Máy bay Israel lần đầu tiên bị S-300 bắn 'cảnh cáo' ở Syria sau khi Tel Aviv hỗ trợ Ukraine
Vụ phóng tên lửa S-300 của Syria nhằm vào máy bay chiến đấu của Israel diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva và Tel Aviv gia tăng về vấn đề Ukraine. Israel gần đây đã bắt đầu gửi một số hỗ trợ cho Kiev.
Theo trang The Drive, một tổ hợp S-300 tại Syria được cho là đã phóng ít nhất một tên lửa đất đối không nhằm vào máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Israel vào cuối tuần trước. Đây là trường hợp rõ ràng đầu tiên tên lửa S-300 do Nga sản xuất bắn vào máy bay Israel đang không kích ở Syria, kể từ khi Moskva tuyên bố trang bị cho Damascus các hệ thống phòng không này vào năm 2018.
Vụ việc phá vỡ thông lệ
Hiện chưa rõ chính xác bên nào đang vận hành các hệ thống S-300 ở Syria. Được biết, Nga đang hoặc ít nhất đã từng kiểm soát việc phóng tên lửa từ các khẩu đội S-300 của quân đội Syria. Do đó, cả những khẩu đội S-300 của Syria cũng như hệ thống S-400 và S-300 của lực lượng Nga đặt tại căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân Khmeimim gần Latakia (Syria) đều chưa một lần nhắm hỏa lực vào các máy bay chiến đấu Israel.
Kênh 13 của truyền hình Israel ngày 16/5 đưa tin rằng, các khẩu đội S-300 SAM “của Nga” đã bắn tên lửa nhằm vào máy bay chiến đấu của Israel vừa tấn công các mục tiêu gần thành phố Masyaf, tây bắc Syria vào ngày 13/5. Tờ báo cũng mô tả các hệ thống S-300 của Syria có vẻ như được giao cho Nga kiểm soát trực tiếp việc sử dụng chúng.
Theo thông lệ, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không bình luận về cuộc tấn công nói trên. Một tuyên bố từ Trung tâm Hòa giải Nga về Syria thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các máy bay F-16 của Israel đã bắn 22 tên lửa nhằm vào một “trung tâm nghiên cứu khoa học Syria” ở thành phố Masyaf và cảng Baniyas vào ngày 13/5.
Ngoài việc nhắm mục tiêu vào các cuộc chuyển giao vũ khí của Iran cho các chiến binh ở Syria và Liban, cũng như các cơ sở sản xuất vũ khí và kho vũ khí do Iran hậu thuẫn ở Syria, các cuộc không kích của Israel trong tuần trước còn nhằm phá hủy lối vào các cơ sở ngầm – theo tờ Jerusalem Post. Một số mục tiêu trong số này từng bị không kích từ năm 2018 nhưng sau đó đã được xây dựng lại.
Tuy chưa rõ tổ hợp S-300 vừa khai hỏa nhằm vào máy bay Israel thuộc về Nga hay Syria, nhưng điều này cũng không có gì khác biệt. Không có hệ thống S-300 nào ở Syria từng bắn vào máy bay của Không quân Israel.
Kể từ năm 2015, đã có một cơ chế thông tin giữa các lực lượng Israel và Nga liên quan đến các cuộc không kích ở Syria. Israel cảnh báo trước với Nga về các sứ mạng của họ và ít nhất là cho đến gần đây, các khẩu đội tên lửa phòng không do Nga kiểm soát vẫn chưa từng giao chiến với máy bay chiến đấu hoặc tên lửa của Israel.
Lúc này, căng thẳng giữa Israel, Syria và Nga đang dẫn đến câu hỏi, liệu thỏa thuận trên sẽ kéo dài bao lâu nữa.
Ngoài ra, mặc dù Kênh 13 đưa tin rằng các khẩu đội S-300 đã bắn trượt máy bay Israel, kênh này cũng cho biết các tên lửa phòng không Syria không gây ra mối đe dọa nào với chiến đấu cơ Israel và cũng không có radar khóa máy bay.
Israel thay đổi lập trường về xung đột Ukraine
Vụ S-300 "bắn cảnh cáo" máy bay Israel diễn ra đúng thời điểm lập trường của Tel Aviv liên quan đến xung đột tại Ukraine đang có sự thay đổi. Israel đã bắt đầu cung cấp một số hỗ trợ cho các lực lượng Ukraine trong những tuần gần đây sau thời gian đầu trì hoãn giúp Kiev. Hôm 20/4, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz thông báo Jerusalem sẽ cung cấp cho Kyiv các thiết bị bảo vệ cho các tổ chức cứu hộ và khẩn cấp, như mũ bảo hiểm, áo chống đạn. (Thủ tướng Naftali Bennett đã từ chối bán vũ khí cho Ukraine theo đề nghị của Tổng thống Zelensky).
Các quan chức Israel được cho là đã tham dự hội nghị thượng đỉnh do Mỹ tổ chức liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức vào tháng trước.
Kể từ đó, Israel đã thể hiện một số quan điểm rõ ràng hơn, như lên án mục tiêu “phi phát xít hóa Ukraine” của Nga. Sau đó, Tel Aviv bác bỏ tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng trùm Đức Quốc xã Adolf Hitler có gốc gác Do Thái - một thuyết âm mưu có từ lâu nhưng hoàn toàn không có cơ sở.
Lần đầu tiên Nga tuyên bố sẽ chuyển giao một số lượng không xác định S-300 cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào năm 2018, sau một sự cố kỳ lạ, khi lực lượng phòng không Syria vô tình bắn rơi một trong những máy bay giám sát Il-20 Coot của Nga – làm toàn bộ 15 người Nga trên máy bay thiệt mạng. Phi cơ của Nga trở thành mục tiêu khi bị máy bay chiến đấu Israel “nấp đằng sau”, sau khi tiến hành không kích dọc theo bờ biển Địa Trung Hải của Syria.
Khi thông báo về việc chuyển giao tên lửa cho Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khi đó cho biết hệ thống S-300 có tầm bắn tối đa 200km, tương đương với biến thể PMU-2 sử dụng tên lửa 48N6E3 – là phiên bản xuất khẩu tiên tiến nhất của hệ thống S-300 mà Nga sản xuất.
Nếu đặt ở phía nam của Syria gần thủ đô Damascus, tầm bắn đó cho phép tổ hợp S-300 vươn tới Biển Địa Trung Hải và bên trong lãnh thổ Israel. Nó cũng bao phủ Không phận Liban, nơi Không quân Israel thường xuyên đi qua trước khi tiến hành các cuộc không kích bên trong Syria.