Mâu thuẫn nhỏ, hành xử côn đồ
Mặc dù tội phạm về cố ý gây thương tích có xu hướng giảm nhưng nhiều vụ phạm tội có tính chất côn đồ gây bức xúc dư luận
Theo thống kê của VKSND TP HCM, năm 2021, cơ quan điều tra 2 cấp đã phát hiện và khởi tố mới 8.343 vụ án hình sự (giảm 1.681 vụ so với cùng kỳ năm 2020), trong đó chủ yếu giảm các tội phạm về ma túy, xâm phạm sở hữu, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là tội phạm về cố ý gây thương tích giảm 179 vụ.
Thấy bực là ra tay
Tuy nhiên, những ngày cuối năm 2021 đầu năm 2022, số vụ giải quyết mâu thuẫn mang tính côn đồ lại xảy ra liên tục với tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận.
Ngày 14-1, Công an huyện Củ Chi, TP HCM mời làm việc nhiều người liên quan trong nhóm cầm hung khí, rượt chém nhau trên Quốc lộ 22 khiến người đi đường hốt hoảng. Trước đó, ngày 9-1, mạng xã hội xôn xao hình ảnh một nhóm 8 người cầm hung khí rượt đuổi, chém nhau trên Quốc lộ 22 đoạn qua ngã ba Việt Kiều (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi).
"Chúng tôi đã mời một bên lên làm việc. Đây là các thanh thiếu niên có mâu thuẫn nhỏ nhưng lại gây ra vụ việc đuổi chém nhau. Bên còn lại hiện bỏ trốn, chúng tôi đang truy xét" - lãnh đạo Công an huyện Củ Chi nói.
Tối 31-12-2021, chị Huỳnh Thị L. (SN 1995, quê Tây Ninh) cùng 3 người bạn đến quán nhậu 2 Đô (TP Thủ Đức) để ăn uống. Ngồi cạnh nhóm chị L. là nhóm của Nguyễn Thị Khánh Linh (SN 1998).
Trong lúc ăn uống, nhóm của Khánh Linh qua bàn của chị L. mời bia, xin số điện thoại. Bị từ chối, nhóm này chửi bới, hắt bia vào nhóm chị L., cầm ly bia tấn công khiến chị L. phải khâu nhiều vết thương lớn ở vùng đầu cùng vết thương đứt gân tay.
Công an quận Bình Tân, TP HCM hiện vẫn đang điều tra vụ việc 20 thanh thiếu niên đánh nhau do mâu thuẫn trên mạng xã hội xảy ra tại phường Bình Trị Đông B vào ngày 12-11-2021. Theo đó, ngày 10-11-2021, Nguyễn Thị Thùy V. (16 tuổi) có mâu thuẫn trên Facebook với Trà Chí C. (17 tuổi) rồi thách thức đánh nhau, hẹn đến đoạn đường nội bộ khu Y tế kỹ thuật cao (phường Bình Trị Đông B) để "nói chuyện". C. rủ Trần Vũ Tr. (19 tuổi) cùng 2 người bạn đi cùng.
Khi nhóm C. đến địa điểm hẹn thì bất ngờ bị 10 thanh niên lao tới chém khiến C. và Tr. bị thương. Theo Công an quận Bình Tân, các đối tượng trong 2 nhóm thanh thiếu niên này đều bỏ học sớm.
Hậu quả nặng nề
Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10, TP HCM - cho biết có những việc tuy rất nhỏ, chỉ là mâu thuẫn trong việc bình luận qua lại trên mạng xã hội nhưng nhiều thanh thiếu niên lại rủ nhau đi "huyết chiến".
Nếu được phát hiện thì ngăn được hậu quả nhưng cũng có vụ việc các đối tượng trẻ tuổi này phải trả giá bằng tính mạng, sức khỏe của bản thân. Đây là nỗi đau không chỉ của gia đình mà còn là nỗi lo của xã hội.
Nhiều năm tham gia xét xử các vụ án hình sự, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) trăn trở: "Mâu thuẫn nhiều nhất là trên bàn nhậu. Vào bàn nhậu, có những chuyện từ rất lâu nhưng rượu vào khiến họ nhớ lại chuyện cũ rồi gây sự, rút dao giải quyết dẫn đến người bị thương, chết, người tù tội. Án mạng do rượu bia nhiều đến độ mỗi lần lật sổ tay ra, chi chít trong đó là ghi chú mâu thuẫn do rượu, bia".
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, môi trường gia đình, môi trường giáo dục và môi trường sống xung quanh ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách mỗi người.
"Nếu cha mẹ sống tốt, con cái được giáo dục tốt thì tính cách con người cũng phần nào được rèn luyện, không dễ nổi nóng, đâm chém nhau chỉ vì mâu thuẫn nhỏ như bực tức tiếng còi xe, vũng nước trên đường... Cũng có những vụ án khiến chúng tôi không khỏi đau lòng khi bị cáo là học sinh, phải ra tòa vì những chuyện không đâu" - bà Thủy chia sẻ.
Theo Công an TP HCM, trong thời gian qua xuất hiện hiện tượng thanh thiếu niên tổ chức họp mặt ở các nhóm kín trên mạng xã hội, hẹn nhau đua xe, giải quyết mâu thuẫn… gây mất trật tự an ninh.
Trước tình hình này, Công an TP HCM tăng cường lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động hóa trang mật phục nhằm ngăn chặn đua xe cũng như những hậu quả đi kèm. Đồng thời, Công an TP HCM vận động phụ huynh, gia đình giám sát con em mình chặt chẽ hơn, quan tâm con trong độ tuổi thanh thiếu niên nhiều hơn để phát hiện những tâm tư của con mà có biện pháp giải quyết kịp thời.
Phải nghiêm trị
Bình luận về thông tin nhóm thanh niên đánh 4 cô gái vì mời bia và xin số điện thoại mà bị từ chối, bạn đọc Thanh Thủy bức xúc cho rằng đây là hành vi quá côn đồ, coi thường tính mạng người khác.
"Tôi sống ở Nhật Bản gần 10 năm nay, chứng kiến khá nhiều vụ xích mích cãi nhau nhưng dù có thế nào, họ cũng rất ít khi động tay chân vì pháp luật xử rất nghiêm. Kính mong cơ quan pháp luật xử nghiêm vụ này để răn đe" - bạn đọc Thanh Thủy viết.
Nhiều bạn đọc cũng đồng tình việc pháp luật cần điều chỉnh để xử lý nặng lỗi hành vi, còn gây ra thiệt hại như thế nào thì sẽ xử lý tiếp sau. Bởi nếu chỉ xử phạt hành chính rồi cho về thì tình trạng này sẽ tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng.
Bạn đọc Tám lưu ý: "Muốn xã hội bình an, luật pháp phải nghiêm trị những kẻ côn đồ hung hãn, đồng thời phải chỉnh sửa luật sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đâm, chém người gây thương tích, dù tỉ lệ thương tật bao nhiêu thì bắt giam, khởi tố, truy tố, xét xử ngay, mức án phải đủ răn đe. Luật pháp nghiêm khắc thì mới ngăn chặn được tội phạm".
Đồng tình, bạn đọc Hungvan viết: "Luật đưa ra phải nghiêm minh, làm sao cho tất cả mọi người hiểu rằng khi cầm dao chém người có nghĩa là tự chém mình. Nếu xảy ra chết người thì không có tình tiết giảm nhẹ, chỉ có tăng nặng. Hình phạt phải có tính răn đe cao mới mong giảm các vụ án đau lòng, xã hội mới bình yên".
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/mau-thuan-nho-hanh-xu-con-do-20220114203238577.htm