Mẹ bỉm sữa cầm đầu đường dây trộm trâu bò để xẻ thịt

Dù đang nuôi con nhỏ nhưng Nguyễn Thùy Lê (Nghệ An) vẫn cầm đầu đường dây trộm trâu bò để mổ thịt bán. Các đồng phạm tham gia vào đường dây này có người thừa nhận dù rất áy náy lương tâm nhưng vẫn làm vì... cần tiền chữa bệnh cho con.

Bị cáo Nguyễn Thùy Lê điều hành đường dây trộm trâu bò khi đang nuôi con nhỏ.

Bị cáo Nguyễn Thùy Lê điều hành đường dây trộm trâu bò khi đang nuôi con nhỏ.

Mang cả xe tải đi trộm trâu bò

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”, đối với bà con đồng bào miền núi, con trâu, con bò là tài sản lớn đối với mỗi gia đình. Theo tập tục chăn nuôi của người dân miền núi Nghệ An, họ thường thả rông trâu, bò ở trong rừng hoặc khu vực đồi núi. Hàng tuần, thậm chí cả tháng họ mới đi kiểm tra một lần. Cũng có gia đình buổi tối đưa trâu bò về nhưng chuồng trại ở cách xa nhà nên cũng không quản lý được.

Nắm được thói quen của bà con đồng bào và lợi dụng đặc điểm địa hình rừng núi rậm rạp, vắng vẻ, dân cư sinh sống còn thưa thớt, có nhiều đường tắt, lối mòn nhỏ… nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi trộm cắp trâu bò, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trong đó có nhóm trộm do Nguyễn Thùy Lê (SN 1991), trú thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) cầm đầu.

Lê là chủ một lò mổ gia súc có tiếng trên địa bàn. Biết bà con đồng bào thường thả rông trâu bò nên Lê đã rủ rê nhóm thanh niên gồm Lô Văn Nhất (SN 1990), Lô Văn Thu (SN 1997) trú xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) tham gia.

Theo đó, khoảng Tháng 7/2020, khi gặp Thu và Nhất đến mua thịt, Lê nói tiếng lóng rủ 2 thanh niên này “đi dắt hàng bộ đội”. Nhất không hiểu từ đó nên hỏi lại “hàng bộ đội là hàng gì” thì Lê trả lời “là trâu bò trộm được”. Bà chủ lò mổ này cam kết sẽ mua hết toàn bộ số trâu, bò mà các đối tượng trộm được, tiền bạc sẽ sòng phẳng.

Nhất hiểu việc trộm trâu bò là vi phạm pháp luật nhưng vẫn đồng ý. Sau đó, Nhất rủ thêm Lô Văn Huy (SN 1990, trú xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu), Nguyễn Danh Sơn (SN 1982, trú xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) cùng gia nhập đội quân trộm trâu, bò. Các đối tượng này sau đó đã đi lùng sục, thực hiện nhiều vụ trộm trâu bò trên địa bàn huyện Quỳ Châu, Quế Phong.

Thủ đoạn mà các đối tượng thực hiện là đi vào khu vực rừng núi, nơi người dân thường thả rông trâu bò để tìm “con mồi” hoặc theo dõi những con trâu, bò được buộc ngoài bụi cây, rồi dẫn đi nơi khác. Sau khi tiếp cận được trâu bò, các đối tượng dẫn đi nơi khác để tránh bị phát hiện rồi gọi điện thông báo cho Lê. Chủ lò mổ sẽ thuê xe tải đến chở trâu, bò đưa về nhà mình tiêu thụ.

Bằng thủ đoạn trên, trong thời gian từ Tháng 7 - 10/2020 các đối tượng đã thực hiện 8 vụ trộm cắp 9 con trâu, bò với tổng giá trị tài sản 173 triệu đồng. Khi biết hành vi trộm trâu bò của mình bị bại lộ, ngày 24/10/2020, Lô Văn Nhất đến công an đầu thú. Các đối tượng liên quan đến vụ án lần lượt bị bắt giữ.

 Bị cáo Sơn khai dù lương tâm cắn rứt nhưng vẫn đi ăn trộm.

Bị cáo Sơn khai dù lương tâm cắn rứt nhưng vẫn đi ăn trộm.

