'Máy bay do thám Mỹ hoạt động tại Biển Đông nhiều gấp đôi tháng 5-2020'
Theo tổ chức SCSPI, Mỹ đã thực hiện 72 chuyến bay do thám trên Biển Đông vào tháng 5, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Tờ South China Morning Post dẫn báo cáo của "Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông" (SCSPI) – tổ chức tư vấn thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc – ngày 3-6 cho biết Mỹ đã thực hiện 72 chuyến bay do thám trên Biển Đông vào tháng 5, duy trì sự hiện diện thường xuyên trên các vùng biển tại khu vực.
Trong báo cáo tóm tắt hàng tháng được xuất bản ngày 3-6, SCSPI cho biết đã ghi nhận sự gia tăng nhẹ hàng tháng trong các hoạt động bay do thám của Mỹ gần bờ biển Trung Quốc trong tháng 5, từ mức 65 chuyến bay được ghi nhận hồi tháng 4.
Theo báo cáo, con số này là một "sự gia tăng rất lớn so với cùng kỳ năm 2020, khi chỉ là 35 (chuyến bay)".
Trước đó, SCSPI đã báo cáo tần suất hoạt động “kỷ lục” của máy bay do thám Mỹ trên Biển Đông, với 70 chuyến bay vào tháng 1 và 75 chuyến bay vào tháng 2.
Tổ chức này cũng cho biết hải quân Mỹ đã tiến hành 57 trong số 72 lần xuất kích trong tháng 5, và phần còn lại là của không quân Mỹ.
South China Morning Post dẫn lời nhà bình luận quân sự Song Zhongping nhận định các chuyến bay do thám của Mỹ trên Biển Đông "đang trở nên bình thường hơn".
Theo báo cáo của SCSPI, khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Curtis Wilbur hồi tháng 5 đi qua eo biển Đài Loan, máy bay tuần tra và trinh sát chống tàu ngầm của Mỹ cùng một máy bay do thám đã bay trên Biển Đông. SCSPI nhận định máy bay "có thể cung cấp hỗ trợ tình báo cho tàu chiến".
Bắc Kinh đã gọi động thái quá cảnh trên của tàu khu trục Mỹ là một “hành động khiêu khích”, tuyên bố rằng điều này đã gửi “tín hiệu sai” tới những bên ủng hộ Đài Loan độc lập.
Hồi tháng 5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường các hoạt động do thám gần bờ biển Trung Quốc.
Theo cơ quan này, các hoạt động của Mỹ đã “tăng hơn 20% đối với tàu chiến Mỹ và 40% đối với máy bay trong và xung quanh vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền, so với cùng kỳ năm 2020 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump”.
Hồi tháng 4, trong bài phát biểu đầu tiên tại Quốc hội, ông Biden đã tuyên bố coi mối quan hệ Mỹ-Trung như một trận chiến về các công nghệ mang tính thế kỷ và cam kết sẽ “duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Biden nhấn mạnh điều này “không nhằm kích động xung đột, mà nhằm ngăn chặn xung đột”.
Tuần trước, Trung Quốc cho biết Mỹ nên thể hiện "sự chân thành" về việc cải thiện liên lạc giữa quân đội hai bên.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ tiến hành cuộc đàm phán, thể hiện sự chân thành và thỏa hiệp với phía Trung Quốc nhằm tăng cường đối thoại và liên lạc cũng như quản lý các tranh chấp một cách hợp lý” - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei cho biết.