May Sông Hồng hiện thực hóa giấc mơ chuỗi giá trị dệt may

Đến thăm Công ty cổ phần May Sông Hồng vào một ngày tháng 6, phòng khách của Công ty được bài trí như một showroom thu nhỏ với những bộ trang phục được cắt may sắc sảo, công phu. Sau giai đoạn chủ động về nguồn nguyên liệu, cắt may, May Sông Hồng đang chuẩn bị bắt đầu một hành trình mới: Sản xuất theo phương thức ODM (thiết kế, nguyên liệu và cắt may).

Vững vàng trên đại dương xanh

Nhiều năm qua, ngành dệt may Việt Nam liên tục tăng trưởng nhanh về kim ngạch xuất khẩu, nhưng có một thực tế là giá trị gia tăng của ngành vẫn đạt mức thấp, do các doanh nghiệp chủ yếu vẫn thực hiện gia công theo phương thức CMT (cắt may) cho các khách hàng nước ngoài. May Sông Hồng nằm trong số ít doanh nghiệp đã chọn một lối đi khác: bền bỉ đầu tư và theo đuổi các phương thức sản xuất đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Công ty đã chuyển đổi thành công sang phương thức sản xuất FOB (chủ động về nguồn nguyên liệu và cắt may) với tỷ trọng lên tới 70% năng lực sản xuất cho tới nay.

Trò chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng cho biết, nửa đầu năm nay, Công ty tiếp tục đẩy mạnh mảng FOB, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), bắt đầu triển khai phương thức sản xuất ODM.

Những bước chuyển liên tục để làm mới mình, gia tăng nội lực đã tạo cho May Sông Hồng có được sức bật mạnh mẽ. Điều đó có thể thấy được qua con số lợi nhuận quý I/2019 tăng trưởng tới 78% so với cùng kỳ năm 2018.

Mổ xẻ báo cáo tài chính của May Sông Hồng, giới phân tích chứng khoán nhận xét, việc dịch chuyển sản xuất sang mảng FOB đã hỗ trợ cho biên lãi gộp của Công ty cải thiện tích cực, đạt trên 20%. Đồng thời, với việc áp dụng công nghệ sâu vào sản xuất và quản lý doanh nghiệp đã giúp chi phí bán hàng và quản lý không tăng, thậm chí giảm, góp phần nâng lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng mạnh.

Hiện tại, mảng sản xuất CMT vẫn chiếm 30% tổng đơn hàng của May Sông Hồng. Ban lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu sẽ nâng giá trị xuất khẩu hàng FOB từ 115 triệu USD trong năm 2018 lên con số 150 triệu USD trong năm nay. Khi dịch chuyển càng nhiều các đơn hàng từ phương thức CMT sang FOB, lợi nhuận của Công ty sẽ ấn tượng hơn nhiều. Không chia sẻ con số cụ thể, nhưng ông Quang tiết lộ, “kết quả quý II dự kiến vẫn tích cực”.

Với một ngành mang nặng tính gia công như dệt may, việc chuyển đổi sang sản xuất theo phương thức ODM sẽ là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn với doanh nghiệp, thậm chí phải chấp nhận thất bại bước đầu.

Ban lãnh đạo May Sông Hồng thấy rõ điều đó nhưng tin tưởng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục được những thách thức lớn này trên con đường nâng tầm thương hiệu trên bản đồ xuất khẩu thời trang toàn cầu, khai thác nhiều hơn, có hiệu quả cao hơn những cơ hội từ thị trường thế giới. Trên trang web của Công ty thời gian gần đây liên tục đăng tải các thông điệp chiêu mộ hiền tài trong lĩnh vực thiết kế, đặc biệt cánh cửa May Sông Hồng rộng mở với các nhà thiết kế trẻ trong nước.

Với May Sông Hồng, họ có sân chơi lớn để chứng minh mình có thể công phá những tường thành tưởng như chưa bao giờ với tới. Đó là những sản phẩm được thiết kế và cắt may hoàn toàn bằng những bàn tay khéo léo của người Việt.

Một nét nổi bật khác ở May Sông Hồng được giới phân tích chứng khoán quan tâm là đầu tư cho R&D. Nhiều sáng kiến và giải pháp hữu ích được đội ngũ cán bộ, công nhân viên đề xuất được đưa vào ứng dụng, triển khai đã giúp Công ty tối ưu được nguồn nguyên liệu đầu vào, chủ động trước những biến động khó lường trên thị trường; tự động hóa để nâng cao năng suất lao động; tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao và giá trị gia tăng cao.

