Mẹ chồng lên phim phải... ác?
Nhiều phim truyền hình đề tài gia đình gần đây thường dựng nên những bà mẹ chồng quái tính, hà khắc với con dâu… để tiện bề tạo xung đột, kịch tính.
Tập trung phát triển tình huống xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu là môtip khá quen của nhiều phim truyền hình thời gian qua.
"Chọn" mẹ chồng để câu view
Phim truyền hình vẫn có những bà mẹ chồng tốt như bà Điều trong phim Sống chung với mẹ chồng; bà Giang - người mẹ chồng tâm lý trong Về nhà đi con; bà Hồng đồng cảm với con dâu trong Hoa hồng trên ngực trái; bà Đào - một người mẹ hơi đỏng đảnh nhưng vui tính, đáng yêu trong Gạo nếp gạo tẻ...
Nhưng nhân vật mẹ chồng tốt thường ít đất diễn, còn mẹ chồng ác nghiệt mới là nhân vật được phim truyền hình dành nhiều thời lượng.
Biên kịch thường cho những bà mẹ này một anh con trai hiền lành, nhu nhược, nghe lời mẹ răm rắp, hoặc bà có một ông chồng mềm mỏng, chuyên đi hòa giải. Còn nhân vật mẹ chồng hiền lành thường có một anh con trai phá gia chi tử, trăng hoa, làm khổ vợ con...
Xem Hoa hồng trên ngực trái, khán giả sẽ thấy những tình tiết căng thẳng như mẹ chồng giả điên đánh đập con dâu; chồng trăng hoa, người tình nói gì cũng tin, về đánh đập người vợ đầu gối tay ấp đã 10 năm.
Trong Cả một đời ân oán, người xem dễ "lên huyết áp" mỗi lần nhân vật bà Lan xuất hiện, vì bà luôn làm mình làm mẩy, can thiệp, kiểm soát, đến nỗi hai con trai của bà lần lượt phải ly hôn cho bà vừa lòng.
Ngay cả Sống chung với mẹ chồng, ban đầu những mâu thuẫn giữa bà Phương và con dâu rất thú vị, càng về sau phim càng cường điệu hóa nhân vật mẹ chồng. Cái kết "hòa cả làng" được xử lý nhanh khiến khán giả không thỏa mãn.
Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu tốt đẹp: tại sao không?
Bộ phim Mẹ chồng lắm chiêu (6 tập, 25 phút/tập) phát sóng trong chương trình Xin chào hạnh phúc trên VTV3 vào giữa tháng 9 vừa qua có một góc nhìn khá dễ thương về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu tương lai.
Đó là câu chuyện về bà Tâm - người mẹ vì muốn xem mắt con dâu tương lai như thế nào đã vào làm người giúp việc trong căn biệt thự nơi con dâu cho thuê phòng... Bộ phim qua diễn xuất của diễn viên Hoàng Trinh, Bella Mai, Quốc Huy, Thanh Duy... được khán giả thích thú theo dõi.
Đạo diễn Dũng Nghệ cười khoe: "Phim được khán giả yêu thích, tôi được nhà sản xuất thưởng catsê thêm một tập. Trước đó, khi ra hiện trường, có thư ký đọc kịch bản lo lắng bảo, nội dung có xung đột gì đâu mà làm phim hay được!".
Tuy nhiên, nói thêm về những bi kịch mẹ chồng - nàng dâu trên phim, đạo diễn Dũng Nghệ cũng cho rằng Mẹ chồng lắm chiêu chỉ có 6 tập nên không cần nhiều kịch tính chứ những phim khai thác mẹ chồng nàng dâu dài 30-40 tập mà không có đẩy bi kịch, không tạo kịch tính thì cũng khó mà thu hút khán giả.
