Mâu thuẫn vì tiền của các học giả Oxford về vaccine Covid-19
Nội bộ Đại học Oxford tại Anh đã dậy sóng vì quyết định của ban lãnh đạo chỉ vài tuần trước khi công bố thương vụ quy mô lớn nhằm phân phối vaccine Covid-19 ra toàn thế giới.
Đằng sau những bước tiến trong việc điều chế vaccine Covid-19 được quảng bá rộng rãi tới công chúng là cuộc đối đầu của hai nhà nghiên cứu vaccine hàng đầu thế giới nhằm đạt được thỏa thuận với Merck & Co. - gã khổng lồ trong ngành dược phẩm của Mỹ.
Theo Wall Street Journal, công ty công nghệ sinh học thuộc sở hữu của các nhà nghiên cứu tại Oxford đã từ chối chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ của loại vaccine Covid-19 mới được phát triển.
Những nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu đã nhờ đến sự giúp đỡ của một ngân hàng đầu tư ở London nhằm tìm kiếm cơ hội mở ra các giao dịch tiềm năng xoay quanh thương vụ vaccine mà đơn vị này phát triển.
"Vào rừng nhưng không đem theo rựa"
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Đại học Oxford là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những kỳ công khoa học chỉ là một phần của cuộc đua vaccine toàn cầu.
Trường đại học danh tiếng cần kết hợp những lý tưởng cao đẹp trong 900 năm bề dày lịch sử hình thành và phát triển, với mục tiêu hướng đến lợi nhuận của ngành dược phẩm.
Các học giả và đồng minh của Đại học Oxford đã gặp nhiều xung đột về quyền kiểm soát đối với chiến lược phân phối vaccine Covid-19 ra thị trường thế giới.
“Chúng tôi vào rừng nhưng không đem theo rựa. Oxford là trường đại học tốt, nhưng cạnh tranh trên thị trường không phải là chuyên môn của chúng tôi”, nhà di truyền học John Bell thuộc Đại học Oxford nói.
Khởi đầu của sự chồng chéo
Vào năm 2016, với sự hỗ trợ về tài chính lẫn chuyên môn của Đại học Oxford, giáo sư vaccine Sarah Gilbert và giáo sư di truyền học Adrian Hill thành lập công ty công nghệ sinh học Vaccitech với mục tiêu thương mại hóa vaccine và phác đồ điều trị phát triển bởi Oxford.
Cổ đông lớn nhất của Vaccitech là Oxford Sciences Innovation, công ty liên doanh thành lập vào năm 2015, được hậu thuẫn bởi trường đại học bên bờ sông Thames và nhận vốn đầu tư hơn 788 triệu USD.
Oxford Sciences Innovation được thành lập với mục tiêu trở thành đối trọng của Đại học Stanford và Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ bằng cách thương mại hóa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm.
Bên cạnh Oxford, Vaccitech cũng có một số cổ đông tư nhân khác. Tuy nhiên, trường đại học giữ vị thế đặc biệt trong hội đồng quản trị của công ty.
Giữa tháng 1, ngay sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố chuỗi gen của SARS-CoV-2, Vaccitech phối hợp với Viện Jenner trực thuộc Đại học Oxford để phát triển vaccine ngừa Covid-19.
Hai đơn vị làm việc song song với mục tiêu đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tăng tỷ lệ thành công.
Những hướng đi riêng
Hai giáo sư Hill và Gilbert, những người cùng sở hữu khoảng 10% cổ phần của Vaccitech, bắt đầu tìm hiểu cách thức phân phối vaccine trên quy mô toàn cầu mà không ký hợp đồng độc quyền với bất kỳ hãng dược lớn nào.
Tuy nhiên, vào tháng 3, đại diện Trevor Mundel của Quỹ Bill & Melinda Gates, nhà tài trợ lâu năm của Oxford khuyên giáo sư John Bell: “Các bạn cần một đối tác hỗ trợ”.
