Mây đĩa bay xám xịt bao trùm đỉnh núi lửa ở Philippines trước siêu bão Man-yi

Chỉ vài tiếng trước khi siêu bão Man-yi đổ bộ Philippines, đỉnh ngọn núi lửa nổi tiếng ở nước này được bao trùm bởi mây trông như đĩa bay khổng lồ xám xịt. Hiện tượng này được giải thích thế nào và khi loại mây đĩa bay này xuất hiện, chúng thường báo hiệu điều gì?

Vẫn biết Philippines là đất nước thường xuyên phải chịu bão, nhưng thật khó tưởng tượng là Philippines bị ảnh hưởng bởi nhiều bão dồn dập đến mức này: Siêu bão Man-yi đã đổ bộ tỉnh Catanduanes vào tối thứ Bảy, 16/11, và đây là cơn bão thứ 6 ảnh hưởng đến Philippines chỉ trong vòng một tháng. Mà trong 6 cơn bão đó, có đến 5 cơn bão đổ bộ trực tiếp.

Vài tiếng trước khi siêu bão Man-yi đổ bộ, lúc gần chiều tối 16/11, trên đỉnh núi lửa Mayon ở tỉnh Albay (Philippines) có một hiện tượng lạ: Dường như đỉnh núi này bị bao trùm bởi một “đĩa bay” khổng lồ - thực ra là mây giống hình đĩa bay rất lớn, màu xám xịt.

"Đĩa bay" khổng lồ trên đỉnh núi lửa ở Philippines. Ảnh: King John Lee Binlayo/ PWS.

"Đĩa bay" khổng lồ trên đỉnh núi lửa ở Philippines. Ảnh: King John Lee Binlayo/ PWS.

Mặc dù kiểu mây này trông rất giống đĩa bay nên thường được gọi là “mây đĩa bay/ mây UFO” (và nhiều người tưởng nó là đĩa bay thật!), nhưng thực tế, nó là mây dạng thấu kính, theo Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office). Loại mây độc đáo này hình thành khi không khí ổn định và gió thổi qua những ngọn đồi hoặc núi từ cùng hướng hoặc hướng tương tự ở những độ cao khác nhau qua tầng đối lưu của khí quyển.

Mây khổng lồ cao ngất, tối sầm. Ảnh: King John Lee Binlayo/ PWS.

Mây khổng lồ cao ngất, tối sầm. Ảnh: King John Lee Binlayo/ PWS.

Theo trang Geography Realm, nói một cách đơn giản, khi luồng không khí đang chuyển động ngang và nhanh gặp rào cản địa hình như một ngọn núi, không khí sẽ bị đẩy lên cao và vượt qua núi, tạo ra “sóng khí quyển”. Không khí bay lên cao thì lạnh đi ở trên đỉnh núi và làm ngưng tụ hơi nước trong không khí, tạo ra mây có hình cong vòng và xếp lớp trông giống như đĩa bay.

Mây thấu kính cũng là hiện tượng hiếm. Ảnh: King John Lee Binlayo/ PWS.

Mây thấu kính cũng là hiện tượng hiếm. Ảnh: King John Lee Binlayo/ PWS.

Mây thấu kính được coi là hiện tượng giúp dự báo thời tiết khá chính xác, vì chúng thường báo hiệu gió mạnh (trên mặt đất), mưa, bão mạnh, đôi khi là cả một trận bão tuyết lớn. Các phi công có xu hướng tránh bay gần mây thấu kính vì ở đó dễ có nhiễu động.

Về siêu bão Man-yi, PAGASA dự báo nó sẽ đổ bộ lần thứ hai trong ngày Chủ Nhật, 17/11, trước khi đi vào Biển Đông.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/may-dia-bay-xam-xit-bao-trum-dinh-nui-lua-o-philippines-truoc-sieu-bao-man-yi-post1692188.tpo