“Lương tâm cắn rứt nhưng vẫn làm”

Với tội Trộm cắp tài sản, hai bị cáo Nguyễn Thùy Lê và Lô Văn Nhất bị tòa án sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù. Bị cáo Nguyễn Danh Sơn 5 năm tù, Lô Văn Huy 4 năm 6 tháng tù, Lô Văn Thu 4 năm tù. Cho rằng mức án trên là nặng, bị cáo Lê kháng cáo xin được hưởng án treo, còn các bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm vừa diễn ra, bị cáo Lê thay đổi nội dung kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt. Lê khai lợi dụng sự sơ hở trong quản lý trâu bò của người dân nên đã rủ rê Nhất đi trộm trâu bò về bán cho mình. “Bị cáo biết rõ hành vi đó là vi phạm pháp luật nhưng làm vì hám lợi”, Lê thừa nhận trước tòa. Bị cáo này trình bày hiện đang nuôi con nhỏ để xin tòa giảm nhẹ hình phạt.

Đưa ra lý do xin kháng cáo giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Nhất trình bày hoàn cảnh khó khăn, anh trai đang chạy thận, áp lực kinh tế nên đã thực hiện hành vi trộm cắp. Trước khi phiên xử phúc thẩm diễn ra, Nhất cũng nộp một số giấy tờ chứng minh mình đang điều trị tại bệnh viện tâm thần để xin giảm nhẹ hình phạt.

Đồng phạm trong vụ án, bị cáo Sơn cũng đưa ra lý do hoàn cảnh khó khăn để xin tòa giảm án. Sơn khai đứa con út từ khi sinh ra không may mắc bệnh hiểm nghèo. Hai vợ chồng đã đưa con đi chữa khắp nơi tốn kém nhiều tiền bạc. Do đó, khi có người rủ rê trộm cắp, bị cáo đã thực hiện.

Người đàn ông nay thừa nhận việc trộm luôn cả trâu bò của hàng xóm để đem đi bán. “Khi thấy hàng xóm đi tìm trâu bò, bị cáo cảm thấy lương tâm cắn rứt nhưng lúc đó vì cần tiền chữa bệnh cho con nên đành làm lơ”, Sơn khai trước tòa và cho biết vì hành vi của mình mà mối quan hệ với hàng xóm vẫn chưa hàn gắn được như xưa. Đó cũng là điều bị cáo cảm thấy day dứt, xấu hổ.

HĐXX cho rằng, lý do của bị cáo đưa ra là khó chấp nhận. Bị cáo đã là bố của 3 đứa con, càng phải gương mẫu cho các con, chứ không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh mà vi phạm pháp luật. Chỉ đến lúc này, Sơn mới im lặng không kể khổ nữa và xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt vì đã khắc phục một phần thiệt hại cho các bị hại.

Cũng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Thu khai do “kém hiểu biết pháp luật nên đi trộm”. Còn bị cáo Huy đưa ra lý do “vì chưa có gia đình, đang là thanh niên, bị bạn bè rủ rê đã tham gia trộm. Số tiền được chia, bị cáo đã ăn tiêu, nhậu nhẹt, thuốc lá hết”.

Tòa phúc thẩm nhận định, các bị cáo đã lợi dụng sự sơ hở trong quản lý tài sản của chủ sở hữu, lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác là vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trong vụ án này, bị cáo Lê là người chủ động rủ rê lôi kéo các đối tượng khác tham gia trộm trâu bò nên phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng cũng cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như thành khẩn khai báo, bị hại có đơn xin giảm án, đã khắc phục một phần thiệt hại cho các bị hại.

Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của các bị cáo. Sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm hình phạt cho các bị cáo. Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thùy Lê 4 năm tù, bị cáo Lô Văn Nhất 3 năm 6 tháng tù, Nguyễn Danh Sơn 3 năm tù, Lô Văn Huy 2 năm 3 tháng tù, bị cáo Lô Văn Thu 2 năm tù. Buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại cho các bị hại (được trừ đi số tiền đã bồi thường).

Do đang nuôi con nhỏ nên Nguyễn Thùy Lê được tại ngoại, chờ ngày thi hành án. Trong khi đó, trước khi bị áp tải ra về, bị cáo Sơn chỉ kịp quay lại nhìn đứa con nhỏ không may mắc bệnh hiểm nghèo được người thân bế vào phòng xử án. Nỗi ân hận, day dứt khiến ông bố trẻ rơi nước mắt. Hy vọng đứa con nhỏ là động lực để ông bố này sửa chữa lỗi lầm, sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình, chuộc lại lỗi với vợ con và gia đình hàng xóm mà trước đó gã đã trộm trâu bò.

Hoàng Long

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/me-bim-sua-cam-dau-duong-day-trom-trau-bo-de-xe-thit-post445310.html