Mâu thuẫn Hàn - Nhật từ góc nhìn của Seoul và Tokyo
Quan hệ của Hàn Quốc và Nhật Bản chưa bao giờ êm ấm, tuy nhiên sự phụ thuộc lẫn nhau về thương mại và trao đổi văn hóa - du lịch đã làm dịu cơn giận chính trị trong nhiều năm qua. Nhưng giờ đây, tất cả đã chấm dứt.
Các động thái của Tokyo nhằm áp đặt kiềm chế thương mại đối với Seoul gần đây đã gây nên làn sóng phản đối ở Hàn Quốc, nơi nhiều người vẫn còn nguyên sự phẫn nộ đối với quá khứ cai trị thực dân tàn bạo của người Nhật giai đoạn 1910 - 1945. Nhật Bản thì tỏ ra khó chịu khi cho rằng Seoul đang "nhai đi nhai lại" các vấn đề lịch sử mà Tokyo vốn đã nhiều lần bày tỏ sự hối hận.
Bất chấp những lời hoa mỹ hòa giải gần đây từ Seoul, mối quan hệ khó khăn giữa 2 quốc gia có thể còn tiếp tục kéo dài sau hàng thập kỷ thất vọng lẫn nhau. Và sự suy giảm quan hệ Hàn - Nhật một phần còn đến từ Mỹ, quốc gia đang duy trì hàng nghìn binh lính tại 2 đồng minh hàng đầu Đông Bắc Á nhằm đối phó với Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Vậy người dân và học giả mỗi bên nhìn nhận ra sao về những rắc rối trong quan hệ giữa 2 quốc gia?
Từ Seoul
Hàng nghìn người Hàn Quốc đã xuống đường để phản đối động thái của Tokyo nhằm thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang quốc gia này, nơi các nhà sản xuất lớn như Samsung đang phải phụ thuộc lớn vào nguyên liệu và phụ tùng nhập khẩu từ Nhật Bản.
Seoul đã cáo buộc Tokyo vũ khí hóa thương mại để trả đũa các phán quyết của tòa án Hàn Quốc trước đó, khi kêu gọi các công ty Nhật Bản đưa ra các khoản bồi thường cho người Hàn Quốc bị ép buộc phải lao động như nô lệ trong Thế chiến II.
Doanh số bán bia, quần áo và các hàng hóa khác của Nhật Bản đã giảm mạnh trong bối cảnh các chiến dịch tẩy chay bùng phát ở Hàn Quốc. Một số trạm xăng thậm chí còn từ chối cung cấp nhiên liệu cho xe hơi Nhật Bản. Một nhà hàng và một bảo tàng cũng đã thể hiện những dấu hiệu kỳ thị với du khách Nhật. TP Busan đang xem xét phá bỏ tượng đài Chiến tranh Triều Tiên cho các binh sĩ Liên Hợp quốc sau những lời phàn nàn rằng cột cờ của nó giống với biểu tượng Mặt trời mọc của Nhật Bản thời chiến.
Nhiều người Hàn Quốc tin rằng những biểu hiện "ăn năn" của người Nhật về tội ác thời chiến là thiếu sự chân thành, hoặc đã bị hủy hoại bởi những người bảo thủ hiện đang nắm quyền tại quốc gia này.
Các câu hỏi về sự chân thành của Nhật Bản đã được đặt ra trong một thỏa thuận năm 2015, khi chính quyền Thủ tướng Nhật Abe Shinzo đã đồng ý với Chính phủ bảo thủ lúc bấy giờ của Seoul về việc đóng góp 1 tỷ Yên cho một quỹ - được thành lập để bồi thường cho những phụ nữ Hàn Quốc bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ quân sự của Nhật Bản trong Thế chiến II, thường gọi là "phụ nữ mua vui".
Nhiều người Hàn Quốc coi đó là nỗ lực của Tokyo để mua sự im lặng của nạn nhân.
Lee Shin-cheol - một nhà sử học tại ĐH Sungkyunkwan cho biết, có một nhận thức của người Hàn Quốc rằng Nhật Bản sẽ cố gắng giải quyết mọi thứ bằng tiền mà không hề hối cải quá khứ.
