Mẫu Sơn vẫn còn hoang vắng
Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển du lịch do có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và điều kiện khí hậu khác biệt. Tuy nhiên, nơi đây hiện vẫn còn khá hoang vắng, cần đầu tư để phát triển.
Trên đỉnh Mẫu Sơn
Gần đây, chúng tôi có dịp đi du lịch Mẫu Sơn. Đường từ thành phố Lạng Sơn lên Mẫu Sơn khoảng 30km, nhưng chỉ có 15 km cuối được xem là khó đi nhất với lòng đường nhỏ và những khúc cua liên tục. Tới nơi, đỉnh Mẫu Sơn hiện ra trong không gian mờ của mây trắng. Với độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, Mẫu Sơn tách biệt hẳn với những khu dân cư, khiến vẻ đẹp nơi đây ẩn chứa nét hoang sơ pha chút kỳ bí đối với mỗi du khách khi tới đây.
Đến Mẫu Sơn, chúng tôi ở tại khách sạn 9 gian. Đây là khách sạn lớn nằm tại vị trí đắc địa nhất của khu du lịch, được xây dựng cách đây 30 năm dựa trên thiết kế của một ngôi biệt thự cũ được làm từ thời Pháp tại Mẫu Sơn. Bà Hà Thị Thủy, người phục vụ trong khách sạn 9 gian cho biết, khu vực Mẫu Sơn là nơi đón gió mùa Đông Bắc đầu tiên vào Việt Nam nên mùa đông nơi đây khá khắc nghiệt, thường xuyên có băng giá và sương mù. Nhưng đây lại là nét đặc trưng hiếm có ở đất nước nhiệt đới, thu hút khách du lịch hiếu kỳ đến thăm thú. Còn vào mùa hè, người dân đến đây để hưởng không khí mát mẻ. “Những năm gần đây, chỉ ít ngày sau tết nguyên đán cũng đã có một số người gọi điện đặt phòng để lên đây ngắm cảnh quan và nghỉ dưỡng”- bà Thủy cho hay.
Tại Mẫu Sơn, tuy không có nhiều sự lựa chọn về đồ ăn, nhưng nơi đây vẫn có những đặc sản như gà sáu ngón, ếch hương, lợn bản… Bà Thủy cho biết, nếu muốn thưởng thức những món ăn đó phải báo trước để còn vào bản mua. Do thực phẩm được mua sống mang về, nên chúng tôi có dịp thấy con gà sáu ngón. Đây là loại gà có sáu ngón chân, đặc sản đặc biệt của Mẫu Sơn, được người dân nuôi thả trong bản. Loại gà này thịt săn chắc, thường được tẩm mật ong rồi nướng ăn rất thơm ngon. Còn ếch hương thường sống trong hang hốc hoặc ven các khe suối trong bản, được người dân đánh bắt tự nhiên. Thịt ếch rất thơm ngon, ăn không có mùi tanh, kể cả khi nguội. Với món lợn bản, do được bà con nuôi thả trong vườn rừng nên thịt rất chất lượng. Khi thịt lợn thái miếng để nướng hoặc lợn sữa được quay nguyên con trên than, lúc ăn nhấp thêm ngụm rượu Mẫu Sơn có cảm giác ngon tuyệt.
Ngay buổi đầu lên đây, khi đứng tại quầy lễ tân của khách sạn, chúng tôi đã thấy bầy một số chai rượu Mẫu Sơn, đặc sản của vùng này. Bà Thủy cho biết, rượu này được ủ trong hầm rượu của khách sạn cỡ một năm mới đem ra bày bán cho du khách. Rồi thể theo đề nghị của chúng tôi, hôm sau bà Thủy đưa một số người xuống hầm rượu. Trong căn hầm nhỏ le lói ánh đèn, thấy một số chum và bình rượu để tại đây. Bà Thủy giới thiệu loại rượu ở đây được bà con dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn chưng cất bằng phương thức truyền thống. Chủ khách sạn đã đặt mua loại rượu này rồi ủ thêm trong hầm một thời gian cho ngon hơn rồi mới đem phục vụ du khách.
