Máy bay nằm sân dài ngày vì dịch được chăm sóc ra sao?

Đối với hãng khai thác nhiều dòng máy bay khác nhau sẽ tăng thêm nhiều chi phí bảo dưỡng do thiết bị không đồng bộ.

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư khiến hàng không Việt Nam gần như tê liệt, mạng quốc tế và nội địa chỉ còn duy trì các chuyến bay chở hàng, thiết bị y tế, vaccine, đội ngũ y bác sĩ đến các vùng tâm dịch để chống dịch COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm máy bay thuộc đội bay của sáu hãng hàng không Việt Nam phải nằm sân dài ngày. Vậy trong thời gian máy bay nằm sân, các hãng bay bảo quản, bảo dưỡng máy bay thế nào?

Máy bay nằm sân dài ngày ngoài gánh nặng bảo dưỡng, còn phải chi trả dịch vụ đỗ máy bay. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Máy bay nằm sân dài ngày ngoài gánh nặng bảo dưỡng, còn phải chi trả dịch vụ đỗ máy bay. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Càng nhiều dòng máy bay, chi phí bảo dưỡng càng nặng

Theo một phi công kỳ cựu dòng máy bay thân rộng Airbus 350, một máy bay ra đời đều có chương trình khai thác và bảo dưỡng đi kèm từ nhà sản xuất. Trong đó, chương trình bảo dưỡng tuân thủ nghiêm ngặt từ Cục Hàng không liên bang Mỹ và Cơ quan an toàn hàng không châu Âu do hai nơi này bao phủ toàn cầu dòng máy bay thương mại thế giới đang khai thác là Boeing và Airbus.

Về chương trình bảo dưỡng, vị phi công khái quát: Thông thường thì có bảo dưỡng ngày đối với máy bay đang khai thác. Loại bảo dưỡng này do có nguồn thu từ khai thác thương mại để bù đắp lại chi phí. Còn lâu hơn thì có bảo dưỡng tuần, tháng khi máy bay không khai thác thì các hạng mục bảo dưỡng sẽ tăng thêm, như thế sẽ đội lên nhiều chi phí. Ngoài ra, còn có chương trình bảo dưỡng 500 và 1.000 giờ bay…

“Chương trình bảo dưỡng được tối ưu từng bước nhỏ, kể từ khi mở ra bảo dưỡng một máy bay để quá trình thực hiện không bị bôi ra nhiều thời gian do không đủ nhân lực hay thiết bị dự phòng” - vị phi công chia sẻ.

Theo vị phi công, máy bay càng lớn thì hạng mục bảo dưỡng càng phức tạp, chi phí lớn. Riêng những dòng máy bay từ năm 2000 trở về sau hệ thống điện tử được cập nhật hiện đại nên quy trình bảo dưỡng bắt buộc được lập trình sẵn và được nhắc nhở trước.

Đại diện Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cho biết do tần suất khai thác thấp, các hãng đã sắp xếp các vị trí đỗ tạm thời cho đội bay, tập trung nhiều nhất tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Trước tình trạng dừng bay kéo dài, hãng tuân thủ nghiêm ngặt quá trình bảo quản, kiểm tra kỹ thuật bắt buộc luân phiên của nhà chức trách, nhà sản xuất máy bay. Các hoạt động này phát sinh thêm nhiều chi phí như vật tư, nhân công, thuê trang thiết bị, tuy nhiên toàn bộ công việc vẫn được hãng thực hiện trên nguyên tắc an toàn khai thác là số một.

Đủ sức bảo dưỡng và đại tu trong nước

Theo nguồn tin từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các hãng khai thác chủ yếu trong giai đoạn này là chở hàng hóa khoảng 80 chuyến/ngày, còn lại đa phần máy bay các hãng nằm la liệt sân. Hiện cảng đã sắp xếp 87 vị trí đỗ cố định, đồng thời bố trí thêm máy bay nằm tại các đường lăn mới đảm bảo chỗ đỗ cho các hãng để thuận tiện bảo dưỡng và thay thế phụ tùng.

Một chuyên gia lĩnh vực hàng không cho biết năm năm trước mỗi khi máy bay bảo dưỡng định kỳ hoặc hư hỏng phải mang máy bay đến tận hãng để bảo dưỡng, sửa chữa. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, các đơn vị kỹ thuật hàng không tại Việt Nam hoàn toàn tự bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu các dòng máy bay. Ngoài ra, các hãng bay mua hoặc thuê khô máy bay có thể lựa chọn nhà cung cấp bảo dưỡng máy bay định kỳ.

Vị chuyên gia phân tích thêm cùng việc bảo dưỡng còn liên quan đến kho phụ tùng có nằm sẵn để thay thế. Chẳng hạn lốp máy bay thực hiện 50 lượt cất hạ cánh buộc phải thay thế, lốp này không vứt đi mà lưu kho và đắp lại để tái sử dụng. Hiện kho phụ tùng dồi dào của các nhà sản xuất máy bay tại châu Á đặt tại Hong Kong, kế đến là Thái Lan… “Đối với hãng khai thác nhiều dòng máy bay khác nhau sẽ tăng thêm nhiều chi phí bảo dưỡng do thiết bị không đồng bộ. Chưa kể, chi phí dịch vụ đỗ máy phải trả cho nhà khai thác sân bay hàng tỉ đồng mỗi tháng” - vị chuyên gia phân tích.

Một đại diện Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) cho biết hiện lượng máy bay nằm sân rất lớn, theo đó nơi này khá bận rộn với hoạt động bảo quản, bảo dưỡng máy bay dừng khai thác luân phiên hoặc theo tháng. Trong đó gồm việc bao bọc động cơ, càng và kính buồng lái.

“Hiện đội ngũ của VEACO đủ sức bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu các dòng máy bay hiện đang khai thác tại Việt Nam và các hãng hàng không các nước mang máy bay đến bảo dưỡng” - vị này cho biết.•

229 chiếc máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện có 229 chiếc máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam. Trong đó, Vietnam Airlines (bao gồm VASCO) có 105 chiếc, sở hữu 48, thuê khô 57 chiếc; Pacific Airlines 18 chiếc, thuê khô 100%; VietJet Air 80 chiếc, sở hữu một chiếc; Hải Âu sở hữu bốn chiếc; Bamboo Airways tổng 22 chiếc, thuê khô 100%. Riêng năm 2019, lượng máy bay tăng thêm 54 chiếc do có sự tham gia của hãng Bamboo Airways.

Yêu cầu báo cáo trước khi đưa máy bay khai thác trở lại

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng không, số lượng máy bay phải bảo dưỡng, bảo quản dừng bay tăng cao, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa có yêu cầu gửi đến đơn vị khai thác máy bay.

Theo đó, Cục Hàng không yêu cầu các đơn vị báo cáo các nội dung thực hiện trước khi đưa máy bay trở lại khai thác (sau bảo dưỡng, bảo quản dừng bay) trong thời gian 48 giờ trước chuyến bay (đối với máy bay bảo dưỡng dừng bay dưới một tháng) và 72 giờ trước chuyến bay (đối với máy bay bảo dưỡng, bảo quản dừng bay trên một tháng).

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/may-bay-nam-san-dai-ngay-vi-dich-duoc-cham-soc-ra-sao-1007543.html