Máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Nhật Bản ngay khi mới chỉ tồn tại ở dạng ý tưởng đã phải nhận về những ý kiến đánh giá không mấy tích cực từ phía truyền thông Nga.
Bất chấp việc Nhật Bản đạt được tương đối ít tiến bộ trong việc phát triển máy bay quân sự, quốc gia này vẫn quyết định hướng tới việc tạo ra một chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của riêng mình.
Theo các chuyên gia quân sự và nhà phân tích kỹ thuật đến từ Nga, hình ảnh chiếc máy bay chiến đấu Nhật Bản khá gợi nhớ đến tiêm kích đánh chặn hạng nặng Tu-128 của Liên Xô.
Chiếc chiến đấu cơ với kích thước lớn như máy bay ném bom này từng phục vụ trong biên chế Không quân Liên Xô khoảng 30 năm và được coi là một phương tiện tác chiến đầy hứa hẹn.
Cần nhấn mạnh việc Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố trên trang web chính thức của mình một bản đồ họa có ghi chú thông tin về máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu mới nhất, họ cho rằng đây hoàn toàn là thành quả nghiên cứu của riêng mình.
Chính vì lý do này mà phía Nga đã tập trung chú ý đến một số đặc điểm mà họ cho là tương đồng giữa thiết kế của máy bay chiến đấu Nhật Bản với bề ngoài của tiêm kích đánh chặn Tu-128.
Truyền thông Nga khẳng định, trong khi tiêm kích thế hệ 6 của Nhật Bản còn chưa định hình rõ ràng thì Tu-128 đã được phát triển từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước và chỉ được rút khỏi thành phần tác chiến vào năm 1990.
Báo chí Nga nhấn mạnh, trong các bức ảnh được giới thiệu, có thể so sánh thiết kế của cả hai máy bay chiến đấu, mặc dù tồn tại khác biệt giữa hai phi cơ nói trên nhưng sự tương đồng giữa chúng lớn hơn nhiều.
Ngoài ra dựa trên các thông số được trình bày, hóa ra máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Nhật Bản gần như khớp chính xác với Tu-128 của Liên Xô, điều này càng làm dấy lên nghi ngờ rằng tiêm kích Liên Xô đã được lấy làm cơ sở.
Vậy những nhận xét nói trên từ phía Nga về phương tiện tác chiến mới đang được Tokyo phát triển có thực sự chính xác, hay đây chỉ là động thái nhằm hạ thấp đối thủ?
Theo nhiều nhà phân tích độc lập, nhận xét từ báo chí Nga rõ ràng quá phiến diện, không biết họ căn cứ vào đâu để nói rằng Tu-128 có nhiều nét tương đồng với tiêm kích thế hệ 6 do Nhật Bản phát triển.
Hai chiếc máy bay rõ ràng khác biệt hoàn toàn về số lượng cũng như cách bố trí cánh đuôi đứng, máy bay của Nhật Bản thậm chí còn không có cánh đuôi ngang, vị trí cửa hút gió cho động cơ cũng chẳng có điểm chung nào, cấu tạo sống lưng còn khác xa nhau nhiều nữa.
Các chuyên gia độc lập khẳng định cáo buộc tiêm kích tàng hình của Nhật Bản sao chép Tu-128 rõ ràng rất phi lý, điều gây thắc mắc chỉ là chưa rõ tại sao Tokyo gọi loại phi cơ đang được phát triển là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.
Để phân loại tiêm kích thế hệ 6 thì yếu tố đầu tiên là phải không có người lái, hoặc nó phải có phiên bản không người lái song song với máy bay có người lái, trong khi tiêm kích của Nhật Bản vẫn yêu cầu phi công phải điều khiển hoàn toàn.
Bạch Dương