Từ khi Intel ngưng ra mắt các dòng mini PC NUC, tiêu chuẩn này được cung cấp tới nhiều nhà sản xuất để họ tùy biến sản phẩm phù hợp với nhóm khách hàng nhất định. MSI nhắm đến người dùng doanh nghiệp bằng dòng Cubi NUC có khả năng gắn trực tiếp lên màn hình, tối ưu hóa cổng kết nối và đủ mạnh cho các văn phòng hiện đại.
Model Cubi NUC 1M có cạnh dài nhất ngắn hơn một chiếc iPhone. Với không gian hạn chế, nhà sản xuất vẫn có thể trang bị đầy đủ cổng cắm thông dụng, kết nối Internet tốc độ cao và một cấu hình đủ dùng cho tác vụ văn phòng, xử lý hình ảnh cơ bản.
Đa phần kết nối quan trọng được đặt ở mặt sau với hai cổng HDMI kích thước chuẩn, hai USB-C hỗ trợ Thunderbolt 4, hai cổng LAN 2.5 GHz, hai USB A 3.0 và lỗ cắm nguồn. Mặt trước có khe cắm micro/tai nghe, thêm hai cổng USB A thuận tiện cho việc gắn phụ kiện cùng một khe thẻ micro SD.
Số cổng cắm Cubi NUC 1M hỗ trợ rất đa dạng và tiên tiến. Nhiều máy tính xách tay, mainboard ra mắt gần đây chưa có lượng kết nối nhiều như chiếc máy tính mini này. Điểm trừ lớn nhất nằm ở micro SD, vốn không phổ biến, ít cần thiết hơn một khe SD tiêu chuẩn.
Chức năng thú vị nhất của mẫu máy là khả năng gắn lên mặt sau của các màn hình có hỗ trợ ngàm VESA. Thông qua phụ kiện là tấm thép đóng vai trò mặt chuyển, người dùng có thể kết nối PC và bộ phận hiển thị, hoạt động như một máy tính All-in-one kiểu iMac.
Giải pháp của nhà sản xuất là hướng đi mới cho các dòng mini PC, chưa được khai thác trên thị trường. Nó giúp tiết kiệm không gian trên bàn làm việc tại văn phòng, giấu hầu hết dây kết nối ở phía sau màn hình, tăng tính thẩm mỹ. So với các máy tính All-in-one, Cubi NUC có ưu thế cổng kết nối, khả năng nâng cấp linh hoạt.
Tuy nhiên, giải pháp này vẫn có hạn chế khi người dùng cần thao tác với nút bấm, khe cắm trên máy. Với lượng dây kết nối lớn, khó tránh khỏi việc mặt sau của hệ thống có phần "bừa bộn". Khi gắn Cubi NUC lên màn hình, người dùng cũng phải hi sinh nhu cầu kết nối với các loại tay nâng, vì ngàm VESA đã bị che.
Chức năng "gắn lưng" có thể làm việc với mọi màn hình có hỗ trợ ngàm VESA. Tuy nhiên để tối ưu thao tác, MSI ra mắt chung với dòng Cubi NUC các loại màn hình có hỗ trợ Power Link. Chức năng này sẽ dùng kết nối HDMI, tự bật máy tính khi người dùng mở nguồn màn hình. Như vậy, điểm trừ về thao tác khởi động có thể được giải quyết. Hãng cũng cung cấp một module phím nguồn gắn rời, để đưa nút này đến vị trí thuận tiện hơn cho người dùng không sở hữu các loại màn hình có hỗ trợ Power Link.
Cubi NUC 1M có nhiều bản cấu hình, khởi điểm từ CPU Intel Core 3, không có RAM, ổ cứng. Phiên bản trong bài viết thử nghiệm dùng CPU Intel Core 7 150, 16 GB RAM DDR5 và 512 SSD, gần như cao cấp nhất đang bán tại Việt Nam, có giá khoảng 20 triệu đồng. Cấu hình tương tự cho một chiếc laptop hiện có giá khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên khi dùng mini PC, người dùng cần trả thêm chi phí cho màn hình, chuột, bàn phím.
Trong đa số điều kiện sử dụng, máy có thể xử lý tốt tác vụ trên trình duyệt hay bộ office của Microsoft mà không bị giật. Sản phẩm cũng đủ sức phục vụ các công việc đồ họa cơ bản như thiết kế 2D hay dựng phim độ phân giải Full HD. Tuy nhiên, giới hạn của một chiếc mini PC văn phòng, không card đồ họa khiến các tác vụ như render video không quá nhanh và quạt kêu to.
Cubi NUC 1M có thể không phải lựa chọn tối ưu nhất với người dùng cần hiệu suất cao nhất trên giá tiền. Đây là giải pháp được thiết kế cho khách hàng doanh nghiệp, dễ vận hành và quản lý trên số lượng lớn. Đồng thời, kiểu thiết kế gắn sau màn hình giúp sản phẩm của MSI trở nên tiện dụng hơn trong các điều kiện sử dụng thực tế.
Xuân Sang