McKinsey: Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đất nước có giá trị tài sản ròng cao nhất thế giới

The báo cáo của McKinsey, giá trị tài sản ròng của Trung Quốc đã đạt 120 nghìn tỷ USD năm 2020. Một con số ấn tượng và lớn nhất trên thế giới.

Theo một báo cáo mới đây nhất của McKinsey Global Institute, giá trị tài sản ròng của Trung Quốc đã đạt 120 nghìn tỷ USD vào năm 2020, vượt 89 nghìn tỷ USD của Mỹ khi thị trường bất động sản của quốc gia này phát triển mạnh trong năm ngoái đã thúc đẩy giá trị tài sản tăng lên.

Sự bùng nổ bất động sản của Trung Quốc đã đẩy giá trị tài sản ròng của nước này lên 120 nghìn tỷ USD, cao hơn mức 89 nghìn tỷ USD của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Báo cáo của McKinsey bao gồm 10 quốc gia chiếm 60% thu nhập của thế giới. Tổng giá trị ròng của nhóm này đã tăng gấp ba lần lên 510 nghìn tỷ USD.

Tài sản ròng của Trung Quốc - giá trị của tổng tài sản trừ đi nợ phải trả - đã tăng từ 7 nghìn tỷ USD lên 17 tỷ USD sau hai thập kỷ. Quốc gia này chiếm 23% tổng số tài sản ròng thế giới vào năm 2020, trong khi tỷ lệ của Mỹ là 17%, tiếp theo là Nhật Bản, chiếm 7%, ở mức 35 nghìn tỷ USD.

Trong nhóm 10 quốc gia trên còn có Pháp, Đức, Canada, Úc, Anh, Mexico và Thụy Điển.

Báo cáo cho thấy Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ, với giá trị ròng đạt 130% của Mỹ vào năm ngoái.

Giá tài sản tăng cao là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc. Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển E-House Trung Quốc, giá nhà trung bình ở 50 thành phố lớn của Trung Quốc cao gấp 13 lần so với mức thu nhập trung bình. Con số này lớn hơn gấp 10 lần so với năm 2015.

Một phần số tiền mà chính phủ Trung Quốc đã bơm vào nền kinh tế như một phần của ứng phó với đại dịch đã chảy vào thị trường bất động sản.

Trung Quốc không có một loại thuế tài sản cố định hoặc thuế thừa kế thống nhất. Chi phí sở hữu bất động sản thấp đã khiến mọi người không muốn bán lại bất động sản của họ, và đẩy giá lên cao hơn nữa.

Với niềm tin rằng giá bất động sản không sụt giảm đã ăn sâu vào tâm trí người dân quốc gia, giá nhà trung bình tại quốc gia này đã tăng gấp 5 lần trong suốt 20 năm qua. Mức tăng tổng thể là 200% đối với 10 quốc gia được đề cập trong báo cáo trên.

Các chính quyền địa phương bị mắc kẹt tiền mặt ở Trung Quốc đã phải dựa vào doanh thu từ việc bán quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước cho các nhà phát triển bất động sản.

Quốc gia duy nhất khác đã từng vượt qua Mỹ là Nhật Bản, quốc gia này có tỷ trọng tài sản ròng đạt 23% vào năm 1990, cao hơn Mỹ một điểm.

Đó là thời điểm gần kết thúc bong bóng bất động sản cao cấp của Nhật Bản đã đẩy giá lên cao đến mức các nhà quan sát nhận xét rằng “giá bất động sản trung tâm Tokyo khi ấy còn có thể mua được toàn bộ nước Mỹ.”

Giá trị ròng của Nhật Bản đạt 8,3 lần GDP vào năm 1990, giống như mức 8,2 lần của Trung Quốc vào năm 2020.

Nhật Bản sau đó đã chứng kiến sự giàu có của mình giảm đi sau khi bong bóng bất động sản vỡ.

Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thực hiện các bước để kiềm chế đầu cơ bất động sản khi công chúng ngày càng thất vọng với giá nhà chung cư cao ở các thành phố.

Nhưng việc thắt chặt thị trường đột ngột có thể làm rung chuyển hệ thống tài chính và gây ra tình trạng trì trệ kinh tế trong thời gian dài.

Tại Nhật Bản, giới hạn đầu tư bất động sản do Bộ Tài chính đưa ra đã góp phần làm bong bóng bất động sản tan vỡ.

Trung Quốc trong Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương từ ngày 8 đến 10 tháng 12 vừa qua đã phát đi tín hiệu về kế hoạch sửa đổi các hạn chế đầu tư bất động sản của mình. Cho thấy rằng kỹ thuật hạ cánh mềm của thị trường bất động sản là rất quan trọng đối với đội ngũ lãnh đạo của Bắc Kinh.

Huy Hoàng (Theo Asia Nikkei)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mckinsey-trung-quoc-vuot-my-tro-thanh-dat-nuoc-co-gia-tri-tai-san-rong-cao-nhat-the-gioi-post173370.html