Đạo diễn Dũng Nghệ nhận định: "Thật sự có những phim khi khai thác cái xấu đến tận cùng sẽ toát ra tinh thần nhân văn nếu làm tốt. Vừa qua, các phim khai thác xung đột mâu thuẫn về mẹ chồng - nàng dâu hút khán giả bởi phản ánh được phần nào những ẩn ức của nhiều người trong cuộc sống gia đình".
Nhưng đạo diễn Dũng Nghệ cũng lo lắng cho rằng nếu khai thác quá nhiều yếu tố này mà bỏ qua những giá trị tốt đẹp của gia đình thì không nên, bởi gia đình luôn là điểm tựa của mỗi người.
Cần sự tinh tế về cảm xúc
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận xét các bộ phim truyền hình đề tài gia đình gần đây đã phản ánh sinh động hiện thực và "gãi đúng chỗ ngứa" của xã hội. Nhưng muốn phim để lại dấu ấn sâu sắc như Mẹ chồng tôi, người viết phải có kiến thức rộng và có khả năng tạo được tầng sâu triết lý cho kịch bản, để sau mỗi tình huống hấp dẫn, khán giả phải suy ngẫm.
"Nhiều phim truyền hình bây giờ chỉ chú tâm khai thác những xung đột mang tính chất đối kháng, kiểu như mẹ chồng là người bắt nạt, con dâu phải nhịn, lâu dần tức nước vỡ bờ. Ngoài ra, khi nhân vật không được xây dựng tính cách rõ nét ngay từ đầu, đến khi rơi vào xung đột, cách hành xử của họ sẽ gây cảm giác giả tạo" - biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.
Đồng tình với biên kịch Trịnh Thanh Nhã, một biên kịch (đề nghị không nêu tên) cho rằng những bộ phim cung cấp cái nhìn một chiều có thể ghim vào đầu khán giả những lối suy nghĩ đơn giản, phiến diện.
"Viết về những điều bình dị, về những con người trong sáng vươn lên trong cuộc sống một cách sâu sắc mới khó. Chúng tôi cũng phải đấu tranh với việc chạy theo trend (xu hướng thịnh hành) và không phải lúc nào cũng dễ thuyết phục được nhà sản xuất".
Đạo diễn Dũng Nghệ cũng thừa nhận phim có nhiều xung đột mới mang lại cảm giác an toàn cho nhà sản xuất. "Những câu chuyện ấm áp với những nhân vật đời thường, độc đáo đòi hỏi đội ngũ biên kịch phải có sự tinh tế về cảm xúc. Viết kịch bản không có nhiều xung đột thật sự rất khó"...
Nhưng khó không phải là không làm được, đó là nhận định của một số biên kịch, đạo diễn khi được hỏi về vấn đề này. Và gần đây, truyền hình không thiếu những phim khai thác mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu dù không bi kịch hóa vẫn hút khán giả như Dù gió có thổi, Cuộc chiến hoa hồng...
Một thủ pháp
Theo TS Trần Ngọc Hiếu (khoa ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội), quan niệm phim truyền hình vốn dĩ được coi là thể loại có chức năng giúp công chúng xả stress trong cuộc sống thường nhật, vì thế mọi thứ phải được kịch tính hóa cao hơn mức bình thường để có thể cuốn hút người xem. Việc xây dựng những nhân vật bà mẹ chồng quái ác, hay người thứ ba mưu toan, xảo trá là một thủ pháp của phim truyền hình.
"Tuy nhiên, nếu chỉ xây dựng nhân vật với tính cách một chiều tức là đang đơn giản hóa cái nhìn về con người cũng như diện mạo thực sự của đời sống đương đại vốn nhập nhằng hơn, rối rắm hơn rất nhiều" - TS Trần Ngọc Hiếu chia sẻ.
Anh còn cho rằng một số phim truyền hình hiện đang góp phần "bình thường hóa" những định kiến trong xã hội gia trưởng - vốn không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Do đó những nhà sản xuất phim truyền hình nên nhận thức rõ vấn đề để thay đổi thực tế này.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xem---nghe---doc/me-chong-len-phim-phai-ac-117872