Máy bay không người lái: Vũ khí lợi hại trong xung đột Armenia-Azerbaijan
Không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự, máy bay không người lái còn cho Azerbaijan lợi thế về mặt tuyên truyền trong xung đột Armenia-Azerbaijan.
Mặc dù đang chìm trong xung đột với Armenia, quân đội Azerbaijan vẫn không quên sản xuất những đoạn phim tuyên truyền nhằm thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của người dân nước này, với hình ảnh xe tăng, trực thăng, những bản nhạc hùng hồn và cả những cuộc tấn công của máy bay không người lái.
Cuộc chiến cũ
Bùng phát từ ngày 27/9, đây là cuộc xung đột ác liệt nhất giữa hai bên kể từ năm 1994. Azerbaijan tuyên bố đã chiếm lại được nhiều ngôi làng ở khu vực Jabrayil bị Armenia chiếm đóng, cũng như tấn công Stepanakert, thủ phủ vùng Nagorno - Karabakh ly khai.
Trong nỗ lực nhằm đáp trả, các lực lượng Armenia đã pháo kích Ganja, thành phố lớn thứ hai của Azerbaijan. Cả hai bên được cho là đã sử dụng tên lửa đạn đạo và một số quả rocket đã rơi xuống cả lãnh thổ Iran. Trong khi Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng kêu gọi ngừng bắn nhưng dường như không có hiệu quả, Thổ Nhĩ Kỳ lại được cho là đã cổ vũ cuộc tấn công của Azerbaijan và dành cho đồng minh “sự ủng hộ vô điều kiện”.
Binh lính, pháo hạng nặng và rocket là những nhân tố đặc trưng của chiến tranh truyền thống. Tuy nhiên, Azerbaijan đang thành công hơn nhờ vào các hệ thống vũ khí hiện đại của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, vốn được mua bằng tiền xuất khẩu dầu khí. “Dù số lượng vũ khí hạng nặng của hai nước tương đối cân bằng, quân đội Azerbaijan tỏ ra vượt trội về mặt kỹ thuật”, chuyên gia quốc phòng người Nga Pavel Felgenhauer bình luận.
Nhân tố mới
Trong các video tuyên truyền của Azerbaijan, không khó để nhận ra, quân đội nước này đã sử dụng máy bay không người lái cảm tử Harop do Israel sản xuất. Phương tiện này có thể tự bay hàng giờ trước khi tấn công mục tiêu của kẻ địch hoặc quay về nơi xuất phát.
Ông Ulrike Franke, thành viên Hội đồng Đối ngoại châu Âu chia sẻ: “Giới chuyên gia trước đây cho rằng, máy bay không người lái không có nhiều vai trò trong xung đột giữa các quốc gia do quá dễ bị phá hủy bởi hệ thống phòng không”. Điều này có thể đúng với các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, nhưng không chính xác khi xét đến các cuộc xung đột nhỏ hơn.
Tháng 2/2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng máy bay không người lái TB2 ở miền Bắc Syria, phá hủy hàng trăm xe thiết giáp của quân đội Syria. Về phần mình, Azerbaijan cũng đã sử dụng TB2 để tiêu diệt lực lượng phòng không, pháo binh và thiết giáp của Armenia trong cuộc xung đột hiện tại.
Chiến thuật của Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan thể hiện phương diện mới hơn, kinh tế hơn của sức mạnh trên không. Theo ông Franke, máy bay không người lái tạo ra sự khác biệt đối với các quốc gia có lực lượng không quân hạn chế. Máy bay chiến đấu có giá thành cao, tốn chi phí bảo dưỡng và vận hành, do đó cả Armenia và Azerbaijan chỉ có tổng cộng 52 chiếc.
Trong khi đó, một chiếc TB2 chỉ có giá thấp hơn rất nhiều và không cần phi công. Mặc dù nhiều chiếc TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị các hệ thống phòng không Pantsir S1 - do Nga sản xuất - bắn rơi ở Syria và Libya, chúng cũng đã phá hủy nhiều hệ thống này. Sự đánh đổi này được coi là đáng giá, giống như “đổi con tốt lấy con hậu” trên bàn cờ. TB2 đã cho thấy, chúng đáng sợ như thế nào khi đối phương không có lực lượng phòng không đủ mạnh.
Mặt khác, máy bay không người lái còn giúp bên tấn công ghi hình lại thành quả. Azerbaijan đã công bố những đoạn phim kịch tính về cảnh xe tăng đối phương bị phá hủy. Theo chuyên gia Aaron Stein từ Viện Nghiên cứu Đối ngoại (FPRI - Mỹ), đây là chiến thuật Azerbaijan học hỏi từ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được coi là “bậc thầy về tuyên truyền”. Azerbaijan đã sử dụng hiệu quả những hình ảnh này, đưa lên mạng xã hội để lái câu chuyện theo hướng có lợi cho mình.
Việt Hà
(theo The Economist)