Máy đo nồng độ SpO2 chưa chắc đã chính xác
Kết quả không chính xác từ máy đo nồng độ SpO2, đặc biệt đối với các bệnh nhân da đen, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều ca tử vong vì Covid-19, theo New York Times.
Các nhà nghiên cứu mới đây đã có cảnh báo lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về kết quả máy đo nồng độ SpO2. Theo đó, máy đo nồng độ SpO2 có thể cho ra kết quả không đúng, đặc biệt ở các bệnh nhân da màu.
Vô tình phân biệt đối xử
Theo các nhà nghiên cứu, vào thời điểm đỉnh dịch, nồng độ oxy trong máu có thể quyết định phương pháp điều trị, lượng thuốc thang, bình oxy, thậm chí là giường bệnh cung cấp cho bệnh nhân. Do đó, việc máy đo nồng độ SpO2 cho ra kết quả không chính xác có thể góp phần gây nhiều khó khăn trong công tác điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, thậm chí gia tăng số ca tử vong ở đối tượng này.
Nhiều thập kỷ trước đại dịch, có nhiều nghiên cứu cho thấy kết quả từ máy đo SpO2 thiếu chính xác hơn trên người da màu so với kết quả xét nghiệm máu. Nhưng mãi đến những năm gần đây, các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra việc này có thể dẫn đến sự vô tình phân biệt điều trị Covid-19 ở những đối tượng chủng tộc khác nhau.
"Rất có thể các kết quả đo oxy sai đã dẫn đến số ca tử vong vì Covid-19 ở bệnh nhân da màu cao gấp nhiều lần so với bệnh nhân da trắng", tiến sĩ Amal Jubran, bác sĩ chuyên khoa Phổi tại Trung tâm Y tế Loyola Medicine, xác nhận với FDA các kết quả sai sót của máy đo SpO2 là "cực kỳ nguy hiểm" trong thời kỳ đỉnh dịch.
Tại cuộc họp với FDA, tiến sĩ cũng đưa ra nhiều dẫn chứng khác về hậu quả của việc sử dụng kết quả không chính xác từ các thiết bị đo nồng độ oxy trong bệnh viện lên những người da màu.
Theo một nghiên cứu của ĐH Michigan, khi đo bằng máy đo nồng độ SpO2, nhiều người da đen có tình trạng giảm oxy trong máu ảo hoặc lượng oxy trong máu thấp đáng kể so với người da trắng. Hiện tượng này được phát hiện ở 12% người da đen và gần 4% người da trắng.
TS Ian Wong từ ĐH Duke cho hay nhiều bệnh nhân da đen và gốc Tây Ban Nha mắc Covid-19 có hiện tượng giảm oxy trong máu ảo. Ông cũng phát hiện ra các bệnh nhân gặp hiện tượng này có nguy cơ tử vong khi nhập viện cao hơn 70% so với những bệnh nhân có kết quả đo chính xác.
Ngoài ra, các tiến sĩ từ ĐH Johns Hopkins cũng xác nhận bệnh nhân da đen và gốc Tây Ban Nha ít nhận được điều trị Covid-19 hơn khi nhập viện với tỷ lệ là 29% đối với người da đen và 23% đối với người gốc Tây Ban Nha.
Veverly Edwards, đại diện và là phụ nữ người Mỹ gốc Phi duy nhất trong ban hội thẩm chủ yếu là đàn ông da trắng, kêu gọi các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm. Cô cho rằng cộng đồng người da đen nên lên tiếng về vấn đề này. Điều này có thể có ảnh hưởng đến các nước có nhiều chủng tộc người da đen.
Bên cạnh chủng tộc, các nghiên cứu cũng xem xét ảnh hưởng của melanin trong da lên kết quả máy đo SpO2.
Từ sự việc này, PGS TS Eric Gartman từ ĐH Brown nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thử nghiệm thiết bị đo nồng độ SpO2 trên các bệnh nhân và trên người có nhiều tông màu da. Hiện tại, những thiết bị này đang được thử nghiệm chỉ trên người khỏe mạnh trong phòng thí nghiệm.
FDA cần hành động
FDA đã xem xét thu hồi các thiết bị đo oxy trong máu được chỉ định dùng cho bệnh nhân trong bệnh viện. Tuy nhiên, nếu được bán tự do ngoài bệnh viện, các thiết bị này lại không thuộc sự giám sát của bất kỳ cơ quan nào.
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng quy tắc quản lý máy đo SpO2 tại Mỹ quá lỏng lẻo. Điều này dẫn đến nhiều người bị đo sai nồng độ oxy, từ đó bị kê đơn sai, điều trị sai cách, thậm chí phải nhận quyết định ngừng sử dụng bình oxy hồi đại dịch.
Giáo sư Y khoa Murad Alam từ ĐH Northwestern, cho rằng việc thiếu quy định đối với các máy đo oxy được bày bán tự do là một vấn đề đáng lo. Theo ông, FDA cần phải điều chỉnh những quy định này.
Tiến sĩ Jesse Ehrenfeld, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ cho rằng FDA nên đưa ra cảnh báo cụ thể trên các thiết bị đo SpO2 để gia tăng nhận thức cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế cũng như tăng cường thử nghiệm các thiết bị này.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo người dân rằng các thiết bị đo nồng độ oxy được bày bán ngoài bệnh viện không được sử dụng cho mục đích y tế và không được FDA phê duyệt.
Họ cũng cho hay đang làm việc với các nhà nghiên cứu từ ĐH Stanford và ĐH California tại San Francisco để nghiên cứu hiệu suất thực tế của thiết bị này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/may-do-nong-do-spo2-chua-chac-da-chinh-xac-post1373318.html