Máy bay 'đắp chiếu' la liệt tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất
Các hãng hàng không Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của ngành do dịch COVID-19. Tới nay, có khoảng 200 tàu bay của các hãng phải dừng khai thác nằm đỗ tại các sân bay, trong đó tập trung nhiều nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Nội Bài (Hà Nội).
Trong số gần 200 chiếc tàu bay chở khách mang quốc tịch Việt Nam “đắp chiếu” (không kể đội thủy phi cơ của hàng không Hải Âu), Vietnam Airlines (VNA) có 106 chiếc, Vietjet Air có 80 chiếc, Bamboo Airways có 22 chiếc, Jetstar Pacific cũng gần 20 chiếc. Do dịch COVID-19, chỉ còn lại 8 chuyến bay mỗi ngày được các hãng chia nhau khai thác tuyến Hà Nội - Đà Nẵng - TPHCM.
Riêng tại Nội Bài, hiện có khoảng 90 tàu bay nằm sân, đơn vị quản lý cảng phải tận dụng mọi vị trí có thể để xếp tàu bay, thậm chí cả xưởng sửa chữa, đường lăn. Phí sân đỗ các hãng phải trả khoảng 13 triệu đồng/chiếc/tháng; chi phí thuê bình quân cho 1 tàu bay thân rộng (A350, B787) khoảng 1 triệu USD/tháng, thuê tàu bay thân hẹp (A320/321) khoảng 350.000 USD/tháng, chưa kể chi phí nhân sự. Tàu bay không được khai thác, dòng tiền thu về không có đang bào mòn tài chính của các hãng hàng không Việt.
Trong thư mới nhất gửi cán bộ, công nhân viên của mình, Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành chia sẻ, trong suốt lịch sử của hãng, chưa bao giờ phải đột ngột dừng gần như toàn bộ hoạt động của gần 100 máy bay hiện có. Dự kiến, năm 2020, doanh thu VNA sẽ giảm khoảng 50.000 tỷ đồng (giảm 65% so với kế hoạch năm). Để ứng phó với giai đoạn khó khăn này, VNA sẽ: Tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế; hơn 50% người lao động sẽ phải ngừng việc; toàn bộ người lao động phải giảm lương, cán bộ từ cấp Ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
Tháng 3 vừa qua, Cục Hàng không dự tính các hãng hàng không Việt Nam thiệt hại khoảng 30.000 tỷ đồng do dịch COVID-19. Tuy nhiên, thực tế thiệt hại của các hãng hàng không Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều.