Mâu thuẫn sử dụng chung cư: Không chỉ là chuyện của hiện tại
Thời gian gần đây, Sở Xây dựng Hà Nội liên tiếp nhận được phản ánh liên quan đến quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, Ban quản trị, ban quản lý, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ... Nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều góc độ, vấn đề, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm trật tự, an toàn, quyền lợi của các bên tại các khu chung cư.
Mâu thuẫn vẫn âm ỉ
Theo thông tin của Ủy ban nhân dân (UBND) quận Thanh Xuân, trên địa bàn quận hiện có 108 tòa nhà chung cư đã đưa vào sử dụng, bao gồm: 83 tòa chung cư thương mại; 24 chung cư tái định cư, 1 chung cư nhà ở xã hội (chưa bao gồm 219 tòa nhà chung cư cũ). Dù đã có 108 tòa chung cư đưa vào sử dụng, nhưng mới có 90 tòa thành lập Ban quản trị; 83/90 tòa chung cư được bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng; 54/90 tòa nhà được chủ đầu tư bàn giao hết quỹ bảo trì.
UBND quận Thanh Xuân cũng cho biết, trên địa bàn quận hiện có một số tòa chung cư vướng mắc, tranh chấp giữa Ban quản trị và chủ đầu tư. Ví như, chung cư The Legacy (số 106 Ngụy Như Kon Tum - Nhân Chính), chủ đầu tư đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc của Dự án đối với các tầng thuộc khối đế, nhà trẻ, khu vực sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Hiện nay, dự án đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ nên các thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Tại Chung cư King Palace (số 108 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình), cư dân hiện nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo UBND quận Thanh Xuân, do chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch chi tiết dẫn đến phát sinh tiền sử dụng đất cần nộp ngân sách Nhà nước. Chủ đầu tư đã nộp hồ sơ xin xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Do đó, chủ đầu tư chưa có cơ sở để nộp tiền vào ngân sách nên không thể thực hiện việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại dự án.
Tại chung cư Sông Đà - Việt Đức (ngõ 164 Khuất Duy Tiến - Nhân Chính), chủ đầu tư đã cải tạo, sử dụng sai mục đích tại tầng kỹ thuật KT1, KT2. Do đó ảnh hưởng đến việc cấp giấy chứng nhận cho các chủ sở hữu căn hộ tại chung cư, dẫn đến việc kiến nghị, đấu tranh đòi quyền lợi.
Trước những khó khăn trên, UBND quận Thanh Xuân đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm xem xét, giải quyết việc điều chỉnh dự án do chủ đầu tư đề xuất, sớm xét duyệt hồ sơ để cấp giấy chứng nhận cho các chủ sở hữu căn hộ; thống nhất việc phê duyệt tiền sử dụng đất bổ sung để Công ty Cổ phần Bất Động Sản Hoa Anh Đào thực hiện việc nộp tiền vào ngân sách Thành phố theo quy định, để hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện việc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại dự án…
Còn tại quận Hoàng Mai, với 422 tòa chung cư, gồm: 155 tòa thương mại, 49 tòa tái định cư, 16 tòa ở xã hội, 202 chung cư cũ, quận cũng đang nỗ lực tìm tiếng nói chung để giải quyết các tranh chấp tại một số khu chung cư thời gian gần đây. Chỉ tính riêng tại phường Hoàng Liệt đã có 91 chung cư cao tầng, trong đó, 85 chung cư đã có người ở, 6 chung cư đang trong quá trình bàn giao. Đến nay, phường Hoàng Liệt đã thành lập 68 Ban quản trị chung cư và chuẩn bị tổ chức 4 hội nghị nhà chung cư, còn 13 chung cư do chủ đầu tư chưa bàn giao nên chưa có cơ sở tổ chức Hội nghị nhà chung cư. Đáng nói, trong đó có những trường hợp chưa có tiền lệ như tại chung cư Osaka Complex, người đại diện chủ đầu tư (theo hồ sơ) lại đang chấp hành án tù, do đó Hội nghị nhà chung cư chưa thể tổ chức như quy định.
Cần sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời
Theo Sở Xây dựng Thành phố, trên địa bàn hiện có 1.518 chung cư với 2.445 lô, bao gồm 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Cơ bản hầu hết các địa bàn của Thành phố đều có chung cư và đều nảy sinh những vấn đề khác nhau dẫn đến “mâu thuẫn” về quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, Ban quản trị, Ban quản lý, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ...
Một số vấn đề cũng diễn ra phức tạp, kéo dài, liên quan đến trách nhiệm của nhiều đơn vị quản lý hành chính các cấp, như cấp giấy chứng nhận, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, quỹ bảo trì… Tất cả đều ít nhiều tác động đến chất lượng đời sống của cư dân sinh sống tại các chung cư.
Thực tế cho thấy, về một số sai phạm của các chủ đầu tư, Ban quản lý đều chỉ mới dừng lại ở việc xử phạt hành chính. Điều này khiến các chủ đầu tư càng chủ quan, thậm chí cố ý thực hiện để đánh đổi lợi ích khác. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cư dân, mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý về hành chính của địa phương, gây mất đoàn kết, an ninh trật tự trong khu vực chung cư.
Nhiều chuyên gia cho rằng, rất khó để có thể giải quyết hết những mâu thuẫn tại chung cư, thậm chí có nhiều trường hợp người dân và chủ đầu tư không thể ngồi cùng nhau để tháo gỡ. Do vậy, cần phải sử dụng các quy định của pháp luật để giải quyết tranh chấp và xung đột. Khi quyền lợi các bên đều bị ảnh hưởng, thì cần thiết phải áp dụng quy định của pháp luật để tiến hành giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp…
Bỏ ra cả tỷ đồng để mua chung cư, một số nơi người sử dụng chưa được cấp sổ đỏ; một số nơi hư hỏng không được sửa chữa kịp thời; một số nơi xung đột lợi ích sử dụng tầng hầm, khoảng không gian công cộng. Những nhà đầu tư lớn, họ xây chung cư, xây khu đô thị và lập ra những công ty vận hành, khai thác với sự hợp tác, giám sát của cư dân, nên mọi thứ trơn tru. Song không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ, xây xong, thu tiền, bàn giao cho người mua, (chìa khóa trao tay), còn vận hành, khai thác là việc của bên khác, thế là xung đột lợi ích diễn ra. Nếu không có chế tài giải quyết dứt điểm, tương lai của những khu chung cư đang sử dụng sau 10 - 20 năm nữa ra sao?