Vận tải cơ An-225 của Ukraine hôm 24/6 rời căn cứ Brize Norton của không quân Anh, sau khi bàn giao 3 trực thăng Puma trong khuôn khổ nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng NATO rút quân khỏi Afghanistan.
Chiếc An-225 di chuyển ra đường băng và tăng ga lên mức tối đa để chuẩn bị cất cánh. Trong quá trình này, phi công phải giữ phanh để bảo đảm động cơ hoạt động hết công suất trước khi máy bay di chuyển, rút ngắn quãng chạy đà cho máy bay.
Tuy nhiên, điều đó cũng khiến luồng khí xả cực mạnh từ 6 động cơ thổi sập hàng rào gỗ ở rìa căn cứ, nơi có nhiều người đang quay phim, chụp ảnh chiếc An-225. Đám đông hốt hoảng tháo chạy, chỉ vài người vẫn bám trụ lại sau đoạn hàng rào chưa bị sập
Một vài người phải nằm rạp xuống bãi cỏ do luồng gió từ động cơ quá mạnh. Máy bay An-225 cất cánh bình thường, trong khi lực lượng quản lý căn cứ phải điều phương tiện đến kiểm tra thiệt hại sau vài phút.
Với trọng tải cất cánh lên tới 640 tấn, An-225 trở thành chiếc máy bay lớn nhất mà con người từng chế tạo. Đây được coi là kỳ quan công nghệ quân sự của Liên Xô khiến Mỹ thán phục.
Sau khi Liên Xô tan rã, An-225 thuộc sở hữu của Ukraine. Trong suốt thời gian dài Nga cố gắng thuyết phục Ukraine để nối lại sản xuất. Thậm chí Nga sẵn sàng trả tiền để dây chuyền hoạt động, tuy vậy nhưng căng thẳng tại miền Đông Ukraine đã khiến dự án đổ vỡ.
Chiếc vận tải cơ lớn nhất và duy nhất trên thế giới này hiện đang giữ 240 kỷ lục thế giới trong lĩnh vực hàng không.
Ban đầu, vận tải cơ An-225 được thiết kế để phục vụ việc chở tàu con thoi Liên Xô lên quỹ đạo, ngoài ra nó cũng sẽ chuyên chở những hàng hóa siêu nặng bằng đường hàng không.
An-225 có chiều dài 84m, sải cánh 88,4m, cao 18,1m. Trọng lượng rỗng 285 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa lên đến 640 tấn.
Để nâng con quái vật này lên bầu trời, người ta phải trang bị cho nó tới 6 động cơ phản lực ZMKB Progress D-18 có lực đẩy tới 229,5 kN mỗi chiếc.
Với 6 động cơ cực khỏe này An-225 có thể bay tối đa 850km, tầm bay lên đến 14.000 km.
An-225 có thể mang được 253 tấn hàng hóa, vì vậy chúng có thể chở nhiều hàng hóa đặc thù như đầu tàu hỏa, tàu cao tốc, các thân máy bay vận tải hạng trung, xe tăng...
Dó có thể chuyên chở khối lượng lớn hàng hóa nên An-225 được rất nhiều quốc gia trên thế giới thuê trong đó có cả Nga và Mỹ. Ngoài ra Ukraine vẫn thường sử dụng chiếc máy bay này cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của loại máy bay này, Trung Quốc đang tìm cách hợp tác với Ukraine để khôi phục lại dự án chế tạo An-225.
Hiện tại nhà máy Antonov vẫn còn một khung thân của An-225 đang được hoàn thiện với tỷ lệ 60%. Tuy nhiên Mỹ đang tìm cách để ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp cận với loại máy bay khổng lồ này.
Việt Hùng