Màu cờ Tổ quốc trong ngày toàn thắng

Buổi sáng ngày cuối tuần, vừa chạy xe ngang qua cổng Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), chợt thấy hai cô gái đang tạo dáng chụp hình trước không gian đọc báo mà BPTV thiết kế để phục vụ bạn đọc. Ngoài các trang của số báo mới phát hành được treo lên tường để phục vụ người đọc, không gian đọc báo được trang trí bằng những lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc cùng những chiếc đèn lồng nhỏ xinh. Tôi liền vòng xe quay lại và xin phép được ghi lại hình ảnh dễ thương ấy. Hai bạn nữ là Lê Thị Lan Anh (phường Tân Phú) và Đỗ Thị Kim Oanh (phường Tân Đồng) cùng sinh năm 1993 vui vẻ đồng ý nhưng tỏ ra hơi ngần ngại. Kim Oanh nói:

- Hôm nay chúng cháu mới chỉ chụp "nháp" để hôm sau "lên đồ" chụp ở những không gian có nhiều cờ Tổ quốc hơn cô ạ.

- Sao các cháu lại thích chụp với cờ Tổ quốc?

- Chúng cháu không biết tại sao, nhưng hễ tấm hình nào có thêm cờ là đẹp hơn lên rất nhiều. Có lẽ màu cờ đỏ rực luôn khiến những khung hình sáng lên. Hơn nữa những ngày này, ai cũng muốn có những tấm hình đẹp với cờ Tổ quốc cô ạ!

Ừ nhỉ! Chính tôi cũng đang nôn nao với cuộc hẹn cùng bạn bè về Sài Gòn, đến bến Bạch Đằng, đến phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. Hồ Chí Minh) để được hòa vào không khí hân hoan của cả đất nước trong những ngày chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 50 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Hai bạn Lan Anh và Kim Oanh chụp hình tại không gian đọc báo của BPTV

Hai bạn Lan Anh và Kim Oanh chụp hình tại không gian đọc báo của BPTV

Một nhóm du khách xin chụp hình cùng người ngồi xe lăn trên bến Bạch Đằng chiều ngày 25-4

Một nhóm du khách xin chụp hình cùng người ngồi xe lăn trên bến Bạch Đằng chiều ngày 25-4

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có quốc kỳ của mình. Nhưng có lẽ ít có quốc gia nào, lá cờ Tổ quốc lại được yêu thích và trở thành đối tượng sáng tạo trên mọi nền tảng nghệ thuật như ở Việt Nam. Cờ Tổ quốc - biểu tượng của hồn nước, lòng dân, của tinh thần đoàn kết vững bền. Lá cờ cũng là biểu tượng thiêng liêng, thể hiện ý chí, nhiệt huyết cách mạng cũng như sự hy sinh anh dũng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong những cuộc chiến đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Chính vì ý nghĩa thiêng liêng ấy mà việc treo cờ Tổ quốc đã trở thành nhu cầu, nét văn hóa riêng của mọi người dân Việt Nam. Mỗi khi có một sự kiện quan trọng, một tin vui như người Việt Nam giành vinh quang trên trường quốc tế, cả khi đất nước đứng trước những mất mát, thương đau như thảm họa thiên nhiên hay một vị lãnh tụ đáng kính qua đời... người dân lại cùng nắm tay nhau và cờ Tổ quốc là thứ không thể thiếu trong hoàn cảnh ấy để thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng biết ơn, niềm tự hào hay nỗi tiếc thương của mỗi con dân đất Việt.

Những dịp lễ trọng đại của đất nước, những màn đồng diễn nghệ thuật với hàng ngàn người tham gia xếp hình bản đồ Việt Nam hay hình ngôi sao 5 cánh luôn kích thích sự hứng khởi của cả người diễn và người xem. Hình đất nước, hình ngôi sao 5 cánh còn được đưa lên sân khấu bằng các tiết mục múa, thể thao nghệ thuật; đưa vào tà áo dài Việt Nam và công diễn khắp nơi trên thế giới. Những dịp diễn ra các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế, nhiều diễn viên, vận động viên, cổ động viên Việt Nam kiêu hãnh diện những tấm áo với họa tiết cờ đỏ sao vàng như một cách bày tỏ tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc.

Một nhóm du khách với áo hình cờ Tổ quốc và khăn rằn chụp hình trên bến Bạch Đằng chiều 25-4

Một nhóm du khách với áo hình cờ Tổ quốc và khăn rằn chụp hình trên bến Bạch Đằng chiều 25-4

Nhóm U70 từ thành phố Đồng Xoài chụp hình bên Tượng đài Bác Hồ trước UBND TP. Hồ Chí Minh

Nhóm U70 từ thành phố Đồng Xoài chụp hình bên Tượng đài Bác Hồ trước UBND TP. Hồ Chí Minh

Hai năm trước, mạng xã hội xuất hiện nhiều video, hình ảnh chia sẻ việc vẽ lá cờ Tổ quốc khổng lồ trên những mái nhà của người dân, lên những bức tường rào, cánh cổng, thậm chí vẽ lên cửa cuốn, xe ôtô... Những dịp lễ tết, từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi tới miền ngược đều rợp sắc cờ đỏ sao vàng. Người dân nhắc nhau, giúp nhau treo cờ Tổ quốc để bày tỏ niềm vui và tinh thần đoàn kết dân tộc. Những hành động này đã góp phần lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, tạo cảm giác gắn kết cộng đồng.

