Mẹ bỉm sữa để bị áp xe vú vừa khổ mẹ, thiệt thòi cho con
'Chị em tuyệt đối không được chủ quan, cố gắng chịu đựng đến mức dòng sữa bị tắc lâu chuyển thành áp xe vú. Phải điều trị sẽ vừa đau đớn, thiệt thòi cho con không được bú đủ sữa mẹ lại vừa tốn kém về kinh tế' – Bác sĩ bác sĩ Phạm Thị Hậu, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc khuyến cáo.
Sinh mổ con trai thứ 2 được 2 tháng thì chị Nguyễn Thị Nga (Vĩnh Phúc) bị tắc tia sữa, sốt. Chị Nga vốn nhiều sữa nên con trai bú mẹ hoàn toàn, con bú no đêm và ngủ một mạch đến 3, 4 giờ sáng mới bú một cữ nữa. Chính vì thế, khi sữa mẹ về nhiều, chi không vắt kiệt, dẫn tới tắc tia sữa.
Chị Nga bắt đầu sốt cao, vú có cục sưng cứng và đau. Nghĩ đơn giản là cục sữa bị tắc nên chị Nga cho con bú và vắt sữa, kết hợp day, chườm nóng, hy vọng cục sưng sẽ tan. Tuy nhiên, chỗ sưng không có tín hiệu giảm đi mà còn đau hơn, thêm vào đó còn có hiện tượng nổi hạch ở hố nách. Chị Nga quyết định đến bệnh viện để khám và bị kết luận áp xe vú kích thước 14x15mm, hạch nách 19mm và được chỉ định chích nặn mủ.
Sau khi được bác sĩ sát trùng, gây tê, rạch một đường khoảng 4cm, rồi nặn mủ ra ngoài. Chị Nga cho hay, cảm giác đó còn bị đau hơn cả khi mổ đẻ. Sau khi nặn mủ, bác sĩ đặt một miếng gạc bên trong chỗ rạch (gọi là gạc dẫn lưu) rồi băng vết thương lại. Trong 5-6 giờ đầu sau khi mổ, bác sĩ dặn chị không được cho con bú mẹ. Chị Nga phải uống thuốc kháng sinh, vắt sữa liên tục bên vú bị đau để bỏ đi vì sữa bị bẩn. Vú còn lại chị vẫn cho con bú bình thường được, tuy nhiên không đủ no nên phải cho con ăn sữa ngoài.
Hàng ngày, chị Nga phải tới bệnh viện thay băng, nặn mủ, đặt gạc dẫn lưu mà đến ngày thứ 4, mủ vẫn còn rất nhiều. Bác sĩ chẩn đoán, do sữa chảy vào chỗ rạch tạo thành mủ, nên chị Nga phải hút sữa liên tục. Đến ngày thứ 7, tình trạng vẫn không khả quan hơn, chị Nga quyết định uống thuốc tiêu sữa vì quyết định cai sữa sớm để vết thương nhanh khỏi dù rất thương con trai phải uống sữa ngoài. Mãi 2 tuần sau thì vết thương mới liền miệng, chị Nga có thể bắt đầu cho con bú lại. Thật may vì con chị không phải cai sữa sớm khi chưa đầy 3 tháng. Chị tự nhủ cần phải hết sức thận trọng để không bị tắc tia sữa, áp xe.
Qua tình trạng của chị Nga, bác sĩ Phạm Thị Hậu, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc cho biết, với những chị em sau sinh nên chú ý chịu khó vắt bỏ sữa thừa nếu con không bú hết. Khi có dấu hiệu tắc tia sữa, chị em cần tích cực xoa bóp bằng tay, chườm nóng, cho con bú hoặc hút sữa. Đặc biệt, nếu cảm thấy tia sữa không thông, nên tới bệnh viện chiếu đèn hồng ngoại. Việc này không chỉ giúp chị em thông tia sữa nhanh chóng, không đau đớn mà còn tránh được nguy cơ bị áp xe vú.
Bác sĩ Hậu khuyến cáo, chị em tuyệt đối không được chủ quan, cố gắng chịu đựng để đến mức dòng sữa bị tắc lâu chuyển thành áp xe, điều trị vừa đau đớn, vừa thiệt thòi cho con không được bú sữa mẹ đủ lại tốn kém về kinh tế. Uống kháng sinh 2 tuần cũng khiến cơ thể chị em mệt mỏi, khó chịu. Nguy hiểm hơn, nếu áp xe vú không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến tuyến vú mất chức năng tiết sữa gây mất sữa, thậm chí có thể dẫn đến hoại tử. Các nhiễm trùng từ ổ áp xe vú cũng có thể lan sang các mạch máu đi toàn cơ thể dẫn đến các biến chứng nặng như nhiễm trùng huyết, suy thận, nặng hơn là gây hoại tử các chi.