'Mây đen' đang dần tan trên thị trường khách sạn?

Sau hơn 2 năm bị 'mây đen' bao phủ bởi đại dịch, thị trường khách sạn đang cho thấy những tín hiệu hồi sinh khi nguồn cung bật tăng mạnh. Tuy nhiên, để trở lại thời hoàng kim, giới chủ sở hữu sẽ cần những cuộc 'cách mạng' trong việc cải thiện dịch vụ và thu hút khách lưu trú.

Điều hành một khách sạn 4 sao trên phố Lò Sũ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ trong 2 năm Covid-19 hoành hành, gần 2/3 bạn bè của anh làm trong lĩnh vực khách sạn, resort phải chuyển hướng kinh doanh. Những người trụ lại đang dần ổn định nhưng vẫn còn rất khó khăn.

Bài toán lấp đầy

Khác với hình ảnh nhộn nhịp tại các điểm du lịch, anh Tiến cho hay hầu hết khách sạn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn đang phải rất nỗ lực trong việc nâng cao tỷ lệ lấp đầy. Hiện tại, chỉ một số khách sạn nhỏ (10 - 20 phòng) có thể lấp đầy khách, còn lại công suất thuê chỉ đạt trên dưới 50%.

“Không thể phủ nhận lượng khách đang tăng trở lại, nhưng nhiều khách sạn từ 3 sao trở lên hiện vẫn có công suất phòng rất thấp, chỉ đủ bù chi phí, chưa đủ để toàn bộ nhân viên đi làm trở lại. Khách sạn của tôi hiện có tỷ lệ lấp đầy chỉ hơn 60%, nhưng đã đủ gây choáng cho người trong ngành”, anh Tiến nói.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại TP.HCM. Khảo sát cho thấy quá nửa số khách sạn được gắn sao trên địa bàn thành phố có tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 20 - 30%. Mảng khách sạn 3 sao, cỡ 50 phòng trở lên vẫn cực kỳ khó khăn. Mảng 4-5 sao có cải thiện nhưng vẫn phải cầm chừng.

Đơn cử, tại khách sạn Rex Sài Gòn, khảo sát cho thấy hiện chỉ có dịch vụ ẩm thực (nhà hàng, cà phê) và tổ chức sự kiện (tiệc cưới, hội họp) đang có sự hồi phục đáng kể. Còn mảng lưu trú, vốn đóng góp phần lớn doanh thu, đang khá trầm lắng dù đã được cải thiện rất nhiều so với giai đoạn khó khăn.

Không chỉ các khách sạn tại thành phố, hệ thống khách sạn ở các khu du lịch, dù được đánh giá là sôi động trở lại, nhưng cũng cần rất nhiều nỗ lực để duy trì tỷ lệ lấp đầy phòng.

Dù được cải thiện, kinh doanh khách sạn vẫn đối diện nhiều thách thức để trở lại thời hoàng kim.

Dù được cải thiện, kinh doanh khách sạn vẫn đối diện nhiều thách thức để trở lại thời hoàng kim.

Anh Hoàng Long, quản lý một khách sạn 3 sao tại Nha Trang (Khánh Hòa), cho hay khách thuê chỉ tăng trong những ngày nghỉ lễ dài ngày, như giỗ Tổ Hùng Vương, hoặc trong kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5. Vào những ngày bình thường, giá phòng vẫn phải duy trì ở mức thấp để tạo sức cạnh tranh.

“Trên các ứng dụng đặt phòng, chúng tôi phải liên tục chạy chương trình quảng cáo khuyến mại nhằm kích cầu. Trước dịch, giá phòng đơn là 700.000 - 800.000 đồng/đêm, nay giảm còn 300.000 đồng/đêm vào những ngày thường, 320.000 - 350.000 đồng/đêm vào những ngày cuối tuần”, anh Long chia sẻ.

Bao giờ "nắng lên"?

Báo cáo mới nhất của STR, một đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu về ngành khách sạn cho thấy, công suất đặt phòng tại Việt Nam dù có sự tăng trưởng, giá thuê cũng tăng so với cuối năm 2021, song sự tăng trưởng thời điểm này chỉ đạt chưa đầy 50% so cùng kỳ năm 2019 (trước dịch).

Điểm sáng lớn nhất hiện tại là nguồn cung đang bật tăng. Tại Hà Nội trong quý I/2022 ghi nhận 3.725 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 70.000 phòng mở cửa trở lại, trong đó có 591 khách sạn 1 - 5 sao gồm 24.415 phòng. Tại TP.HCM, dự kiến sẽ có 1.272 phòng khách sạn sẽ gia nhập thị trường vào năm 2025.

Với những diễn biến hiện tại, dự báo phải tới năm 2025, ngành khách sạn mới phục hồi hoàn toàn và bắt đầu đi lên. Theo chuyên gia JLL, do đặc thù Hà Nội phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu du lịch nội địa và từ các doanh nghiệp, nên sẽ có triển vọng phục hồi nhanh hơn những khu vực khác của Việt Nam.

Dự kiến trong quý III/2022, Thủ đô sẽ đón lượng khách quốc tế bật tăng cao hơn. Đây sẽ là những điều kiện tốt giúp thị trường khách sạn hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, các lĩnh vực cao cấp, sự phục hồi có thể chậm hơn do nguồn cung mới và sự phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh giải trí quốc tế.

Với TP.HCM, theo lộ trình phục hồi, thành phố sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khách du lịch nội địa, có xu hướng dịch chuyển dần từ các hoạt động du lịch nội tỉnh sang liên tỉnh.

Khi Việt Nam thông báo mở cửa vào giữa tháng 3/2022, nhu cầu khách quốc tế được dự đoán sẽ được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp trong khu vực có thời gian lưu trú dài hơn so với trước Covid-19. Đồng thời, các chuyến đi của doanh nghiệp cũng có thể được mở rộng thành các chuyến du lịch giải trí.

Một điều đáng lưu ý, TP.HCM từng là nơi đón hơn một nửa lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy, khách nước ngoài sẽ trở thành niềm hy vọng của các khách sạn trong thành phố, đặc biệt là các khách sạn từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, nhiều khách sạn cũng chỉ kỳ vọng công suất phòng đạt trên 30%.

Còn với Đà Nẵng, theo Sở Du lịch thành phố, địa phương đặt mục tiêu thu hút 3,5 triệu lượt khách vào năm 2022, trong đó khách quốc tế kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 5,1%. Nhu cầu khách sạn dự kiến sẽ đến từ nguồn khách du lịch trong nước trong dài hạn, vì khách quốc tế đến Đà Nẵng có thời gian lưu trú trung bình tương đối ngắn.

Trên cơ sở sự hồi phục của ngành du lịch ở thời điểm hiện tại, kéo theo sự “thức tỉnh” của thị trường khách sạn, các chuyên gia đánh giá trong hai quý cuối năm đà tăng trưởng này vẫn tiếp tục giữ nhịp. Đặc biệt, các chủ khách sạn đang rất kỳ vọng vào mùa du lịch đông khách cuối năm.

"Mây đen" đã dần tan và những hy vọng đang mở ra, tuy nhiên kết quả thực tế thì vẫn cần thời gian trả lời. Sau những “ngày đông lạnh giá”, điều cần làm lúc này của giới chủ khách sạn là tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ, linh hoạt trong hoạt động thu hút khách và… chờ đợi nắng lên.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/may-den-dang-dan-tan-tren-thi-truong-khach-san-1086111.html