Cần đầu tư để phát triển
Tại nơi ở, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Quan Văn Sính, chủ khách sạn 9 gian. Nay đã hơn 70 tuổi, lại sống trên mảnh đất này nhiều năm nên ông Sính có những hiểu biết về vùng núi Mẫu Sơn. Ông Sính cho biết, trước đây, nhận thấy cảnh quan của Mẫu Sơn rất phù hợp cho việc nghỉ dưỡng, người Pháp đã đầu tư xây dựng tại đây một số khu nhà, biệt thự nằm rải rác từ chân đến đỉnh núi để sử dụng cho mục đích này. Những công trình mang kiến trúc Pháp đó là điểm nhấn sinh động cho cảnh sắc núi rừng Mẫu Sơn thời ấy. Tuy nhiên, theo thời gian, đến nay hầu hết các khu biệt thự đã bị hỏng. Hiện có vài ngôi biệt thự được xây dựng lại trên nền đất cũ để sử dụng, còn lại để hoang chưa thể xử lý. Ngoài ra, tại đây một số người dân đã xây dựng thêm nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách.
Tuy nhiên, do nằm khá biệt lập với khu dân cư, đường sá cũng chưa thật thuận lợi nên lượng khách đến Mẫu Sơn không nhiều. Những năm gần đây, vào mùa đông, mỗi khi có tuyết là du khách mới đổ dồn lên Mẫu Sơn để xem khiến nơi đây quá tải. Còn lại trong năm, người dân chủ yếu lên Mẫu Sơn vào hai ngày nghỉ cuối tuần, vì chừng đó là đủ để họ thăm thú một số nơi của khu du lịch này như suối Long Đầu, núi Phật Chỉ, khu linh địa cổ Mẫu Sơn, hầm rượu Mẫu Sơn Đỉnh...
Bên cạnh đó, có một số thanh niên đi phượt lên Mẫu Sơn để chiêm nghiệm, chụp ảnh rồi về ngay mà không nghỉ lại. Do vậy, hiện quanh khu vực Mẫu Sơn chỉ có hơn chục nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách, nhưng chất lượng và tiện nghi các phòng nghỉ nhìn chung chưa được đảm bảo.
Qua tìm hiểu được biết, do thời tiết quanh năm mát mẻ, độ ẩm cao nên nhà xây ở Mẫu Sơn nhanh bị xuống cấp. Nhiều ngôi nhà mới xây được ít năm đã bị rêu phong, ẩm mốc trông như nhà cổ. Tại khách sạn 9 gian nơi chúng tôi ở, khi trời đổ mưa đã có hiện tượng thấm dột ở một số phòng và hành lang. Còn tại các phòng, có một số vật dụng, thiết bị đã cũ hỏng nhưng chưa được sửa chữa hoặc thay mới. Nghe chúng tôi phản ánh điều này, ông Sính cho biết sắp tới khu Mẫu Sơn sẽ được quy hoạch tổng thể để thành khu du lịch quốc gia. Do chờ quy hoạch nên ông Sính cũng như các chủ nhà nghỉ, khách sạn khác chưa muốn sửa chữa để nâng chất lượng dịch vụ. Tuy có phần lo lắng cho tương lai khách sạn của mình khi quy hoạch, nhưng ông Sính cũng công nhận rằng, việc quy hoạch tổng thể và đồng bộ khu Mẫu Sơn trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, vì chỉ như thế khu du lịch này mới có cơ hội để phát triển xứng với tiềm năng.
Ngày 15/5/2019, Thủ tướng Chính phủ có quyết định (số 557) phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu du dịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2040. Quy mô nghiên cứu quy hoạch khoảng 14.964ha, với mục tiêu phát triển khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đặc sắc về văn hóa, tâm linh và du lịch sinh thái của vùng trung du miền núi Bắc bộ và cả nước.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/mau-son-van-con-hoang-vang-1456321.tpo