May mắn thoát nạn vì có kiến thức phòng cháy, chữa cháy

Do được học và tập huấn về kiến thức phòng cháy chữa cháy nên một nạn nhân trong vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng không thoát ra bằng cửa chính, vì biết sẽ không còn cơ hội sống sót.

Thoát nạn trong gang tấc

Đêm 18/12, quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bốc cháy dữ dội khiến 11 người tử vong, 4 người bị thương đang cấp cứu tại Bệnh viện E.

Đại diện Bệnh viện E cho biết khoảng 23h20 ngày 18/12, bệnh viện tiếp nhận 4 nạn nhân trong vụ cháy. Sáng nay, cả 4 bệnh nhân sức khỏe cơ bản ổn định. Trong đó có 2 người nặng hơn do ngộ độc khí CO, đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.

Anh Vũ Văn Khanh, một trong những người may thoát nạn sau vụ cháy nhớ lại, lúc xảy ra hỏa hoạn anh đã vô cùng sợ hãi.

“Khoảng 22h30, tôi và 4 người bạn vào quán cà phê số 258 trên đường Phạm Văn Đồng ngồi uống nước và nghe mọi người hát. Chúng tôi ngồi được 30 phút thì nghe thấy tiếng tri hô "cháy, chạy đi" – anh Khanh kể.

Nhờ được tập huấn kỹ năng phòng cháy ,chữa cháy nên anh Cường có cơ hội sống. Ảnh: Quỳnh An

Nhờ được tập huấn kỹ năng phòng cháy ,chữa cháy nên anh Cường có cơ hội sống. Ảnh: Quỳnh An

Theo anh Khanh, ngọn lửa lúc đó bùng lên nhanh nên những người trong nhà không có cơ hội thoát ra bằng cửa chính. Anh Khanh vội chạy lên tầng 2 nhưng khói đen cũng bốc lên nghi ngút.

"Tôi đã kiệt sức nhưng vẫn cố gắng tìm cách thoát nạn. May mắn cảnh sát đến tìm thời và giải cứu khỏi đám cháy. Nếu chậm một đến hai phút nữa có lẽ tôi cũng không qua khỏi" - anh Khanh nói.

Cũng may mắn thoát khỏi cửa tử, anh Nguyễn Việt Cường, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết bản thân may mắn mới thoát khỏi vụ cháy kinh hoàng.

Anh kể, sau khi xem bóng đá xong, anh cùng một số người bạn ngồi lại hát karaoke thì quán bốc cháy.

"Nghe thấy tiếng tri hô cháy phía ngoài, tôi vội ngó ra thì thấy lửa đã bao trùm toàn bộ cửa chính. Lúc này, tôi bình tĩnh và nhanh chóng tìm cách thoát nạn" - anh Cường kể.

Do được học và tập huấn về kiến thức phòng cháy chữa cháy nên anh Cường không thoát ra bằng cửa chính, vì biết sẽ không còn cơ hội sống sót.

Chỉ trong tích tắc, anh Cường lấy chiếc khẩu trang trong túi bịt vào mũi rồi chạy lên tầng trên. Tại tầng 2 lúc này mọi thứ tối om, khói đen bao trùm dày đặc, anh Cường nằm sát xuống nền nhà, tìm cách bò ra cửa sổ.

"Tôi bò đến cửa sổ thì được cảnh sát cứu. Khi xảy ra vụ cháy, trong nhà mất điện nên nhiều người khó có thể tìm cách thoát nạn" - anh Cường chia sẻ.

Sử dụng các kỹ năng để giải cứu bản thân

Như vậy, những người may mắn sống sót cũng bởi họ đã được trang bị kỹ năng, kiến thức về phòng cháy chữa cháy. Về kỹ năng xử lý trước các tình huống cháy nổ, theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tử vong nhiều nhất khi có sự cố là do hít phải khói khí độc sinh ra khi có cháy, nổ xảy ra. Vì vậy, điều tiên quyết đầu tiên khi có cháy là cần bình tĩnh, suy xét để tìm lối thoát nạn an toàn để thoát ra ngoài.

Đặc biệt, nhà ở khu dân cư rất phổ biến dạng nhà ống, chỉ có một cửa ra vào kiêm lối thoát nạn, khi xảy ra cháy sẽ hết sức nguy hiểm. Việc trang bị kỹ năng thoát hiểm; thiết kế các đường “thoát nạn” và trang bị dụng cụ thoát hiểm, phương tiện chữa cháy (thang dây, mặt nạ phòng độc, kìm, búa tạ, bình chữa cháy xách tay…) đối với mỗi ngôi nhà là điều hết sức cần thiết.

Trong tình huống khẩn cấp, theo các chuyên gia, có thể sử dụng các kĩ năng thoát hiểm, phương tiện, dụng cụ thoát hiểm để giải cứu cho bản thân và những người trong gia đình. Đáng lưu ý, những “lối thoát nạn” được thiết kế còn giúp lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có thể tiếp cận và hỗ trợ chúng ta khi đám cháy xảy ra.

Chuyên gia cũng “mách” các kỹ năng thoát nạn để tự cứu thay bằng “đợi cứu”. Theo đó, điều đầu tiên là cần phải bình tĩnh. Khi thấy cháy, nổ, phải xác định ngọn lửa và nguồn khói, ổn định tâm lý để tìm cách rời đi càng nhanh chóng và an toàn càng tốt. Khói trong đám cháy sẽ cản trở tầm nhìn, để tránh ngạt khói và dễ nhìn hơn, hãy di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất và men bờ tường để tìm lối thoát nạn một cách nhanh nhất.

Nếu không thể tìm được một lối thoát an toàn hoặc nhận được sự trợ giúp của người khác, có thể thoát ra từ cửa sổ, ban công hay nhảy qua mái nhà bên cạnh

Nên bịt khăn thấm nước lên miệng, mũi để tránh ngạt khí và quấn chăn thấm nước lên người để tránh cháy quần áo, bỏng da. Đồng thời, dùng chăn ẩm ướt hoặc băng dính bịt kín các khe cửa để tránh khói, khí độc tràn vào phòng trong lúc tìm cách thoát thân và chờ lực lượng chữa cháy, cứu nạn.

Trong trường hợp quần áo bị cháy, hãy dừng di chuyển, nằm xuống và lăn qua lại liên tục cho đến khi ngọn lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió sẽ làm lửa cháy nhiều hơn.

Mỗi gia đình nên tự trang bị phương tiện chữa cháy, bình chữa cháy để tự chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Đồng thời, mở lối cửa thoát hiểm ra ngoài trên các chuồng cọp, lồng sắt, ban công và không sắp xếp hàng hóa, đồ đạc, tài sản cản trở lối thoát nạn.

SAN LAM

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/may-man-thoat-nan-vi-co-kien-thuc-phong-chay-chua-chay.html