Máy bay phải chuyển hướng vì nghi có mèo chạy qua đường băng Nội Bài
Do nghi ngờ có mèo chạy qua đường băng, một chuyến bay đến Nội Bài phải bay chờ trong khi một chuyến khác buộc phải chuyển hướng đến sân bay Cát Bi - Hải Phòng.
Theo Cảng vụ hàng không miền Bắc, vào tối 3/1, một chuyến bay đã phải đổi hướng, bay chờ do phi công thông báo nghi ngờ có mèo chạy qua đường băng sân bay Nội Bài.
Cụ thể, hồi 19h45 ngày 3/1/2021, Trực ban trưởng nhận được thông tin từ Sở chỉ huy khẩn nguy về việc tổ lái chuyến bay QH1402 chặng TPHCM - Hà Nội, chuyến bay dự kiến hạ cánh lúc 19h39 thông báo nghi ngờ có cá thể mèo chạy qua đường cất - hạ cánh (CHC) 11L/29R đoạn gần đường lăn S3.
Ngay sau khi nhận thông tin, Trung tâm khai thác khu bay Nội Bài đã tiến hành kiểm tra đường CHC 11L/29R từ lúc 19h47 đến 19h55.
Kết quả kiểm tra cho thấy không phát hiện cá thể mèo hoặc chướng ngại vật ngoại lai liên quan. Đường CHC 11L/29R, đường lăn đảm bảo khai thác bình thường.
Trong thời gian khoảng 8 phút kiểm tra đường CHC11L/29R có 1 chuyến bay QH1624 phải bay chờ và có 1 chuyến bay VJ490 phải chuyển hướng hạ cánh tại sân bay Cát Bi - Hải Phòng.
Cũng tại sân bay Nội Bài, hồi 0h15 ngày 4/1/2021, Trung tâm Kiểm tra khu bay Nội Bài nhận được thông tin từ Đài chỉ huy Nội Bài về việc nghi ngờ có xác chim trên đường CHC 11L/29R đoạn giữa đường lăn S2 và đường lăn S3. Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm tra khu bay Nội Bài đã tiến hành kiểm tra đường CHC 11L/29R.
Kết quả kiểm tra phát hiện 1 xác chim trên đường CHC 11L/29R đoạn giữa đường lăn S2 và đường lăn S3 (có hình ảnh kèm theo). Trung tâm Kiểm tra khu bay đã thu nhặt, đường CHC 11L/29R, đường lăn đảm bảo khai thác bình thường đồng thời lập biên bản ghi nhận vụ việc.
Trước đó, tối 23/10/2020 tại sân bay Nội Bài đã huy động lực lượng để tìm kiếm 1 con chó cảnh màu trắng, nặng 0,5kg bị xổng chuồng trong quá trình vận chuyển từ máy bay vào nhà ga.
Còn sáng 17/9/2020 an ninh khu bay Tân Sơn Nhất phát hiện 1 con chó chạy tại đường lăn W6 và phối hợp đuổi bắt, nhưng chó chạy vào đường lăn W9-W11 và mất dấu. Đến 18h52 cùng ngày lại phát hiện có 1 con chó chạy trong sân đỗ máy bay hướng về bến đỗ 17.
Các đơn vị phối hợp đuổi bắt, chó chạy vào xưởng bảo dưỡng máy bay A75. Đến 19h55, phát hiện chó lại chạy ra sân đậu hướng về đài chỉ huy cũ, các đơn vị đuổi chó chạy ra đường lăn W3 hướng ra khu bay và mất dấu.
Vào tháng 9/2020, tại sân đỗ máy bay Tân Sơn Nhất, lực lượng kiểm soát sân đỗ phát hiện 1 đàn ong lớn bám vào thang kỹ thuật của Công ty sửa chữa máy bay VAECO tại bến đỗ 61.
Trong quá trình xử lý, đàn ong chuyển bám vào cột đèn tại bến 61, sau đó đến 16h phát hiện đàn ong bay qua đậu tại đuôi máy bay Airbus A320 của hãng Pacific Airlines. Các cơ quan chức năng đã thông báo để hãng hàng không này xử lý.
Nguy cơ nổ lốp, lật máy bay vì vật thể lạ trong sân bay
Theo các chuyên gia, khi cất, hạ cánh, nếu máy bay va chạm với vật cản lớn trên đường băng có thể gây nổ lốp, gãy càng, thậm chí lật máy bay.
Lâu nay, tình trạng máy bay phải hủy chuyến vì va chạm với chim trời trên không cũng khiến cho nhiều hãng hàng không lo lắng. Đây được xem là những hiểm họa uy hiếp an toàn bay. Việc vật cản là chó, mèo, chim xuất hiện trên đường băng là khá nguy hiểm. Trong trường hợp xấu có thể gây hỏng động cơ, gãy càng, thậm chí lật máy bay.
Việc xuất hiện vật thể lạ trên đường băng là chó, mèo, chim trên đường băng không phải chuyện bây giờ mới xảy ra ở các sân bay Việt Nam.
Tùy theo kích thước của vật cản là chó, mèo trên đường băng mà có mức độ nguy hiểm khác nhau. Khi máy bay cất, hạ cánh gặp phải con chó có kích thước lớn có thể gây nổ lốp, gãy càng, lật máy bay. Bởi khi chạy trên đường băng để cất, hạ cánh, tốc độ máy bay thường rất lớn. Việc va chạm với con chó gần như là va đập cứng. Chúng ta tưởng tượng như một tảng đá đập vào chân máy bay.
Tương tự, đang bay trên không, nếu một con chim va vào trong động cơ máy bay, nó có thể phá nát động cơ. Bởi khi máy bay đang ở tốc độ cao, con chim lao vào như một hòn đá ném vào động cơ vậy. Hơn nữa động cơ lại có các lá máy nén đang quay rất nhanh. Lúc đó sẽ thành thảm họa.
Nếu chim đậu trên đường băng, khi máy bay đến gần, chúng sẽ bay lên dẫn đến nguy cơ bị hút vào động cơ rất lớn. Nguy cơ va vào các vật thể lạ khi cất, hạ cánh chủ yếu là va vào chim, nhất là khi bay trên không. Chính vì thế, các giải pháp nâng cao an toàn bay đối với vật thể lạ chủ yếu phải tập trung vào vấn đề phát hiện và xua đuổi chim.