Mẹ chăm 2 con mắc Adenovirus tại nhà, chuyên gia khuyên không nên tự xét nghiệm
Theo các chuyên gia, người dân không nên tự xét nghiệm Adonevirus bởi không cần thiết. Bệnh nhân chỉ nhập viện và xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
2 con nhiễm Adonevirus nhưng mẹ tự chăm ở nhà
Hiện nay, bệnh do Adenovirus tại một số cơ sở y tế ở Hà Nội tăng cao, dẫn đến quá tải. Một trong những nguyên nhân là do phụ huynh quá lo lắng, nên khi biết con mắc Adenovirus thì tìm cách cho con nhập viện, dù tình trạng nhẹ. Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, tự chăm sóc, điều trị tại nhà cho con. Trường hợp gia đình chị Lê Thu Huyền (quận Hà Đông, Hà Nội) là ví dụ.
Chị Huyền cho biết, cách đây khoảng 1 tuần, 2 con (bé lớn 7 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi) đều có biểu hiện ho, sốt, chảy nước mũi. Chị theo dõi sức khỏe của con, đến ngày thứ 3 nhưng không đỡ, thậm chí sốt cao. Vì thế, chị đã đưa con đến phòng khám tư để thăm khám. Tại đây, bác sĩ cho rằng, còn bị bệnh viêm đường hô hấp trên nên cho đơn thuốc về uống.
Tuy nhiên, sau 2 ngày (tức ngày thứ 5 biểu hiện bệnh) tình trạng của con không đỡ, chị bèn đưa cả hai đến BV Nhi TƯ thăm khám. Tại đây, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, siêu âm, cả hai được xác định mắc virus Adeno, trong đó bé lớn cũng bị viêm phế quản.
Thấy tình hình dịch căng thẳng, chị xin nhập viện cả hai con. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết, tình trạng của hai con chưa cần thiết nhập viện, có thể điều trị ngoại trú. Trong quá trình chăm sóc, có gì bất thường thì gọi bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Sau khi tham khảo ý kiến, chị đồng ý cho con điều trị ngoại trú.
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên nếu con sốt trên 38,5 độ C, chị cho con uống thuốc hạ sốt. Ngoài ra, chị cho con uống nước điện giải, ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước, kể cả nước trái cây. Khi con sốt, nhưng chưa đến mức phải uống thuốc hạ sốt, chị chườm khăn cho con. Lúc con ho, chị cho ngậm chanh đào mật ong, hoặc ngậm kẹo bạc hà để giảm ho và uống thuốc bổ phế…
Sau 2 ngày về nhà điều trị, tình trạng của hai con đã cải thiện. Cả 2 bé đều đã cắt sốt, bắt đầu ăn trở lạ. "Adonevirrus cũng không đáng sợ, mọi người nên tuân theo chỉ định của bác sĩ", chị Huyền chia sẻ.
Không nên tự xét nghiệm Adenovirus
Do số ca mắc Adenovirus tăng cao, nhiều phụ huynh lo lắng nên tự đưa con đi xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Chị Thái Thị Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, khi thấy con sốt cao, mắt có nhiều gỉ, chị đã lên mạng tra triệu chứng bệnh và nghi ngờ bé mắc Adenovirus. Lập tức, chị gọi điện cho một BV tư nhân đến nhà lấy mẫu xét nghiệm Adenovirus cho con. Tuy nhiên, kết quả cho thấy, bé bị cúm B, không phải mắc Adenovirus.
Tương tự chị Linh, nhiều phụ huynh khách khi thấy con có biểu hiện ho, sốt đã cho bé đi xét nghiệm Adonevirus. Theo ghi nhận của PNVN, hiện tại, giá xét nghiệm Adenovirus tại các cơ sở khác nhau có giá khác nhau. Cụ thể, test nhanh có giá từ 230.000-239.000 đồng, xét nghiệm Elisa có giá 390.000 đồng, xét nghiệm RT-PCR có giá từ 1,1 đến 1,2 triệu đồng. Thậm chí, có BV tư nhân còn triển khai dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm Adenoviru tại nhà.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia cho rằng, việc người dân tự xét nghiệm xAdenovirus là không cần thiết. Bác sĩ Đào Trường Giang (BV Xanh Pôn, Hà Nội) cho rằng, việc xét nghiệm Adenovirus phần lớn không thực sự có ý nghĩa. Đối với một vài trường hợp cần thiết, bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm Adenovirus chứ không phải trường hợp nào mắc bệnh cũng cần xét nghiệm. Bởi lẽ, Adenovirus cũng giống các loại virus khác, hiện không có thuốc đặc trị mà triệu chứng tới đâu, điều trị tới đó. Thậm chí, nhiều bệnh nhân có thể tự khỏi mà không cần điều trị. "Phụ huynh không nên tự ý cho con đi xét nghiệm, tránh gây lãng phí, tốn kém", bác sĩ Giang chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho rằng, Adeno là loại virus quen thuộc, lây qua đường hô hấp, thường trú ở hầu họng của người bệnh. Adenovirus có thể gây bệnh quanh năm, tùy theo thời tiết và độ miễn dịch cộng đồng.
"Các bậc phụ huynh không nên tự ý đưa con đi xét nghiệm hay mong muốn được nhập viện điều trị cho an tâm. Thay vào đó, phụ huynh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, nhằm phòng ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Theo báo cáo của BV Nhi TƯ, từ đầu tháng 8/2022 đến nay, đã ghi nhận hơn 1.400 ca bệnh Adenovirus, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Chỉ trong 2 tuần từ 12/9 đến 21/9, tỷ lệ các ca được phát hiện mắc Adenovirus chiếm 10% tổng các ca đến khám tại BV. Riêng ngày 22/9, qua thăm khám các trẻ đến khám BV đã phát hiện 150 ca nhiễm Adenovirus, trong đó khoảng 50% phải nhập viện. BV cũng đã bố trí 300 giường dành riêng cho bệnh nhi mắc Adenovirus.