Hòa cùng dòng người với đủ kiểu trang phục gắn với cờ Tổ quốc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng - nơi đặt trận địa pháo diễu binh phục vụ lễ kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, tôi cảm nhận rất rõ niềm hân hoan trên từng ánh mắt, trên từng gương mặt, trong tiếng hỏi chào, cười nói. Dù chưa tới lễ kỷ niệm chính, nhưng dòng người từ mọi miền đất nước và từ nước ngoài đổ về Sài Gòn, nhất là khu vực quận 1 và khu vực bến Bạch Đằng đã gấp nhiều lần mật độ bình thường. Những dãy xe khách ngoại tỉnh chở những đoàn khách với áo dài hình bản đồ Việt Nam hoặc áo thun in hình cờ đỏ sao vàng liên tục đổ về bến Bạch Đằng. Có những nhóm bạn trẻ mang theo cả va ly đồ để có thể chụp được nhiều kiểu hình đẹp nhất với các anh bộ đội đang bảo vệ trận địa pháo. Nhiều cặp đôi đến chụp hình cưới bên những khẩu pháo hay trong không gian trưng bày của Triển lãm "Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30-4-1975" trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Thật xui xẻo cho tôi gặp trúng cơn mưa to không kịp trú mưa, khiến chiếc áo dài có họa tiết cờ Tổ quốc bị ướt, dính chặt vào người. Thật may là tôi vẫn phòng hờ một bộ áo dài khác để có được vài tấm hình giữa không gian đặc biệt của bến Bạch Đằng.

Mưa tạnh, người lại đổ ra đông nghẹt. Tôi ngỡ ngàng nhìn những cụ già ngồi trên xe lăn, những em nhỏ nằm trong xe nôi với trang phục cờ đỏ được người thân cẩn thận di chuyển giữa biển người rực sắc đỏ. Những lá cờ trên đôi tay run run của người già; những miếng dán hình cờ Tổ quốc trên đôi mà bầu bĩnh của những em nhỏ khiến lòng thổn thức. Tôi tự hỏi: điều gì đã khiến cả biển người kia cùng lấy cờ Tổ quốc làm trang phục, làm vật trang điểm, trang trí cho mình hay cho cả đội hình trong một chuyến du lịch đặc biệt? Điều gì khiến tất cả mọi người Việt trong nước, người Việt ở nước ngoài, cả khách du lịch quốc tế đều đổ về nơi đang diễn ra những buổi tập dượt cuối cùng của các lực lượng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất!? Có lẽ, khi diện những bộ đồ mang họa tiết cờ đỏ sao vàng hay hình bản đồ Việt Nam, người ta thấy mình trở thành một phần của không gian lễ hội, của không khí náo nức, sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc mà triệu triệu con tim đang hướng về. Chỉ có như thế mới có thể lý giải được vì sao những người không quen biết lại cùng nắm tay nhau xin sang đường để chụp hình, việc nhóm này xin chụp hình chung với nhóm khác, hay việc chia sẻ với người không quen những lá cờ cầm tay nhỏ xíu, những miếng dán hình cờ đỏ sao vàng trên má, trên ngực áo...

Rồi cũng đến lúc phải trở về với công việc, cuộc sống thường ngày. Tôi luyến tiếc rời khỏi không gian đậm đặc không khí lễ hội tưng bừng của bến Bạch Đằng và phố đi bộ Nguyễn Huệ. Trên chuyến xe trở về Đồng Xoài, có hai bạn trẻ cũng vừa đi xem diễn tập duyệt binh trở về. Câu chuyện trên xe rôm rả với "cơn mưa" lời khen về những màn trình diễn dù chưa chính thức nhưng đã là “đỉnh của đỉnh” dành cho các chàng trai, cô gái trong các lực lượng công an, quân đội tham gia diễn tập. Và lạ chưa, họ đều mặc áo hình cờ đỏ sao vàng và còn khoe trong va ly này, mỗi đứa chúng em có hai bộ áo dài hình bản đồ Việt Nam và cờ Tổ quốc!

Sáng ngày 27-4, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, phường Long Phước, thị xã Phước Long tổ chức cho học sinh khối 4 và 5 dã ngoại tại Bảo tàng chiến thắng Phước Long

Sáng ngày 27-4, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, phường Long Phước, thị xã Phước Long tổ chức cho học sinh khối 4 và 5 dã ngoại tại Bảo tàng chiến thắng Phước Long

Linh Tâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/172196/mau-co-to-quoc-trong-ngay-toan-thang