Mẹ của cháu bé 3 tuổi và người tình bạo hành cháu bé tại Thạch Thất sẽ bị xử lý thế nào theo đúng quy định pháp luật?
Thời gian gần đây nhiều vụ án bạo hành trẻ em một cách dã man xảy ra khiến dư luận xã hội bức xức, đau lòng. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ như dạy dỗ trẻ bằng đòn roi là việc 'bình thường'.
Trên thực tế, nhiều vụ việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ.
Bạo hành đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, đa phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ty hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành có thể nhiều em trong số đó bị ảnh hưởng nặng nề đến tính cách và cũng ứng xử tương tự đối với người khác.
Để giảm thiểu được những hành vi này thì cần phải xem xét, làm rõ cha đẻ, mẹ đẻ của cháu bé đã thực hiện trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em như thế nào để từ đó xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ này theo quy định pháp luật.
Luật sư Phạm Thị Thanh Phương – Công ty Luật TNHH XTVN cho biết: Vụ án cháu bé 3 tuổi tại Thạch Thất, Hà Nội bị ghim 09 cái đinh vào đầu đang khiến dư luận xã hội sợ hãi, xót xa, tức giận và đề nghị các cơ quan pháp luật nhanh chóng điều tra, xét xử nghiêm minh kẻ thủ ác.
Nếu xác định hành vi găm 09 chiếc đinh vào sọ cháu bé là do người tình của mẹ cháu bé thực hiện thì cần phải làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của hành vi đó. Quá trình điều tra có đủ căn cứ xác định rõ ràng được các hành vi, nguyên nhân, động cơ, mục đích của đối tượng này thì họ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người được quy định tại Điều 123 của Bộ luật hình sự năm 2015 với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như “Phạm tội với người dưới 16 tuổi”, “Phạm tội vì động cơ đê hèn”, “Phạm tội có tính chất côn đồ”, “Thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ” với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra cũng cần xem xét đến trong thời gian trước ngày bị găm đinh vào đầu, cháu bé có khả năng bị bạo hành hay không. Nếu có căn cứ xác định cháu bị bạo hành, tùy theo mối quan hệ với cháu bé, các đối tượng có thể còn phải chịu trách nhiệm về tội Hành hạ người khác hoặc tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại các Điều 140 và Điều 185 của Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất.
Hơn nữa, ngoài các tình tiết phạm tội định khung hình phạt của các tội phạm nêu trên, đối tượng còn có khả năng bị áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng nữa, như: “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”, “Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác”.
Không chỉ vậy, trong vụ việc này, cần phải xem xét cả trách nhiệm của mẹ cháu bé khi chị đã nhiều lần biết, thậm chí có thể chứng kiến việc con mình bị hành hạ dã man. Nếu có căn cứ xác định được rằng mẹ cháu bé biết, chứng kiến việc người tình của mình đánh đập, hành hạ con mà vẫn mặc kệ, bỏ mặc bé thì có thể bị coi là đồng phạm với hắn về các hành vi phạm tội nói trên hoặc phạm tội Không tố giác tội phạm.
Tuy nhiên, hoàn toàn không có hình phạt nào tương xứng dành cho một người mẹ đã để cho con đẻ của mình còn đang rất nhỏ phải chịu cảnh hành hạ, tra tấn tàn độc, dã man. Trẻ em là đối tượng yếu thế trong xã hội, được ưu tiên chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện phát triển tốt nhất; đặc biệt được pháp luật bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại tinh thần, sức khỏe, tính mạng.
Mọi hành vi xâm phạm đến quyền được chăm sóc, giáo dục và phát triển của trẻ em, sẽ phải bị xử lý nghiêm minh nhất. Hành vi xâm hại đến tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác bị coi là tội ác, mất nhân tính, là các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và hoàn toàn không có lý do nào có thể bao biện được.
Xã hội có thể tha thứ cho nhiều lỗi lầm, tội ác sau khi kẻ thủ ác đã trả giá nhưng tội ác với trẻ em thì không thể chuộc lỗi. Những vụ án bạo hành trẻ em nghiêm trọng dẫn đến tử vong ngay giữa những đô thị hiện đại và phát triển trong thời gian gần đây dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự lệch lạc của đạo đức con người, về sự quan tâm, trách nhiệm chăm lo và bảo vệ trẻ em của cả xã hội nói chung, của các cơ quan đoàn thể có thẩm quyền và của bản thân mỗi cá nhân nói riêng.