Mâu thuẫn giữa cái đẹp tiêu thụ và những thử nghiệm khiêu khích

Umberto Eco cho rằng nửa đầu thế kỷ XX, Cái đẹp khiêu khích và Cái đẹp tiêu thụ đã có một cuộc chiến đầy kịch tính.

 Tái tạo thần Vệ nữ (1936) thuộc Bộ sưu tập Schwarz, Milano. Ảnh: imj.

Tái tạo thần Vệ nữ (1936) thuộc Bộ sưu tập Schwarz, Milano. Ảnh: imj.

Theo sách Lịch sử cái đẹp của Umberto Eco, mỗi thế kỷ đều sở hữu một số đặc điểm nhất quán trong thẩm mỹ và rằng nửa đầu thế kỷ XX, Cái đẹp khiêu khích và Cái đẹp tiêu thụ đã có một cuộc chiến đầy kịch tính.

Từ các phong trào tiên phong và thử nghiệm nghệ thuật, Cái đẹp khiêu khích ra đời. Mặc dù nghệ thuật tiên phong không đặt vấn đề về "Cái đẹp", các nghệ sĩ ngầm định rằng các hình ảnh mới hướng đến cái đẹp kiểu nghệ thuật. Những thử nghiệm khiêu khích đem đến sự hứng thú mới mẻ, không kém sự hứng thú của những người thời trước chứng kiến hội họa Raffaello.

Trong quá trình phát triển, Cái đẹp khiêu khích đã phá bỏ gần hết những tiêu chuẩn thẩm mỹ cũ. Umberto Eco nhận xét: "Nghệ thuật không còn quan tâm tới việc cung cấp một hình ảnh về Cái đẹp tự nhiên, cũng không còn nhắm tới thú vui an bình thưởng ngoạn các hình thức hài hòa".

Đúng với thái độ khiêu khích, nghệ thuật thời này tìm cách thách thức những quy chuẩn, tôn vinh lại những hình mẫu xưa, những hình ảnh ngoại lai như trong giấc mơ, trong tưởng tượng kỳ quái của chứng loạn thần, ảo giác từ chất kích thích. Các nghệ sĩ tìm cách tái khám phá thế giới vật chất, đặt những vật dụng hàng ngày vào các bối cảnh kỳ ảo, qua đó, dạy ta (người xem) diễn giải thế giới bằng con mắt khác.

Ở thời kỳ này, người ta muốn thứ gì đó thật khiêu khích, muốn có trải nghiệm dữ dội như khi xem nghệ sĩ biểu diễn châm chích, cắt khứa chính mình, nghe trình diễn nhạc rock với ánh sáng chói lóa và âm thanh đẩy lên mức cao.

Dù vậy, những người tới tham gia các triển lãm tiên phong, mua một bức tượng khó hiểu, xem trình diễn happening lại là những người ăn vận chải chuốt theo tiêu chuẩn lý tưởng được các phương tiện truyền thông đại chúng giới thiệu. Họ đi theo cái đẹp mà hơn 50 năm trước đó, nghệ thuật tiên phong tìm cách chống lại - cái đẹp được thế giới tiêu dùng thương mại chào mời.

Đây chính là mâu thuẫn điển hình của cái đẹp trong thế kỷ XX.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mau-thuan-giua-cai-dep-tieu-thu-va-nhung-thu-nghiem-khieu-khich-post1399714.html