Máy bay bị sét đánh khi đang bay, có đáng lo?

Thực tế, máy bay bị sét đánh không phải là chuyện hiếm, nếu không nói là bình thường của ngành hàng không.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều người hẳn chưa hết bàng hoàng sau thông tin một thợ máy của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) bị sét đánh dẫn đến tử vong khi đang làm việc tại sân bay Nội Bài.

Sét đã đánh trúng máy bay và dòng diện đã truyền xuống nam nhân viên xấu số khi anh này đang dùng tai của điện thoại nội bộ nối với máy bay để liên lạc với tổ bay.

Câu hỏi đặt ra là sẽ như thế nào nếu máy bay đang bay trên trời và bị sét đánh trúng? Thực tế, đây không phải là chuyện hiếm, nếu không nói là bình thường của ngành hàng không. Hay nói cách khác, do môi trường hoạt động nên chuyện này cũng thường xuyên xảy ra. Tàu bay có thể bị sét đánh khi đang bay, khi đang tiếp cận hạ cánh và cả khi đang đậu dưới đất.

Báo Giao thông cũng đã từng thông tin về việc chiếc Boeing 787-9 của Vietnam Airlines khi đang thực hiện chuyến bay VN248 từ TP HCM ra Hà Nội thì bị sét đánh khi đang tiếp cận hạ cánh. Dấu vết bị sét đánh còn nằm rải rác trên thân tàu bay.

Một nhân viên kỹ thuật tàu bay chia sẻ, máy bay khi chế tạo đã có chức năng chịu được những cú sét đánh. Vỏ máy bay được làm chủ yếu bằng nhôm, một chất liệu dẫn điện rất tốt, hoàn toàn không có khe hở. Do vậy, khi bị sét đánh, dòng điện sẽ chỉ di chuyển dọc theo lớp vỏ ngoài của máy bay mà không gây ảnh hưởng gì đến bên trong.

Đặc biệt, hệ thống nhiên liệu gồm khoang chứa, ống dẫn, đường cấp, nắp đậy được thiết kế và chế tạo để không một tia lửa nhỏ nào có thể bùng phát trong trường hợp bị sét đánh trúng. Phần vỏ máy bay bên ngoài khoang chứa xăng phải đủ dày để không bị cháy thủng. Phần mũi hình chóp nón chứa rađa cũng được thiết kế có các dải phân tán sét...

Máy bay hiện đại được sản xuất từ hỗn hợp carbon nhẹ phủ một lớp đồng dày để cách điện cho không gian bên trong. Các mẫu máy bay của dòng Dreamliner của Boeing và Airbus A350 đều có thiết kế này.

Các máy bay thương mại hiện đại ngày nay đều được thiết kế để thích nghi tốt với trường hợp sét đánh. Lớp vỏ ngoài của máy bay chủ yếu làm bằng nhôm. Đây là chất dẫn điện rất tốt. Khi sét đánh vào máy bay, dòng điện sẽ đi qua lớp vỏ ngoài và không đi vào bên trong. Cuối cùng, nó sẽ thoát ra ở một bộ phận khác, chẳng hạn như phần đuôi của máy bay. Chính vì cơ chế này, máy bay và hành khách bên trong vẫn được an toàn.

“Không có gì phải lo lắng nếu tàu bay chẳng may bị sét đánh bởi máy bay được chế tạo khi gặp nguồn điện truyền vào thì sẽ phóng ngược trở ra nên không nguy hại đến hệ thống điện tử bên trong”, nhân viên nói trên khẳng định.

Ngân Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/may-bay-bi-set-danh-khi-dang-bay-co-dang-lo-d481144.html