Máy bay bốc cháy ở Nhật Bản, chuyện gì đã xảy ra?
Vụ việc một máy bay chở khách va chạm với máy bay cứu trợ động đất và bốc cháy trên đường băng tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo khiến 5 người thiệt mạng đã dấy lên lo ngại về các quy định an toàn bay ở một trong những nước có quy định kiểm soát không lưu nghiêm ngặt nhất thế giới.
Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng
Ngay sau khi hứng chịu thảm kịch sau trận động đất vào ngày đầu năm mới, khiến hàng chục người thiệt mạng cùng hàng loạt cảnh báo về dư chấn, Nhật Bản tiếp tục phải đối mặt với một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại một trong những sân bay đông đúc nhất nước này.
Máy bay chở khách của Japan Airlines đang hạ cánh trên đường băng C tại sân bay Haneda, thì va chạm với máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tới một căn cứ ở tỉnh Niigata, hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Chiếc máy bay Airbus A350-900 bốc cháy lúc 5:46 chiều giờ địa phương. Video cho thấy một quả cầu lửa khổng lồ khi máy bay bốc cháy, để lại vệt lửa trên đường băng.
Sau khi ngọn lửa bùng phát, những hành khách sử dụng cầu trượt khẩn cấp để thoát nạn, trong khi lực lượng cứu hỏa cố gắng chống chọi với ngọn lửa ngày càng lớn. NHK đưa tin, hơn 100 xe cứu hỏa đã được điều động để ứng phó với vụ tai nạn.
Theo hãng hàng không Japan Airlines, tất cả 379 người trên chuyến bay JAL 516, trong đó có 8 trẻ em dưới 2 tuổi, đã được sơ tán an toàn khỏi máy bay chở khách. Tuy nhiên, trong số 6 người trên máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, 5 thành viên phi hành đoàn được phát hiện đã thiệt mạng, trong khi phi công Genki Miyamoto đã kịp thoát ra khỏi máy bay và bị thương nặng.
Anh Guy Maestre, một hành khách đến từ Philadelphia (Mỹ) – người đang ở trên một chiếc máy bay lân cận vào thời điểm xảy ra vụ việc, cho biết đã nghe thấy một “tiếng nổ lớn”.
“Tôi đã hy vọng mọi người sẽ được an toàn,” anh Maestre nói với hãng tin CNN và nói thêm rằng “thật sốc khi chứng kiến điều đó”.
“Tôi đang ở trên một chiếc máy bay khác, ngồi ở ghế gần cửa sổ – chúng tôi đang chuẩn bị cất cánh thì nghe thấy một tiếng nổ lớn. Chúng tôi nhìn từ cửa sổ và thấy một vệt lửa lớn chạy dọc đường băng. Ngọn lửa ngày càng bốc cao sau đó chúng tôi nhìn thấy xe cứu hỏa đi qua đường băng.”
Cựu phi công Roger Whitefield nói với Sky News: “Chúng tôi vừa chứng kiến một điều kỳ diệu”. "Cách họ đưa tất cả hành khách ra khỏi chiếc máy bay đó gần như không thể tin được."
Nguyên nhân gây ra vụ va chạm
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết họ đang điều tra vụ va chạm. Tuy nhiên, theo hãng tin Sky News, ở giai đoạn này, vẫn còn quá sớm để xác định chính xác lý do tại sao máy bay chở khách lại đâm vào máy bay nhỏ hơn khi nó hạ cánh.
Ông Atkinson - một nhà điều tra tai nạn hàng không cho biết một sân bay đông đúc vào buổi tối là "môi trường rất thách thức về mặt thị giác" đối với tất cả mọi người liên quan - từ kiểm soát viên không lưu đến phi công và người điều khiển phương tiện - với rất nhiều ánh sáng đủ màu sắc khác nhau, một số trong đó còn đang nhấp nháy".
Ông nói: “Khi một người tiếp cận đường băng vào ban đêm, thường rất khó nhận ra những dấu hiệu nhỏ đó, chẳng hạn như một chiếc máy bay tương đối nhỏ”.
Ông Atkinson cho biết các nhà điều tra tai nạn sẽ xem xét lý do tại sao hai chiếc máy bay lại ở cùng một địa điểm và liệu chúng có ở đúng nơi đáng lẽ phải đến hay không.
Flight Radar 24 - trang web chuyên theo dõi các chuyến bay trên khắp thế giới, đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ va chạm, cho biết máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển không được trang bị bộ tiếp sóng ADS-B hiện đại.
