Máy bay chiến đấu Su-57 đã được thử nghiệm khả năng 'robot bay'

Tập đoàn chế tạo hàng không Nga Sukhoi cho biết, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 vừa tiến hành một vụ bay thử đặc biệt để kiểm tra khả năng vận hành của chế độ không người lái trên máy bay. Cùng với thông tin trên, Sukhoi cũng hé lộ nhiều thông tin thú vị về quá trình phát triển dòng máy bay chiến đấu tiên tiến này.

“Một nguyên mẫu thử nghiệm bay T-50 (Su-57) đã được thử nghiệm chế độ bay không người lái. Trong thời gian diễn ra chuyến bay thử nghiệm, phi công vẫn ngồi trong cabin, nhưng chỉ theo dõi các thông số của máy bay, còn toàn bộ việc điều khiển do hệ thống máy tính trên khoang thực hiện”, nguồn tin từ Sukhoi cho biết.

 Máy bay Su-57 bay biểu diễn tại MAKS-2019. Ảnh: THU HIỀN.

Máy bay Su-57 bay biểu diễn tại MAKS-2019. Ảnh: THU HIỀN.

Trước đó, trong thông tin công khai về máy bay Su-57, Sukhoi đã công bố về hệ thống máy tính hàng không mới với tên gọi “Hệ thống tích hợp các module hàng không quân sự” – IMA BK hay ePilot với chức năng hỗ trợ phi công trong các nhiệm vụ chiến đấu. Theo đó, ePilot giúp tối giản hoặc giúp điều khiển một phần chức năng của máy bay để phi công có nhiều thời gian và sự tập trung dành cho các nhiệm vụ chiến đấu. Tuy nhiên, từ khi Su-57 ra mắt, rất ít thông tin về hệ thống ePilot được công bố.

Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, để tự động bay mà không có sự can thiệp của phi công, hệ thống điện tử trên khoang của Su-57 phải được tích hợp công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI). Quá trình điều khiển máy bay gồm hàng loạt các thuật toán và thông số hàng không phức tạp khiến máy tính phải có khả năng tự học và tự làm quen để tự điều khiển máy bay kể cả đối với các bài bay đơn giản nhất.

Việc nguyên mẫu T-50 thử nghiệm công nghệ bay tự động mới có thể là tiền đề cho phiên bản không người lái của máy bay Su-57 và hoàn thiện các công nghệ có thể được sử dụng trên dòng máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp. Hiện tại, nhiều quốc gia đang theo đuổi công nghệ AI tự động điều khiển phương tiện chiến đấu, trong đó có máy bay quân sự, nhưng phần lớn chỉ được áp dụng trên các thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ, điều khiển đơn giản và chi phí thấp.

 Việc mở rộng áp dụng công nghệ ePilot có thể tạo ra hướng phát triển mới cho các dòng máy bay chiến đấu tương lai. Ảnh: THU HIỀN.

Việc mở rộng áp dụng công nghệ ePilot có thể tạo ra hướng phát triển mới cho các dòng máy bay chiến đấu tương lai. Ảnh: THU HIỀN.

Liên quan tới máy bay Su-57, Tập đoàn Sukhoi cho biết, tên gọi của dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 này có ý nghĩa đặc biệt. Cụm từ Su được biểu thị cho hãng chế tạo Sukhoi; số 5 được biểu thị cho thế hệ của dòng máy bay chiến đấu này và số 7 được coi con số may mắn của Tổ hợp thiết kế Sukhoi từ trước tới nay.

Tính tới thời điểm hiện tại đã có 13 máy bay Su-57 và các nguyên mẫu T-50 được chế tạo. Chúng đã được bàn giao cho Không quân Nga. Trong tương lai, Không quân Nga dự kiến sẽ đưa vào trang bị không dưới 100 máy bay Su-57 tới cuối thập kỷ này. Cùng với đó, Nga cũng đang tính tới khả năng xuất khẩu dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này khi biến thể xuất khẩu Su-57E đã được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không quốc tế MAKS-2019.

TUẤN SƠN (theo Armtrade)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/may-bay-chien-dau-su-57-da-duoc-thu-nghiem-kha-nang-robot-bay-618115