Màu may mắn
'Trái gấc xinh xinh
Chín vàng nắng đỏ
Bao nhiêu mặt trời
Ngủ say trong đó”
(Thơ Đặng Vương Hưng)
Mùa Đông đến, những cơn gió từ phương Bắc tràn về đã khiến cả khu vườn nhà tôi trở nên héo úa. Trên dây gấc chỉ còn lơ thơ những tàu lá già nua, phần nhiều đã quắt khô xơ xác. Tất cả lá và dây đã dành hết tình yêu và dưỡng chất cho những quả gấc đỏ tươi đang đung đưa trong làn khói bếp xanh lam mỏng manh bay lên nền trời tím thẫm. Mẹ tôi bảo, năm nay được mùa gấc, đến Tết lại tha hồ mà đồ xôi rồi.
Ngay từ đầu tháng Giêng, khi cây cam trước hiên nhà dịu dàng bung những cánh hoa trắng muốt tinh khôi, tỏa mùi thơm thanh khiết, bố tôi đã chuẩn bị trồng gấc. Bố bảo, gấc là cây có tuổi thọ cả chục năm nhưng nếu cứ để cây già thì quả sẽ nhỏ và màu gấc sẽ không đỏ thẫm, muốn có gấc ăn cuối năm thì bây giờ trồng là thích hợp. Ở bên bờ ao bố tôi đào một cái hố thật rộng, ở dưới lót đầy phân chuồng và cỏ rác. Rồi bố tôi lấy bùn hoa đổ vào ngập nửa miệng hố. Qua mươi ngày, khi mặt bùn se lại và đất trong hố được “hả hơi”, bố tôi mới đặt hom gấc xuống. Hom gấc là một đoạn dây gấc cái vừa to vừa khỏe được cắt từ chính cây gấc nếp có quả to và đỏ nhất trong vườn nhà bà nội. Trước khi trồng, dây gấc được cuộn thành một khoanh tròn, đầu ngẩng lên như con rắn rình mồi. Đặc biệt, nó phải được phơi hai, ba nắng nhẹ. Làm như vậy, đầu dây mới bị cắt sẽ se mặt lại, giữ được nhựa tươi. Đặt hom gấc xong, bố tôi trải đều xung quanh bằng một lớp mùn rơm rạ rồi mới lấy đất xốp phủ kín lên trên mặt, chỉ còn để phần đầu nhô lên. Trồng xong, bố tôi dặn mấy chị em chỉ cần tưới cho hom gấc một đôi lần, bởi nếu tưới nhiều nước sẽ làm thối nhũn phần vỏ, mầm gấc không mọc lên được.
Quả đúng như lời bố tôi nói, dây gấc nằm im lìm trong đất, ung dung đón nhận từng hạt mưa xuân mát lành, dịu dàng thấm nhẹ nhàng mà sinh trưởng. Sau cả tháng trời tiếp tục ngủ đông, từng mầm lá tươi xanh mới bắt đầu nhô lên khỏi mặt đất. Đón nhận luồng ánh nắng đầu hè ấm áp, những ngọn gấc trỗi lên tua tủa, bám chắc vào bờ rào rồi vươn lên chạy dài trên mặt giàn. Cứ như thế, cây gấc hút dưỡng chất ngọt ngào trên mặt đất mà anh dũng lớn lên. Chẳng ngại gì những gai tre sắc nhọn, những ngọn gấc xanh non luồn lách mọi ngóc ngách rồi vươn lên tới những cành tre cao ngất ngưởng.
Mấy tháng sau, khi những chùm cam đã lúc lỉu trên cành, ấy là thời điểm những đài hoa gấc thẫm xanh lấp ló trong màu lá. Không trắng nhạt như hoa bầu, chẳng vàng tươi như hoa bí. Năm cánh hoa gấc to dày, từa tựa như hoa loa kèn nhưng trắng và mềm như lụa. Nhụy hoa màu vàng nghệ, đậm từ trong rồi nhạt dần ra tới cánh. Hoa gấc không có mùi thơm quyến rũ nhưng phấn nhiều, thành thử ra rất nhiều các loài bướm ong đua nhau lượn quanh làm mật. Có cả những chú ong bầu kềnh càng lái đôi cánh khổng lồ vè vè bay tới. Đó cũng là lý do khiến hoa gấc thụ phấn nhanh và dễ đậu trái.
Không lớn nhanh như bầu như bí, quả gấc chậm dãi đón nhận những dưỡng chất tinh túy mà dễ cây cần cù mang lại, những tia nắng dịu mát của những ngày cuối thu và những hạt sương hiếm hoi trong những ngày đông giá rồi lớn dần theo ngày tháng. Là con của một loài cây dũng cảm, quả gấc trang bị cho mình chi chít những chiếc gai sắc nhọn. Chả thế mà từ nhỏ cho đến khi chín thẫm chả chú chuột hay một loài gặm nhấm nào dám bên mảng tới.
