Máy bay không quân Nga xuất hiện ở Caracas, Mỹ và các nước Latin thảo luận về Venezuela
Ngày 25/9, hãng thông tấn Interfax dẫn thông tin từ các phương tiện truyền thông xã hội cho hay, 2 chiếc máy bay của Nga gần đây đã hạ cánh ở Venezuela.
Máy bay Nga xuất hiện ở Caracas. (Nguồn: Reuters)
Cùng ngày, một phóng viên ảnh cho biết đã nhìn thấy một chiếc máy bay của không quân Nga ở sân bay Maiquetia, Caracas. Theo trang mạng theo dõi lịch sử các chuyến bay Flight Radar, chiếc máy bay này đã rời Moscow từ hôm 20/9.
Theo Interfax, một nhóm chuyên gia quân sự Nga đã tới Venezuela để hỗ trợ nước này trong hoạt động bảo trì các trang thiết bị và công nghệ quân sự mà Moscow cung cấp cho Caracas theo thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa hai nước.
Sự xuất hiện của nhóm chuyên gia trên diễn ra đúng vào thời điểm Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang thực hiện chuyến thăm chính thức tới Moscow nhằm tăng cường mối quan hệ đồng minh với Nga.
Trong năm 2019, chính phủ Nga cũng đã vài lần gửi các phái đoàn quân sự tới Venezuela để hỗ trợ nước này trong các hoạt động đào tạo kỹ thuật và bảo tri các thiết bị quân sự bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ.
Liên quan đến tình hình Venezuela, cùng ngày, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tham dự một cuộc họp của các nước Mỹ Latin ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Juan Guaido để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và nhân đạo tại quốc gia Nam Mỹ này.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Trump nhấn mạnh, việc các nước Mỹ Latin tham dự sự kiện này là minh chứng của một liên minh lịch sử để có thể gây sức ép, buộc Tổng thống Venezuela phải rời bỏ quyền lực. Việc ông Trump có mặt tại cuộc họp là một phần trong nỗ lực của chính quyền Mỹ ưu tiên vấn đề Venezuela trong chương trình nghị sự quốc tế.
Trong khi đó, ông Julio Borges, đại diện của phe đối lập Venezuela tham dự cuộc họp, tiếp tục đề nghị Liên minh châu Âu (EU) cần phải gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức trong chính quyền Maduro, cho rằng, tài khoản của những nhân vật này tại các nước châu Âu cần phải bị phong tỏa, đồng thời kêu gọi các đối tác ở Mỹ Latin tiếp tục gây sức ép đối với Cuba, một đồng minh thân cận và quan trọng nhất của chính quyền Venezuela ở khu vực
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Argentina Jorge Faurie của Argentina và người đồng cấp Brazil Ernesto Araujo đều bày tỏ hy vọng sẽ thảo luận với các đối tác châu Âu về những biện pháp có thể gây sức ép mạnh mẽ hơn đối với chính quyền Venezuela, cũng như các nước ủng hộ Tổng thống Maduro.
Trong khi đó, liên quan đến thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, cùng ngày, Tổng kiểm toán Nhà nước Venezuela Elvis Amoroso đã yêu cầu cơ quan quản lý ngân hàng nước này cấm toàn bộ các giao dịch tài chính cả ở trong và ngoài nước đối với ông này.
Trong một tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia, ông Amoroso cũng đã thông báo về các biện pháp ngăn chặn đối với 2 cộng sự của ông Guaido ở nước ngoài là cựu thị trưởng Ramon Muchacho và Javier Troconis - người được ông Guaido cử làm phái viên phụ trách tài sản của Venezuela ở nước ngoài.
Theo Tổng kiểm toán Amoroso, công ty của ông Troconis có liên quan đến một vụ tham nhũng lớn và đã nhận hơn 127 triệu USD từ các tài khoản ở Venezuela. Ông Amoroso cũng cáo buộc thủ lĩnh đối lập và các nhân vật trên đang tìm cách bán rẻ công ty CITGO, chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Venezuela (PDVSA) ở Mỹ.