MBS hiến kế để Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi
Các giải pháp liên quan đến sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cơ chế thanh toán DvP sẽ giúp Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trong kịch bản lạc quan, nhiều nhà phân tích kỳ vọng FTSE sẽ nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá tháng 9/2021 và chính thức được nâng hạng từ tháng 3/2022.
Dự báo về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021, giới chuyên gia cho rằng, xu thế tăng dài hạn đã hình thành. Giới quan sát kỳ vọng hiệu ứng gia nhập thị trường mới nổi sẽ tiếp tục là lực đẩy với chỉ số VN-Index trong thời gian tới, đặc biệt là khi MSCI có thể đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ kỳ đánh giá tháng 6/2022.
CTCP Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố báo cáo chiến lược năm 2021. Báo cáo đưa ra bức tranh tổng quan về thị trường chứng khoán năm 2020, đồng thời nhận định về triển vọng và chiến lược đầu tư cho năm 2021.
Quan điểm của MBS là để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường mới nổi, Việt Nam cần mở rộng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài để tăng quy mô vốn hóa thị trường và tăng tỷ trọng của thị trường Việt Nam trong rổ chỉ số của thị trường mới nổi.
Song giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không phải rào cản lớn nhất đối với triển vọng nâng hạng của Việt Nam. Một quốc gia vẫn có khả năng lên hạng chỉ với 3 cổ phiếu thỏa mãn các điều kiện về vốn hóa và thanh khoản.
Việt Nam có những biện pháp thay thế để cải thiện tình trạng đó - bao gồm cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVS), chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).
Yếu tố thứ hai liên quan đến triển vọng nâng hạng là cơ chế thanh toán DvP (Delivery versus payment), không yêu cầu ký quỹ thanh toán (pre-fund trades). MBS nhận định các nhà quản lý quỹ nước ngoài không thể giữ ngoại tệ trong danh mục, nên quy định ký quỹ thanh toán để mua cổ phiếu là một điểm trừ cho tiêu chí vận hành thị trường. Ngay cả chu kỳ giao dịch T+0 cũng không góp phần cải thiện tiêu chí do những hạn chế về chênh lệch múi giờ và khả năng sửa lỗi giao dịch.
Các nhà quản lý quỹ nước ngoài cần cơ chế thanh toán DvP (thoạt động chuyển giao chứng khoán đối ứng với hoạt động thanh toán tiền) trong chu kỳ giao dịch T+2 hoặc T+3 để họ vẫn có khả năng sửa lỗi giao dịch (nếu phát sinh).
Việc dự kiến hạ tỷ lệ ký quỹ thanh toán từ 100% xuống 10 - 20% của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) có thể cải thiện đánh giá của các NĐT nước ngoài cho tiêu chí đó.
Cuối cùng, cấu trúc tài khoản tổng (omnibus account) cho phép đại diện các quỹ đầu tư nước ngoài được giao dịch đồng thời cho nhiều tài khoản ẩn danh. Cấu trúc tài khoản tổng đã trở thành một điều kiện nâng hạng đối với trường hợp của Kuwait, trong khi các quốc gia lên hạng trước đây như UAE, Qatar và Arab Saudi không cần điều kiện tương tự.