Hồi xưa, gấc chỉ dành riêng cho người đồ xôi trong những lễ tiết quan trọng và đầu năm mới. Nhưng gấc chín không đều, những quả đầu tiên sẽ chín từ cuối tháng Một. Phần lớn sẽ chín vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Những quả còn xanh, ra Giêng ngày rộng tháng dài sẽ chín vào đúng dịp tết Thượng Nguyên, chậm lắm là đến rằm tháng Hai. Nhà tôi trồng gấc xung quanh vườn; có năm mẹ với chị cả tôi gánh đi chợ Bình, bán phiên chợ Tết hăm tám được bốn thúng đầy có mũ. Gấc già khi chín sẽ có màu đỏ cam, da gấc mịn căng; còn những chiếc gai thì như muốn lùn đi vì béo mập. Mẹ tôi bày gấc xuống nền cỏ úa màu bên bờ sông, từng quả gấc xếp chồng lên nhau căng tròn, đỏ rực cả một góc chợ. Năm ấy đắt hàng, bán xong mẹ mua cho ba chị em tôi mỗi đứa một tà áo mới.
Tết ở quê tôi quan trọng nhất là ngày mồng Một. Công việc đầu tiên trong buổi sáng, ấy là làm mâm cỗ cúng gia tiên. Và trong mâm cỗ không bao giờ được thiếu đĩa xôi gấc đỏ tươi bên con gà trống mã mật ngậm bông hoa đồng tiền. Để chuẩn bị đồ xôi, từ tối Ba mươi mẹ tôi đã ngâm nếp trong chiếc nồi đất cổ. Rồi mẹ bổ gấc, lấy hết phần ruột đánh nhuyễn với một ít rượu trắng và muối hạt. Thịt gấc để qua đêm sẽ lên màu đỏ sẫm. Sáng mùng Một, mẹ tôi trộn đều rá nếp đã ráo nước trắng trong như hạt ngọc với phần thịt gấc đỏ sẫm như tiết hậu. Mẹ đánh thật nhuyễn khiến toàn bộ phần thịt gấc bám vào hạt nếp, chỉ còn lại một lớp màng mỏng dính bám vào hạt. Sau ít phút, khi thịt gấc và nếp đã thấm quyện vào nhau, mẹ tôi đổ tất cả vào chõ đưa lên bếp, nổi lửa. Mẹ tôi đổ nếp theo vòng tròn tạo thành một cái giếng như xoáy nước ở giữa chõ xôi. Làm như vậy hơi nước sẽ bốc lên mạnh hơn khiến xôi chín đều. Nước ở dưới nồi không được quá cao sẽ trào lên khiến xôi bị nhão, cũng không quá ít sẽ thiếu nhiệt khiến xôi bị khô cứng. Mẹ tôi đặt một chiếc bát úp xuống đáy nồi, rồi đổ nước vừa ngập trôn bát. Khi nước xôi, chiếc bát sẽ nhảy lên lách tách. Tiếng lách tách nhỏ dần đến khi ngừng hẳn thì xôi chín. Khi tắt lửa, mẹ đổ cả chõ xôi ra mâm, để nguội rồi lấy mỡ gà đã thắng sẵn thoa đều. Rồi mẹ lại đồ xôi thêm một lần nữa, lượng nước trong nồi bằng một nửa lúc ban đầu. Khi tắt lửa lần hai, mẹ đổ xôi ra mâm, trộn đều với một ít đường kính trắng và hạt vừng rang sẵn vàng ngậy. Xôi gấc thành phẩm sẽ rất mềm và dẻo, hương vị rất đậm đà, vừa bùi vừa ngậy đặc biệt phải lên màu đỏ tươi như quan niệm của dân gian, ấy là màu may mắn.
Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, mẹ đơm đĩa xôi vẫn còn nghi ngút khói đặt lên bàn thờ gia tiên cùng những lễ vật quê nhà. Bố tôi trang trọng trong bộ quần áo tươm tất nhất thắp nén tâm nhang trước bàn thờ tiên tổ. Còn ba chị em tôi xúng xính trong màu áo mới chờ đợi hưởng lộc đĩa xôi gấc thảo thơm rồi đi chúc Tết ông bà. Trong túi chẳng thể nào thiếu những hạt gấc mới tinh để chơi trò đánh đáo.
Chuyện tưởng mới hôm qua nhưng bao nhiêu năm rồi chúng tôi không được ăn Tết ở quê như những ngày thơ bé. Biết bao mùa gấc chín đã qua đi để mùa Xuân lại về trên cành lá. Chị cả tôi đã lên chức bà ngoại được mấy năm. Không biết ở quê nhà chị có trồng gấc rồi đồ xôi cúng Tết như mẹ tôi ngày trước? Còn với riêng tôi, ở phương Nam xa xôi mỗi độ Tết đến, Xuân về lòng lại bồi hồi nhớ thương những mùa gấc chín.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/mau-may-man-299018.html