Giáo sư Bell sau đó đã thảo luận với hai đồng sự Hill và Gilbert về xung đột lợi ích giữa Oxford và các đối tác tiềm năng, bắt nguồn từ việc hai giáo sư này sở hữu cổ phần trong Vaccitech.
Việc một số nhà khoa học Oxford vừa đảm nhận vai trò nghiên cứu vừa hướng tới việc thương mại hóa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm đã vấp phải sự chỉ trích từ giới học giả, ngay cả trong khuôn khổ của ngôi trường 900 năm tuổi.
Trường hợp của vaccine Covid-19 đã khiến tình hình căng thẳng leo thang hơn bao giờ hết.
Giáo sư Bell cho biết ông không ủng hộ việc Vaccitech ngồi vào bàn đàm phán về thương vụ nói trên. Ông không tưởng tượng được rằng công ty, với chỉ vài chục nhân viên, có thể điều phối quá trình triển khai vaccine toàn cầu.
Khi chính phủ các nước đẩy mạnh việc phát triển vaccine Covid-19 tiềm năng, nhiều người tại Đại học Oxford lo ngại viễn cảnh các quốc gia đang phát triển không có cơ hội phổ biến việc tiêm chủng cho người dân.
Do đó, Đại học Oxford đồng ý cung cấp vaccine với giá cả phải chăng và không đặt nặng vấn đề thương mại.
Nhưng ban lãnh đạo Oxford đồng thời không muốn trao toàn bộ lợi nhuận cho một số công ty dược phẩm.
Giáo sư Bell cho rằng nếu không thỏa thuận những điều khoản rạch ròi, “mọi người sẽ lại bắt đầu nói: ‘Lạy chúa, thêm một trường đại học Anh nữa có phát minh đáng giá cả đống tiền nhưng họ lại đem tặng nó miễn phí”.
Merck & Co. (gọi tắt là Merck) đề xuất trả 1% tiền bản quyền vaccine cho Đại học Oxford, một phần nhỏ trong số đó sẽ thuộc về Vaccitech.
Theo nguồn tin nội bộ, trong quá trình đàm phán, Merck cam kết sản xuất và điều phối từ 300 triệu đến hơn 1 tỷ liều.
Khi ban lãnh đạo Đại học Oxford thảo luận về đề xuất của Merck, hai giáo sư Hill và Gilbert tỏ ý phản đối, một phần vì lo ngại khả năng hãng dược của Mỹ phân phối vaccine cho các quốc gia kém phát triển.
Vaccitech khẳng định với giáo sư Bell rằng công ty này sẽ không ký nhượng quyền vaccine đối với đề xuất của Merck.
"Khi bữa tiệc chỉ có một cô gái"
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi cuộc đua vaccine ngày càng có xu hướng liên quan đến yếu tố chính trị.
Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin nội bộ cho biết giới chức Anh lo lắng chính quyền Tổng thống Trump sẽ tích trữ toàn bộ số vaccine điều chế được, khiến người dân xứ sở sương mù không thể tiếp cận với thành quả khoa học từ chính quốc gia của họ.
Vào giữa tháng 4, sau khi trao đổi với giới chức y tế Anh, giáo sư Bell hiểu rằng chính phủ không chấp nhận thỏa thuận độc quyền về vaccine Covid-19 với duy nhất một công ty của Mỹ.
Phát ngôn viên của Merck cho biết hãng này đang đàm phán với nhiều đối tác phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2 tiềm năng, đồng thời cam kết phục vụ nhu cầu sức khỏe cộng đồng.
Người đại diện của hãng dược tại Mỹ cũng cho biết những cuộc trao đổi với Đại học Oxford đã chấm dứt vào tháng 4. Trong khi đó, giáo sư Hill và Gilbert từ chối bình luận.
Ngược lại, giáo sư Bell cho rằng Merck là đơn vị đưa ra đề xuất tốt nhất vào thời điểm đó, các đối tác tiềm năng khác đã theo đuổi kế hoạch riêng. “Khi bữa tiệc chỉ có một cô gái, bạn chỉ có thể khiêu vũ với cô gái đó”, ông nói. “Chúng tôi không có nhiều thời gian”.
