Tình hình xung đột biên giới Trung - Ấn căng thẳng kể từ đầu tháng 5 vừa qua tại khu vực Ladark và liên tục có những diễn biến xấu đi trầm trọng. Bắt đầu từ việc binh sĩ hai bên cãi cọ, xô xát lẫn nhau, cho đến sự việc cuối tháng 5 khi các binh sĩ Ấn Độ đánh trọng thương một lính Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả lại bằng việc tung hình ảnh cho thấy rất nhiều lính Ấn Độ bị nước này bắt trói. Ảnh: Xe vận tải của quân đội Ấn Độ đang hướng lên biên giới.
Sự việc chìm lắng xuống một thời gian thì giữa tháng 6 vừa qua, một vụ ẩu đả cực lớn trong đêm giữa binh sĩ Ấn - Trung đã khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng trong đó có một sĩ quan mang cấp hàm Đại tá. Đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng với số lượng thương vong rất cao, lần đầu tiên kể từ năm 1975, binh sĩ Ấn Độ lại hi sinh ở khu vực này. Ảnh: Một đơn vị pháo binh Ấn Độ ở gần khu vực biên giới.
Theo tờ báo Economic Times của Ấn Độ cho biết Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ - Tướng Bipin Rawat được yêu cầu là ngay lập tức thảo luận kế hoạch sử dụng cả 3 binh chủng Hải - lục - không quân để sẵn sàng đáp trả kẻ thù khi cần thiết. Ảnh: Một binh sĩ lục quân Ấn Độ.
Hải quân Ấn Độ cũng được cho là chuẩn bị triển khai các tàu chiến đến khu vực eo biển Malacca và bất cứ nơi nào ở Ấn Độ Dương để đối phó với Trung Quốc. Ảnh: Khu trục hạm INS Kolkata của hải quân Ấn Độ với khả năng triển khai 16 tên lửa hành trình chống hạm Brahmos.
Malacca cũng chính là eo biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới, là tuyến vận chuyển hàng hóa chính của Trung Quốc từ nam Trung Hoa qua biển Đông để tiến vào Ấn Độ Dương. Việc hải quân Ấn Độ triển khai tàu chiến tới khu vực này có thể đe dọa nghiêm trọng đến các tàu Trung Quốc qua lại eo biển, đồng thời nước này có thể khóa luôn eo biển đối với các tàu Trung Quốc nếu cần thiết. Ảnh: Khinh hạm INS Teg lớp Tawar của Ấn Độ với khả năng triển khai 8 tên lửa hành trình chống hạm Brahmos.
Đặc biệt, ngay sau cuộc họp được chủ trì bởi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Không quân Ấn Độ đã lập tức điều động hơn 100 máy bay quân sự trong đó phần lớn là các tiêm kích hạng nặng Su-30MKI đến khu vực gần biên giới đang xung đột với Trung Quốc. Ảnh: Chiến đấu cơ Su-30MKI của Ấn Độ.
Hơn nữa, các tiêm kích của Ấn Độ này được cho là đã chính thức được mang theo các tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos cực kỳ mạnh mẽ do nước này tự phát triển. Ảnh: Tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ với tên lửa hành trình Brahmos gắn dưới thân máy bay.
Tên lửa Brahmos đã được chứng nhận hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để khai thác trên dòng máy bay Su-30MKI này và đầu năm 2020 vừa qua thì Ấn Độ đã có phi đội tiêm kích đầu tiên có thể mang tên lửa hành trình siêu thanh phiên bản Brahmos-A với 18 chiếc. Ảnh: Tên lửa Brahmos dưới bụng một chiếc Su-30MKI.
Theo công bố, tên lửa Brahmos-A có trọng lượng 2.5 tấn, tầm bắn khoảng 290km, tốc độ tối đa đạt Mach 2.8 và mang theo một đầu đạn thông thường nặng 200 kg hoặc có thể triển khai cả đầu đạn hạt nhân. Đây là sản phẩm do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất dựa trên tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Oniks của Nga. Với loại vũ khí này, Ấn Độ đã có trong tay một đòn răn đe vô cùng đáng sợ, khiến mọi đối thủ phải dè chừng trước mọi hành động phiêu lưu quân sự. Ảnh: Tên lửa Brahmos dưới cánh Su-30MKI.
Trước đó, Ấn Độ cũng đã cho triển khai số lượng khá lớn các xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và T-90 tới biên giới giao tranh nhằm làm đối trọng răn đe sau khi Trung Quốc đưa những xe tăng Type-15 đến khu vực. Đây cũng là một bước đi cứng rắn, không hề chịu nhượng bộ của nhà cầm quyền Ấn Độ trước mọi hành động của đối phương. Ảnh: Xe tăng T-90 của Ấn Độ trong một cuộc duyệt binh.
Chính phủ Ấn Độ không muốn những sự việc như cuộc đụng độ chết người vừa qua xảy ra thêm bất cứ một lần nào nữa, đồng thời khẳng định Quân đội Ấn Độ cần phải sẵn sàng đối phó với mọi hành động bất thường từ phía Trung Quốc. Trong khi đó Trung Quốc một mặt muốn xoa dịu tình hình, giải tỏa bớt căng thẳng nhưng mặt khác vẫn giữ vững lập trường về vấn đề biên giới. Ảnh: Binh sĩ lục quân Ấn Độ.
Có thể thấy, trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực, trong thời gian sắp tới sẽ còn rất nhiều những chuyển biến xấu và có thể là một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa hai cường quốc châu Á này nếu vẫn còn tiếp diễn những tình huống tương tự. Ảnh: Binh sĩ Ấn Độ tuần tra một đoạn biên giới chung với Trung Quốc.
Video Trung - Ấn giãn quân sau đụng độ biên giới, châu Á căng thẳng - Nguồn: VTC NOW
Hùng Dũng