Màu xanh ước mơ
Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Đảng, những chàng trai, cô gái phơi phới tuổi đôi mươi hăng hái xông pha tuyến đầu lên khai hoang xây dựng Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng). Trong đoàn quân đó có chàng thanh niên miền biển Nguyễn Văn Vực, từ gian khó đến hôm nay đã dệt màu xanh ước mơ trên mảnh đất mới…

Ông Nguyễn Văn Vực giới thiệu vườn rừng của mình.
Ngồi trong căn nhà hai tầng xây theo kiểu biệt thự nhìn lên rừng quế xanh ngát, bên ấm trà Bát Tiên đậm đà, chủ nhân Nguyễn Văn Vực không giấu được xúc động khi nói về thời gian khó, về tình đất, tình người nơi đây. Cái thời củ khoai, củ sắn san sẻ nuôi nhau mà ấm áp, tình làng nghĩa xóm, người miền xuôi, người miền ngược cùng chung lòng, đoàn kết xây dựng vùng đất mới…
Ông Vực trầm tư kể về những năm tháng trong quân ngũ cũng như khi trở về làm cán bộ quản lý hành chính lao động của nông trường, rồi có thời gian làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch thị trấn Nông trường Phong Hải, biết bao câu chuyện vui buồn. Năm 18 tuổi, cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt, ông Vực xung phong nhập ngũ. Hơn 11 năm trong quân ngũ đã tôi rèn cho ông bản lĩnh, ý chí và nghị lực sống. Là lực lượng của trung đoàn huấn luyện, bước chân ông đã qua những vùng đất khói lửa trong mỗi lần đi giao quân nơi chiến trường. Ông không thể nào quên những chuyến đi giao quân ở Đông Hà - Quảng Trị, ở đường 9 Nam Lào, rồi chiến khu miền Đông Nam Bộ…
Ông Vực tâm sự: Những ngày hành quân chui trong màn khói bom mù mịt, máy bay Mỹ rải thảm chất độc dioxin, những cánh rừng trơ đá. Đi qua mưa bom bão đạn, may mắn cho tôi giữa hoang tàn vẫn còn một chỏm rừng xanh để đơn vị trú chân, nơi ấy đã cứu tôi trong đói khát để sống và trở về. Nỗi ám ảnh chiến tranh găm mãi trong tâm trí tôi về những đồng đội, người còn người mất, người trở về còn mang di chứng của chất độc. Những khu rừng cháy rụi bởi dioxin khiến trong lòng luôn ấp ủ, ước mơ được sống trong màu xanh, ước mơ trả nợ rừng đã cưu mang, che chở.
Câu chuyện cứ trải dài theo năm tháng của người lính già với bao cung bậc vui buồn. Ký ức của người lính năm xưa được gợi mở. Ai đã từng trải qua cuộc chiến mới hiểu được giá trị vĩ đại của hòa bình, độc lập, tự do hun đúc ý chí của con người càng mãnh liệt hơn. Ông bảo: Cuộc đời ngắn lắm, nên sống sao cho có tâm, có đức, có phúc là có phần. Tôi đã bước vào tuổi xưa nay hiếm rồi. Đời người cần ở chữ tín, niềm vui và hạnh phúc, được làm việc mình thích, có ý nghĩa cho đời, cho xã hội. Niềm vui lớn của gia đình là con cháu phương trưởng, học hành, công tác tiến bộ, đó là tài sản lớn nhất của đời người…
Nhìn bước chân ông ngược dốc phăm phăm lên rừng quế, chúng tôi thán phục bởi sức khỏe và cách rèn luyện của ông. Khó có thể tin được cả khu rừng quế 10 héc-ta xanh rì đang khép tán, vi vu gọi nắng gió kia bắt nguồn từ tư duy quyết đoán, mạnh dạn chuyển đổi và do công sức của cựu chiến binh Nguyễn Văn Vực. Không thể ngờ được sức khỏe của người lính già tuổi 70 lại dẻo dai đến thế. Có chăng đó là niềm tin, nuôi dưỡng ý chí và nghị lực tạo lên sức mạnh để thành công. Chúng tôi mải miết vạch lá, vén cành vượt dốc mà men theo lối mòn lên đỉnh khu đồi quế. Bao la bát ngát rừng quế xanh mơn mởn đang bước sang tuổi thứ 5 đầy hứa hẹn, cứ trải dài theo sườn đồi đều tăm tắp.

Ngát xanh rừng quế.
Dưới nắng thu dịu dàng hương thơm của thân, cành quế tỏa thơm thật dễ chịu. Đến một cái cây lớn, bóng râm xòe tán, ông dừng chân khoát tay một vòng giới thiệu vùng “tài nguyên” tác phẩm ước mơ của mình. Biết bao mồ hôi, công sức bấy lâu nay đã đổ ra đất cằn sỏi đá để vẽ lên màu xanh yêu thương này. Ông cho biết: Toàn bộ khu rừng này khoảng 10 héc-ta trước kia là khu đồi hoang hóa sỏi đá, rừng tạp. Sau khi quy về một mối, ông đã cho thanh lý vườn rừng. Toàn bộ số tiền bán vườn cây được hơn 300 triệu đồng, cộng với vốn liếng gia đình có bao nhiêu ông đổ vào san ủi, cải tạo độ dốc và đầu tư trồng quế.
Câu chuyện chuyển đổi cây trồng của ông là cả một quyết tâm lớn, bởi ai cũng gàn, bảo ông tuổi cao, sức yếu, hãy nghỉ ngơi. Song, với tinh thần quyết đoán, cựu chiến binh Nguyễn Văn Vực không thay đổi ý chí. Dự án trồng quế đã được ông khảo sát, tính toán chi ly, bài bản. Trước khi bắt tay vào làm, ông đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi như Xuân Quang, Sơn Hải, Sơn Hà…
Biến khát vọng, ước mơ thành hiện thực, toàn bộ khu rừng quế của gia đình ông với mật độ đảm bảo tiêu chuẩn, giống do ông trực tiếp ươm, trồng. Làm phép tính sơ sơ mỗi héc-ta quế khi đủ tuổi cho gia đình ông nguồn thu 600 triệu đồng (thời giá hiện tại), vậy 10 héc-ta… đương nhiên ông là tỷ phú! Chưa kể hằng năm, ông tỉa cành bán nguyên liệu cho các lò chưng cất tinh dầu. Ông còn nguồn thu từ vườn ươm cây giống, chăn nuôi gà, vịt…
Giờ đây, ngồi nhâm nhi chén trà ngát hương cùng những người bạn năm xưa nghĩ về những năm tháng cuộc đời, ông Nguyễn Văn Vực biết rằng quyết tâm, tính kiên trì của mình là đúng...
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349621-mau-xanh-uoc-mo