Sự vào cuộc của AstraZeneca
Lo rằng giáo sư Bell sẽ bắt tay với Merck, hai giáo sư Gilbert và Hill đã tìm đến sự giúp đỡ của những hãng dược khác, thậm chí tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chủ ngân hàng ở London.
Vào giữa tháng 4, các nhà khoa học trình bày chi tiết với ban giám đốc điều hành của AstraZeneca về vaccine Covid-19 phát triển bởi Oxford.
Sau 10 ngày đàm phán, hãng dược đa quốc gia có trụ sở tại Cambridge, Anh, cam kết phân phối vaccine toàn cầu một cách công bằng và với giá cả phải chăng. Chính phủ Anh đã thỏa thuận để trả trước cho số liều vaccine cung cấp bởi công ty này.
Nếu thương vụ thành công, AstraZeneca sẽ thu về lợi nhuận lâu dài song uy tín bị ảnh hưởng nặng nề, Wall Street Journal nhận định.
Tuy nhiên, động thái thỏa thuận với AstraZeneca đã khiến ban giám đốc Vaccitech nảy sinh mâu thuẫn giới lãnh đạo của Đại học Oxford.
Khi quá trình đàm phán đang diễn ra, chủ tịch Oxford Sciences đã gửi một bức thư ngắn yêu cầu các giám đốc điều hành của Vaccitech bám sát quy trình được chỉ định.
Thông qua phát ngôn viên, người đứng đầu Oxford Sciences muốn Vaccitech đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine. “Sau đó, hội đồng quản trị sẽ quyết định những bước đi tiếp theo”.
Chi tiết thỏa thuận của Oxford với AstraZeneca được giữ bí mật. Nhưng một phát ngôn viên của hãng dược khẳng định công ty này sẽ bán hòa vốn khoảng 3 tỷ liều vaccine theo cam kết.
“Chúng tôi cũng đảm bảo duy trì phân phối vaccine không lợi nhuận trong thời gian dài đến những nước có thu nhập trung bình và thấp”, phát ngôn viên của AstraZeneca cho biết.
"Không vì mục tiêu lợi nhuận"
Vào cuối tháng 4, tiến sĩ Menelas Pangalos, trưởng bộ phận nghiên cứu dược phẩm sinh học của AstraZeneca, liên hệ với Vaccitech để tiến hành đàm phán.
Hãng dược đề xuất Vaccitech nhượng quyền cho Oxford để đơn vị này có thể cấp phép độc quyền sản xuất cho các công ty công nghệ sinh học. Đổi lại, AstraZeneca cam kết sẽ tìm cách để hợp tác với Vaccitech.
Các nhà khoa học đứng đầu Vaccitech sau đó đã đồng ý và ký kết thỏa thuận.
Thỏa thuận giữa AstraZeneca và Oxford được công bố vào ngày 3/4. Khoảng 10 triệu USD thanh khoản được trả trước cho trường đại học 900 năm tuổi, kèm theo 80 triệu USD được cam kết chi trả nếu vaccine được đưa vào chương trình tiêm chủng bắt buộc.
Bên cạnh đó, Đại học Oxford cũng sẽ nhận được 6% tiền bản quyền tính trên số liều vaccine bán ra.
Tuy nhiên, số tiền trên dự kiến được dùng để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Vaccine và Phòng dịch mà Oxford và AstraZeneca phối hợp thành lập.
“Oxford tham gia vào cuộc đàm phán không vì mục tiêu lợi nhuận”, giáo sư Bell khẳng định.
Tuy nhiên, ông nói thêm: “Giả sử vaccine Covid-19 được đưa vào chương trình tiêm chủng bắt buộc và tổng doanh thu từ chế phẩm này lên đến hàng tỷ USD mỗi năm, chúng tôi sẽ nghệt người ra, trắng tay và ngồi đó nhìn người ta thu lợi”.