Máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Nga hạ cánh khẩn cấp vì lỗi động cơ
Ngày 26/2, một chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Rossiya Airlines đã phải hạ cánh khẩn cấp tại thủ đô Moskva của Nga do lỗi động cơ. Đây là sự cố thứ hai với máy bay Boeing 777 trong vòng 5 ngày qua.
Máy bay Boeing 777 của hãng hãng không Rossiya Airlines gặp sự cố vào khoảng 4h44 sáng (giờ Moscow) khi đang trên hành trình vận chuyển hàng hóa từ Hong Kong (Trung Quốc) đi Madrid (Tây Ban Nha).
Thông báo của hãng hàng không trên nêu rõ sau khi phát hiện một lỗi cảm biếm kiểm soát động cơ, phi hành đoàn đã quyết định hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Moscow.
Đây là sự cố thứ hai liên quan đến máy bay Boeing 777 trpng vòng 5 ngày qua. Trước đó, ngày 20/2, một chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không United Airlines chở 231 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn đã bị hỏng động cơ không lâu sau khi cất cánh từ sân bay Denver, bang Colorado (Mỹ), trong hành trình đến Honolulu (Hawaii).
Chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không United Airlines bốc cháy hôm 20/2.
Ảnh: Reuters
Dù bị hỏng động cơ bên phải, vỏ ngoài động cơ gần như mất hết, chiếc máy bay vẫn hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Denver. Thậm chí nhiều mảnh vỡ từ chiếc máy bay còn được tìm thấy ở khu vực dân cư lân cận.
Vỏ động cơ chiếc Boeing 777-200 rơi xuống khu vực nhà dân - Ảnh: Cảnh sát Broomfield
Cảnh sát thành phố Broomfield, Colorado, đã chia sẻ hình ảnh chụp lại các mảnh vỡ từ chiếc Boeing 777-200. Một vài đoạn phim cũng ghi lại cảnh khói đen và lửa bốc lên từ động cơ của chiếc máy bay này.
Đánh giá sơ bộ của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cho thấy hiện tượng kim loại giảm độ bền được xem là nguyên nhân khiến cánh quạt trong động cơ Pratt &Whitney 4000 (PW4000) bị hỏng.
Động cơ chiếc Boeing 777-200, chuyến bay mang số hiệu 328 của United Airlines, bốc cháy trên không - Nguồn: 9NEWS
Ngay sau sự cố ở Denver, Boeing cho biết toàn bộ 128 máy bay Boeing 777 trang bị động cơ Pratt & Whitney trên toàn thế giới đã bị tạm dừng khai thác.
Tương tự, nhiều hãng hàng không của Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cũng đã quyết định tạm ngừng hoặc hạn chế sử dụng dòng máy bay này.