Máy bay Su-27 đã 42 tuổi: Vẫn sống khỏe, Việt Nam dùng tốt!
Cất cánh lần đầu tiên vào ngày 20/5/1977, trải qua 42 năm trên bầu trời, cánh chim Su-27 vẫn ngày ngày bảo vệ khắp vùng lãnh thổ Nga và nhiều nước khác.
Sau 42 năm phục vụ "không biết mệt mỏi", tiêm kich thành công nhất của OKB Sukhoi - Su-27 vẫn chưa có dấu hiệu được cho nghỉ hữu. Dòng máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng tương đương với mọi tiêm kích thế hệ 4 hiện đại nhất hiện nay vẫn không tỏ ra lỗi thời và lạc hậu. Nguồn ảnh: Airliners.net
Chương trình phát triển Sukhoi Su-27 được "thai nghén" từ cuối những năm 1960 nhằm đối đầu với tiêm kích hạng nặng F-15 của Mỹ. Ngày 20/5/1977, nguyên mẫu Sukhoi T-10 cất cánh thành công lần đầu tiên. Máy bay Su-27 mang trong mình thiết kế đột phá với hai cánh lớn, cửa hút không khí nằm dưới thân gần gốc cánh giống với dòng F-14 và F-15 của Mỹ. Máy bay cũng chứa trong mình các cảm biến hiện đại và “lớn nhất” trong các dòng máy bay Sukhoi. Nguồn ảnh: Airliners.net
Năm 1987, Su-27 (NATO định danh là Flanker-B) chính thức đi vào phục vụ trong Không quân Liên Xô. Nó nhanh chóng trở thành "xương sống" lực lượng tiêm kích Không quân Nga sau năm 1991. Tới cuối những năm 1990, Su-27 bắt đầu đem lại lợi nhuận khổng lồ kéo dài tới tận hôm nay cho nước Nga. Nguồn ảnh: Airliners.net
Nhiều quốc gia trên thế giới nhanh chóng "xuống tiền" tậu hàng trăm chiếc Su-27 như Trung Quốc, Việt Nam, Ethiopia, Indonesia... Đó là chưa kể các phiên bản cải tiến từ Su-27 mang không ít lợi nhuận về cho Sukhoi và nước Nga. Nguồn ảnh: Airliners.net
Thiết kế căn bản của Su-27 về mặt khí động học tương tự MiG-29, nhưng lớn hơn. Đây là một loại máy bay rất lớn, và để giảm trọng lượng cấu trúc đến mức tối thiểu, nó sử dụng nhiều titanium (khoảng 30%, nhiều hơn bất kỳ một loại máy bay cùng thời). Vật liệu composite không được sử dụng. Cánh xuôi sau đi vào thân tại những diềm cánh trước và về cơ bản là kiểu cánh tam giác, dù các đầu cánh được đặt các giá treo tên lửa hay các thiết bị đối phó điện tử. Nguồn ảnh: Airliners.net
Động cơ phản lực của Su-27 là loại Lyulka AL-31F, khoảng cách giữa 2 động cơ khá lớn, vừa để an toàn vừa để đảm bảo không gián đoạn luồng khí xuyên qua những khe lấy không khí, cung cấp thêm lực nâng, giảm bớt trọng tải cho cánh. Nguồn ảnh: Airliners.net
Su-27 là loại máy bay chiến đấu đầu tiên của Liên Xô trang bị hệ thống điều khiển Fly-by-wire. Kết hợp với lực ép lên cánh tương đối thấp và hệ thống điều khiển bay cơ bản mạnh, nó làm cho máy bay nhanh nhẹn một cách khác thường, máy bay vẫn có thể kiểm soát ở tốc độ rất thấp và góc đụng lớn, hoặc tắt động cơ đột ngột khi bổ nhào và thực hiện các kỹ thuật bay nhào lộn. Nguồn ảnh: Airliners.net
Thật vậy, dù trọng lượng khá lớn lên tới 33 tấn tối đa, dài 21,9m, nhưng Su-27 đạt tốc độ tới 2.500km/h, vận tốc leo cao 325m/s. Nguồn ảnh: Airliners.net
Về vũ khí, Su-27 là loại máy bay chiến đấu có nhiều giá treo nhất trong lịch sử phát triển tiêm kích của Liên Xô. Nó có tới 10 điểm treo cho phép triển khai 3 loại tên lửa không đối không: tầm ngắn R-73; tầm trung R-27 và R-77. Ngoài ra, nó có thể mang các loại bom thông thường và thông minh (phiên bản Su-27SM sau này). Nguồn ảnh: Airliners.net
Hệ thống điện tử của tiêm kích Su-27 cũng khá hiện đại với radar xung dopler N-001 có tầm trinh sát tới 150-200km và sau tiếp tục nâng lên với các phiên bản cải tiến. Ngoài ra, nó còn được trang bị cảm biển quang - điện cho phép phát hiện tín hiệu hồng ngoại từ cự ly tới vài chục km. Nguồn ảnh: Airliners.net
Hiện Không quân Việt Nam cũng đang sử dụng số lượng nhỏ máy bay Su-27 (gồm 11 chiếc). Chúng ta nhập khẩu 12 chiếc (một chiếc mất do tai nạn sau này) vào năm 1995, gồm: Su-27SK một chỗ ngồi (7 chiếc); 3 Su-27UB hai chỗ ngồi và 2 Su-27PU (hay được xem là Su-30 đời đầu). Nguồn ảnh: Jetphotos.net
Trải qua 24 năm phục vụ, toàn bộ máy bay Su-27 hiện đã được nhà máy A32 tự đại tu sửa chữa lớn đảm bảo trở lại phục vụ thêm 10-15 năm nữa. Nguồn ảnh: Jetphotos