“R&D giúp giải quyết những vấn đề phát sinh trong sản xuất, tiến tới là việc tạo ra các loại nguyên vật liệu mới, cách thức sản xuất mới trong tương lai”, lãnh đạo Công ty chia sẻ.

Tận dụng cơ hội từ “thương chiến”

Đến thời điểm này, May Sông Hồng đã ký kết được 70% đơn hàng cho năm 2019. Công ty đã triển khai sản xuất những đơn hàng đầu tiên cho các khách hàng chiến lược mới như Li&fung bên cạnh các khách hàng truyền thống Sportwear, Haddad Brands (Nike, Levi’s, Converse, Hurley), GIII (Calvin Klein, Tommy Highfigher, DKNY). Khả năng mở rộng đối tác và đa dạng hóa đơn hàng chính là một điểm mạnh của May Sông Hồng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Công ty.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra những thay đổi lớn trên các thị trường thế giới, dệt may không là ngoại lệ.

Theo Hiệp hội Dệt may Mỹ, Trung Quốc là nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất vào thị trường Mỹ với thị phần 36%. Từ năm 2014 đến năm 2018, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc tại thị trường Mỹ có dấu hiệu giảm dần. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra có thể sẽ tạo cơ hội tốt cho các thị trường khác như Việt Nam, Bangladesh, Mexico tiếp tục gia tăng thị phần tại Mỹ nhờ có sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc.

Trước những lo ngại về hàng rào bảo hộ với những chiêu đòn như điều tra thuế chống bán phá giá lên hàng dệt may Việt Nam khi thị phần tại Mỹ tăng vọt, ông Quang phân tích, Mỹ đang trông chờ sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, sẽ khó có khả năng chiến tranh thương mại gây khó dễ cho hàng Việt Nam.

Quan trọng hơn, tại Mỹ, hầu như không có hoạt động sản xuất hàng may mặc, đặc biệt là hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đang có giá cao hơn so với hàng có xuất xứ từ một số nước châu Á như Bangladesh, Campuchia, Myanmar nên hàng dệt may Việt Nam không phải lo lắng về nguy cơ này.

Bên cạnh thị trường Mỹ, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP cũng rất rộng mở. Trong đó, Nhật, Canada là 2 quốc gia trong CPTPP nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam nhiều nhất. Tại Nhật, tỷ trọng hàng dệt may Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu hàng may mặc, tuy nhiên đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Trong khi đó, thị phần hàng dệt may Việt Nam tại thị trường này đang có xu hướng tăng, nhất là khi thuế suất nhập khẩu về 0%.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng kết thúc đàm phán trong năm 2019 với sự tham gia của 6 quốc gia mà ASEAN có thỏa thuận thương mại tự do, bao gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định nếu được thông qua không chỉ hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu với giá hợp lý (Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nước xuất khẩu nguyên vật liệu dệt may nhiều nhất cho Việt Nam).

Cơ hội không thiếu, vấn đề là tận dụng như thế nào? Với May Sông Hồng, trong 6 tháng cuối năm, Công ty cho biết sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống quản trị; mở rộng mạng lưới khách hàng chiến lược và quản lý chặt chẽ chi phí.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại chưa rõ hồi kết có thể mang lại những hậu quả tiêu cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến nhu cầu hàng thời trang, sức mua trên các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang phần nào giảm sút, vì vậy, Công ty hiện vẫn thận trọng và tận dụng mọi cơ hội để đa dạng hơn nguồn hàng hóa để tránh bị ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận năm 2019 và những năm sau.

Với một ban lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và mạnh tay đầu tư cho những giải pháp mới nhằm liên tục gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng được môi trường làm việc luôn tạo điều kiện tốt nhất để người lao động tự do sáng tạo, phát huy thế mạnh, May Sông Hồng đang có nền tảng vững vàng để tiếp tục vươn xa, nuôi giấc mơ tạo dựng vị thế mới cho dệt may Việt trên hoàn cầu.

Phương Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-dong-doanh-nghiep/may-song-hong-hien-thuc-hoa-giac-mo-chuoi-gia-tri-det-may-270019.html