Vài tuần sau khi tuyên bố một cách giận dữ rằng sẽ không bao giờ thua một lần nữa trước Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tuần trước đã nhân lễ kỷ niệm 74 năm Chiến tranh Thế giới thứ 2 của Nhật Bản để chìa ra "một nhành ô liu", nói rằng Seoul rất sẵn lòng bắt tay nếu Tokyo muốn nói chuyện.
Tuy nhiên, hàng nghìn người sau đó đã diễu hành trong một cơn mưa lớn ở Seoul, mang theo những biểu ngữ phản đối chính quyền bảo thủ của Thủ tướng Nhật Bản Abe.
"Tôi từng sống như một nô lệ ở đó (Nhật Bản)... ăn hết cỏ trong ký túc xá vì chúng tôi quá đói. Chúng tôi mất hết tóc... nhưng ông Abe hành động như thể không biết gì", bà Kim Jeong-ju, 88 tuổi, đang đấu tranh cho khoản bồi thường vì thời gian làm lao động cưỡng bức tại một nhà máy sản xuất đạn dược của Nhật Bản vào năm 1945.
Nhật Bản, quốc gia đã phủ nhận việc các hạn chế thương mại của mình là sự trả đũa lịch sử, tuyên bố tất cả các vấn đề bồi thường đã được giải quyết khi 2 nước bình thường hóa quan hệ theo một hiệp ước năm 1965.
Lee Won-deok, một chuyên gia về Nhật Bản tại ĐH Kookmin lo ngại rằng, việc tiếp tục quan hệ xấu với Nhật Bản sẽ làm tổn hại nền kinh tế của miền Nam và hủy hoại hợp tác an ninh đối với vấn đề hạt nhân của miền Bắc, bên cạnh những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
"Chúng ta phải tự hỏi mình rằng, liệu ưu tiên chiến lược hàng đầu của đất nước lúc này có thể đặt trên cuộc chiến lịch sử chống lại Nhật Bản hay không", ông Lee nói.
Từ Tokyo
Theo giáo sư sử học tại ĐH Tokyo, Masaru Tonomura, nhiều người Nhật Bản coi mình là nạn nhân hơn là thủ phạm của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa quân phiệt.
Một số quan điểm về lịch sử của Nhật Bản có thể được nhìn thấy gần đây khi đám đông người dân đổ về đền Yasukuni ở Tokyo để tỏ lòng kính trọng với những người đã thiệt mạng trong chiến tranh, trong khi mang theo cờ mặt trời mọc và biểu ngữ tôn vinh Nhật hoàng.
Đáng nói, không ít người tham gia sự kiện này cho rằng sự vắng mặt của Thủ tướng Nhật Bản là "đáng xấu hổ". Ông Abe được cho là đã tránh tới Yasukuni vào ngày 15/8 - ngày quốc tế đánh dấu việc phát-xít Nhật đầu hàng trong Thế chiến II, khi chính quyền của ông đang nhận sự hỗ trợ chủ yếu từ người Nhật bảo thủ. Động thái này đã vấp phải những phản ứng từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Các nhà lãnh đạo, quan chức và nhiều đời Nhật hoàng từng đưa ra những lời xin lỗi chính thức cho cuộc chiến. Tuy nhiên, đến thời ông Abe - cháu trai cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi, người từng phục vụ trong nội các của nhà lãnh đạo thời chiến Hideki Tojo, Tokyo thể hiện quan điểm rằng những biểu hiện như vậy không nên tiếp nối với các thế hệ tương lai. Trong một tuyên bố năm 2015, Thủ tướng Abe cho rằng người Nhật không được để con cháu và thậm chí nhiều thế hệ tiếp theo - những người không liên quan gì đến cuộc chiến - phải tiếp tục xin lỗi.
Một số người Nhật phản đối chính sách của ông Abe và nghĩ rằng Tokyo nên nỗ lực để củng cố mối quan hệ với Seoul. Tuy nhiên, những người như vậy, bao gồm một nhóm đã biểu tình phản đối bên ngoài dinh thự Thủ tướng Abe hồi đầu tháng này, vẫn chỉ được coi là "những người ngoài cuộc" ở Nhật Bản - ít nhất là vào thời điểm này.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mau-thuan-han-nhat-tu-goc-nhin-cua-seoul-va-tokyo-350452.html