Màu xanh trên vùng hạn mặn
Cuối tháng 3-2020, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, làm cho diện tích trồng sầu riêng của bà con ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại nặng nề.
Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Tiền Giang đã vận chuyển nước ngọt để cứu cây. Từ những chuyến nước ngọt nghĩa tình đó, đến nay diện tích trồng sầu riêng ở địa phương đã phát triển tốt, hứa hẹn một mùa thu hoạch đạt hiệu quả cao.
Gần 6 tháng nay, kể từ ngày được cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Cai Lậy chở nước ngọt tưới cây mà diện tích sầu riêng của ông Phạm Văn Trung ở ấp Mỹ Điền, xã Mỹ Long đã phát triển tốt, nhiều cây đã có trái và cho thu hoạch. “Sầu riêng là cây mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập chính của gia đình chủ yếu từ cây này. Thời điểm hạn mặn, nếu không có nước ngọt kịp thời để cứu cây thì thiệt hại hầu như toàn bộ diện tích mà tôi đã đầu tư nhiều công sức. Tôi rất biết ơn anh em bộ đội đã không quản gian khó để giúp gia đình vượt qua khó khăn”, ông Trung nói.
Còn bà Nguyễn Thị Vân, ở ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên có hơn 1ha sầu riêng cũng rơi vào cảnh cây bị ngù đọt, héo lá, rụng trái trong đợt hạn mặn vừa rồi. Hằng ngày, bà Vân phải mua nước ngọt để tưới cầm chừng cho cây với chi phí gần 1 triệu đồng/ngày. Nhớ lại thời điểm vượt qua khó khăn, bà Vân cho biết: “Tôi sống ở đây mấy chục năm nay, có khi nào gặp hạn mặn như thế này đâu. Năm nay khốc liệt quá, gia đình trở tay không kịp, nhưng nhờ các chú bộ đội chở nước kịp thời mà giờ vườn sầu riêng nhà tôi đã hồi phục nhiều, nếu không có sự giúp đỡ này thì coi như mất trắng. Vườn nhà tôi trồng nhiều lứa sầu riêng nên lấy ngắn nuôi dài, đến mùa là có trái để bán nên thiệt hại cũng ít”.
Xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy là một trong những địa phương có diện tích trồng sầu riêng nhiều nhất huyện, nếu không có sự vào cuộc của các cấp, ngành thì thiệt hại sẽ nặng nề hơn. Ông Bùi Văn Trăn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long cho biết: “Toàn xã có hơn 900ha trồng sầu riêng. Là xã giáp ranh với tỉnh Bến Tre, địa phương bị xâm nhập mặn nghiêm trọng nên chúng tôi luôn chủ động về nước tưới, vận động bà con tích trữ nước trong vườn để sẵn sàng khi có hạn mặn xảy ra. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với LLVT huyện để huy động lực lượng vận chuyển nước giúp bà con bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với các cấp, ngành để có phương án lâu dài chống chọi với hạn mặn; đồng thời hướng dẫn bà con chăm sóc cây, tiết kiệm nước tưới để giảm bớt thiệt hại”.
Là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Cai Lậy luôn sẵn sàng các phương án để giúp nhân dân vượt qua khó khăn. Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Cai Lậy cho biết: “Chúng tôi luôn xem việc phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ SSCĐ trong thời bình. Vì vậy, trong đợt xâm nhập mặn vừa qua, chúng tôi đã giúp người dân trên địa bàn hai xã Mỹ Long và Long Tiên chở nước cứu sầu riêng. Bởi đây là cây có giá trị kinh tế cao, mẫn cảm với nước mặn, nếu không tưới nước ngọt kịp thời thì cây sẽ chết, thiệt hại nặng về kinh tế cho bà con. Nhờ sự chủ động, kịp thời trong giúp dân mà đến nay, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện phát triển rất tốt, sự tin tưởng, tín nhiệm của địa phương và nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện ngày càng được khẳng định”.