Bộ tiếp sóng ADS-B được sử dụng để truyền thông tin có độ chính xác cao về vị trí của máy bay tới bộ điều khiển mặt đất và trực tiếp tới các máy bay khác. Bộ tiếp sóng ADS-B cũng có độ chính xác cao hơn so với sử dụng radar giám sát thông thường.
Những người sống sót đã nói gì?
Một hành khách đã đăng tải cảnh quay từ bên trong máy bay của Japan Airlines khi nó lao xuống đường băng. Một số hành khách đã không giấu nổi cảm xúc sau khi thoát nạn.
Anton Deibe, 17 tuổi, người Thụy Điển, nói với tờ Aftonbladet (Thụy Điển) rằng "toàn bộ cabin ngập trong khói chỉ trong vài phút".
Anh Anton Deibe kể: “Chúng tôi ngã xuống sàn. Sau đó, cửa thoát hiểm mở ra và chúng tôi lao ra.”
"Khói trong cabin bốc mùi kinh khủng. Đó là địa ngục. Chúng tôi không biết mình sẽ đi đâu nên chỉ chạy ra ngoài cánh đồng. Mọi thứ thật hỗn loạn."
Anh Deibe cho biết anh đang đi du lịch cùng bố mẹ và chị gái.
Một hành khách khác nói với tờ Kyodo (Nhật Bản): “Tôi cảm thấy một tiếng nổ như thể chúng tôi đã va phải thứ gì đó và rung rất mạnh ngay khi hạ cánh”. "Tôi nhìn thấy những tia lửa bên ngoài cửa sổ và cabin đầy xăng và khói."
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Tetsuo Saito thông báo đã mở một cuộc điều tra. Hiên bộ này vẫn đang trong quá trình xác minh quá trình liên lạc thông tin điều khiển chuyến bay giữa máy bay JAL 516, máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển và kiểm soát viên không lưu. Cơ quan hàng không Pháp cũng cử các nhà điều tra riêng tới Tokyo để điều tra vụ va chạm.
Ông Yoshitomo Aoki, nhà phân tích hàng không cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghe nói về một vụ va chạm lớn như vậy tại một sân bay ở Nhật Bản”. “Hệ thống kiểm soát không lưu của thế giới được thiết kế để ngăn ngừa tai nạn, miễn là nhân viên kiểm soát không lưu tại các sân bay đưa ra hướng dẫn chính xác và phi công tuân theo chúng.”
Trong khi đó, hãng hàng không Japan Airlines tuyên bố sẽ tích cực phối hợp để xác định ai chịu trách nhiệm về vụ tai nạn chết người. Trong một tuyên bố, Japan Airlines cho biết phi hành đoàn của họ đã được cơ quan kiểm soát không lưu cho phép hạ cánh trước khi vụ va chạm xảy ra. Đoạn ghi âm từ LiveATC.net – hãng chuyên ghi lại các trao đổi của kiểm soát không lưu trên toàn thế giới – cho thấy phi hành đoàn dường như đọc lại lệnh chuẩn bị vào đường băng 34, sau khi được phép hạ cánh ở đường băng này.
Japan Airlines cho biết: “Theo các cuộc phỏng vấn với tổ điều hành, họ đã thừa nhận có sự cho phép hạ cánh từ kiểm soát không lưu, sau đó tiến hành các thủ tục tiếp cận và hạ cánh”.
Tất cả bốn đường băng của sân bay Haneda đã mở lại, ngoài trừ đường băng C – nơi xảy ra vụ hỏa hoạn. Vụ việc xảy ra vào một trong những thời điểm du lịch bận rộn nhất trong năm, với hàng triệu người Nhật Bản đến và đi từ quê hương của họ vào dịp nghỉ lễ đầu năm mới.
Haneda là sân bay bận rộn nhất Nhật Bản, phục vụ gần 90 triệu hành khách vào năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát. San bay này có nhiều hãng hàng không lớn nhỏ hoạt động, trong đó có Japan Airlines và All Nippon Airways.
Ngành hàng không Nhật Bản thường xuyên nằm trong nhóm có thành tích an toàn cao, không có sự cố chết người nào liên quan đến máy bay thương mại. Vụ va chạm gây hỏa hoạn hôm 2/1 là sự cố nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, đồng thời cũng là vụ việc đầu tiên liên quan đến máy bay Airbus A350, được đưa vào sử dụng từ năm 2015.
(Nguồn: Reuters, CNN, Sky News, Japan Times)
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/may-bay-boc-chay-o-nhat-ban-chuyen-gi-da-xay-ra-212164.htm