Từ nhiều năm nay, loại máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không tiêu chuẩn của không quân các quốc gia Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO là chiếc E-3 Sentry do Mỹ sản xuất.
Được phát triển từ khung thân máy bay chở khách Boeing 707, chiếc E-3 Sentry AWACS chính thức ra mắt vào năm 1977 và đã hoạt động miệt mài hơn trong suốt hơn 40 năm qua.
E-3 Sentry nổi bật với chiếc đĩa quay lớn trên lưng, đó chính là radar mảng pha quét thụ động AN/APY-1/2 có tầm trinh sát lên tới 650 km, nó được ví như một trạm kiểm soát không lưu biết bay cực kỳ tin cậy.
Mới đây có thông tin cho biết NATO đã quyết định gửi 2 chiếc AWACS E-3 Sentry tới Lithuania, chúng sẽ đóng tại sân bay quốc tế Siauliai và thực hiện nhiệm vụ "giám sát hoạt động quân sự của Nga gần biên giới Liên minh".
Theo thông tin chính thức, tổng cộng 2 máy bay E-3 Sentry sẽ tham gia vào nhiệm vụ này, giới phân tích nhận xét việc NATO thực hiện động thái quân sự ở các nước vùng Baltic gần sát biên giới Liên bang Nga là điều vô cùng bất thường.
Thông lệ cho biết, máy bay AWACA E-3 Sentry khi làm nhiệm vụ tuần tra không phận, đặc biệt là khu vực gần biên giới Ukraine, thường xuất phát từ Đức để thực hiện vai trò phát hiện mục tiêu trên không trong vòng 12 giờ.
Tình huống khi một chiếc máy bay như vậy được đặt quá gần biên giới chỉ có thể mang một ý nghĩa duy nhất - nhìn sâu hơn vào trong lãnh thổ Nga và tiết kiệm thời gian cho chuyến bay. Về "tầm nhìn", radar AN/APY-1 trên chiếc E-3 Sentry có tầm hoạt động 375 km.
Mặc dù vậy, thông số chính thức do Không quân Mỹ cung cấp ở trên chỉ là mức tối thiểu khi theo dõi các mục tiêu có độ cao thấp, kích thước nhỏ. Với những đối tượng cỡ lớn và bay cao như máy bay ném bom, cự ly phát hiện của chiếc AWACS sẽ lên đến 650 km.
Như vậy, phạm vi này hoàn toàn đủ để bao phủ toàn bộ không phận của các nước Baltic và Phần Lan ở xa, cũng như các vùng Arkhangelsk, Tver và Bryansk của Nga.
Hiện tại Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra phản ứng chính thức trước hành động quân sự được Mỹ thực hiện, nhưng rõ ràng Moskva chẳng cảm thấy vui vẻ gì khi mọi hoạt động của mình đều bị đối phương giám sát.
Vấn đề nữa cần phải nhắc đến đó là tuy vẫn hoạt động tốt nhưng do khung thân quá cao tuổi đã dẫn tới việc NATO phải đi tìm ứng viên thay thế cho E-3, sau nhiều vòng đánh giá cuối cùng họ đã chọn chiếc E-7 (hay còn được gọi là E-737 hoặc Boeing 737 AEW&C).
Nguồn gốc của Boeing 737 AEW&C xuất phát từ dự án Wedgetail, khi Không quân Hoàng gia Australia đặt ra yêu cầu dành cho một máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không thế hệ mới.
Tập đoàn Boeing đã giành chiến thắng với nguyên mẫu E-737 được chế tạo dựa trên khung thân Boeing 737 Next Generation, phiên bản tương tự với 737-700ER.
E-737 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2004 và được giới thiệu trong năm 2009, đặc trưng của nó là radar mảng pha quét điện tử đa năng (MESA) hoạt động trên băng tần L (1 - 2 GHz) của Northrop Grumman, có dạng tấm phẳng thay vì đĩa quay như trên E-3 Sentry.
Mặc dù tầm hoạt động của radar không lớn hơn E-3 nhưng chiếc E-7 lại tin cậy và có độ chính xác cao, bên cạnh đó xử lý được khối lượng dữ liệu lớn hơn trong thời gian ngắn, không chỉ có vậy chi phi giờ bay cũng được tiết kiệm đáng kể.