Máu đào tô thắm biên cương Tổ quốc

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang có 130 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) anh dũng chiến đấu hy sinh; 67 đồng chí bị thương, bỏ lại một phần xương máu của mình, xây đắp thành lũy biên cương.

Chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang An Giang chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam

Chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang An Giang chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam

Những trận đánh vang dội

Năm 1977, có 3 đồn biên phòng được thành lập: Đồn Biên phòng Đồng Đức, Vĩnh Gia, Vĩnh Hội Đông (trực thuộc Công an nhân dân vũ trang tỉnh An Giang). Chưa được bao lâu, cán bộ, chiến sĩ phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đầy khốc liệt.

Trải qua hơn 1.300 ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu biên giới, chiến đấu quyết liệt, Công an nhân dân vũ trang tỉnh chiến đấu gần 640 trận lớn, nhỏ với đủ hình thức; tiêu diệt, bắt sống hơn 1.000 tên địch. Nhiều trận đánh mang lại kết quả to lớn cho quân và dân ta, nhưng cũng không ít hy sinh, mất mát.

Điển hình như trận đánh ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Đồng Đức đêm 30/4, rạng sáng 1/5/1977 (tại ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú ngày nay). Sau 30 phút kiên cường bám trụ chiến đấu, CBCS tiêu diệt 5 tên địch, bắn bị thương nhiều tên, số còn lại hoảng hốt chạy về bên kia biên giới. Nhờ vậy, ta giữ được vị trí chiến đấu, bảo vệ được trạm, bảo vệ được dân và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới khu vực phụ trách. Về sau, tập thể trạm được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba.

Hay như trận đánh của Phân đội 2 cơ động - Đồn Biên phòng Long Bình, tại khu vực rạch Bình Ghi từ ngày 28 - 31/12/1977 (nay là thị trấn Long Bình, huyện An Phú). Phân đội cùng các bộ phận đánh trả, không cho địch chiếm đồn. Trận này, toàn đơn vị tiêu diệt 73 tên địch, bắn bị thương hàng trăm tên, bắn chìm 4 tắc ráng, thu 14 súng các loại, trên 200 lựu đạn và hàng chục ngàn viên đạn. Trải qua hơn 40 trận lớn nhỏ, dù lực lượng ít, phân đội vẫn bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch từ cấp tiểu đoàn đến trung đoàn. Ngày 20/12/1979, phân đội được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Không thể không kể đến trận đánh của Đồn Biên phòng Vĩnh Lạc (tại khu vực Mõm Đá Bia (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) ngày 17/6/1978. Khuya, địch trinh sát bằng hỏa lực vừa thăm dò lực lượng ta, vừa nhanh chóng chiếm địa hình đào công sự. Thống nhất phương án khá tỉ mỉ, khẩn trương triển khai lực lượng, gần 60 CBCS đồn, 15 dân quân ấp An Nhơn và An Thành phối hợp Lữ đoàn đặc nhiệm 305 Bộ Tổng Tham mưu diệt Trung đoàn 315 của địch. Đến 9 giờ, xác của 103 tên địch nằm trên cánh đồng Lương Phi. Hàng trăm khẩu súng được chiến sĩ ta đưa về vị trí tập kết an toàn. Ở hướng Ba Chúc, Lữ đoàn 305 diệt gần 100 tên địch.

Trận đánh này là trận đánh của lòng dũng cảm, chiếm thế chủ động, bất ngờ đánh chia cắt địch, mà Đồn Vĩnh Lạc là đơn vị tiêu biểu vận dụng hiệu quả. Đơn vị được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa, nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Cũng từ trận đánh ấy, sư đoàn tinh nhuệ của địch bị tan rã, bẻ gãy ý đồ xâm chiếm vùng Bảy Núi.

Những người hùng sống mãi

Trong những trận đánh oanh liệt, nhiều cá nhân chiến đấu dũng cảm xuất hiện, tiêu biểu là binh nhất Hoàng Kim Long (Đồn Vĩnh Xương). Là xạ thủ bắn hỏa lực (súng ĐKZ), từ tháng 7/1977 đến tháng 4/1978, người anh hùng chưa đầy 20 tuổi này tham gia 35 trận đấu, một mình diệt 9 hỏa điểm của địch, góp phần cùng đơn vị diệt 50 tên Pol-Pot. Khẩu súng ĐKZ 82 dài gần 2m, nặng 86kg, nhưng một mình anh mang vác chạy từ vị trí này đến vị trí khác để tiêu diệt địch.

Ngày 14/4/1978, địch dùng 1 lữ đoàn đánh vào đồn và trạm ở chùa Thầy Bảy suốt 3 ngày đêm, liên tục nã súng cối 120, ĐKZ, pháo 105 và pháo 130 ly. Ngày 18/4, chúng điều các hỏa lực ra giữa đồng, nhằm tiêu diệt hỏa lực của ta. Đồng chí Hoàng Kim Long một mình quan sát địch, vừa di chuyển khẩu súng ĐKZ diệt 4 hỏa điểm địch. Anh vừa chuyển vị trí, lắp xong trái đạn thứ 18, thì quả đạn của địch bắn cách anh chưa đầy 1m. Khi trận đấu kết thúc, toàn đơn vị lao tới ôm lấy anh, khóc tiễn biệt người đồng đội quả cảm. Khi ấy, anh vừa tròn 19 tuổi…

Anh ra đi, nhưng để lại tấm gương chiến đấu kiên cường, liên tục tấn công địch cho đến lúc hy sinh; để lại tấm gương cần cù, nghiên cứu học hỏi không mệt mỏi; để lại tấm gương về lòng yêu thương đồng đội, yêu Tổ quốc. Ngày 20/12/1979, binh nhất Hoàng Kim Long được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Lịch sử truyền thống BĐBP tỉnh không thể quên những đồng chí trong các đơn vị biên phòng từ mọi miền quê khác nhau về chiến đấu, ngã xuống trong chiến hào, trên cánh đồng, vùng sông núi của quê hương An Giang. Nhiều đồng chí đến nay còn mang thương tật trên người, hoặc để lại một phần thân thể của mình trên chiến trường, đổi lấy bình yên cho từng gia đình, xóm ấp và cho cuộc sống hạnh phúc hôm nay.

“Thể hiện lòng tri ân đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh dành không gian trang trọng trong nhà truyền thống, xây dựng bia ghi danh 130 anh hùng, liệt sĩ hy sinh. Mỗi dịp đầu năm mới, ngày truyền thống của đơn vị, ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng tôi đều thành kính thắp nén nhang, bày mâm cơm tưởng nhớ các chú, các anh.

Đồng thời, hứa trước anh linh anh hùng liệt sĩ, toàn lực lượng BĐBP tỉnh sẽ ra sức học tập, rèn luyện, công tác, phấn đấu giữ vững bản chất, phẩm giá cao quý để xứng đáng với công lao những người đi trước; tiếp tục đoàn kết, xây dựng, bồi đắp và phát huy truyền thống BĐBP tỉnh lên tầm cao mới” - thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính ủy BĐBP tỉnh chia sẻ.

Lịch sử chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc và xây dựng đơn vị, BĐBP tỉnh có 3 tập thể và 1 cá nhân vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đơn vị 3 lần được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa; được tặng thưởng 2 huân chương quân công; 825 huân chương chiến công các loại; 8 huân chương bảo vệ Tổ quốc; 207 huân chương quân kỳ quyết thắng.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mau-dao-to-tham-bien-cuong-to-quoc-a369780.html