng phổi. Lúc này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu.
Theo PGS Cường, người dân có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Điều này giúp bác sĩ theo dõi và đề phòng biến chứng.
"Sốt xuất huyết hiện nay chưa có vaccine, việc phòng bệnh vẫn chủ yếu là tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi có nơi sinh sản, kết hợp các biện pháp diệt bọ gậy, chủ động phun diệt muỗi khi mùa mưa tới gần", chuyên gia khuyến cáo.